Thực quyền từ chối

- Sau khi bùng ra thông tin về tương ớt hiệu Chinsu bị Nhật Bản thu hồi, nhiều người tiêu dùng xứ mình đã chọn không xài sản phẩm này nữa. Phản ứng đó một phần là vì họ chờ cơ quan quản lý thực phẩm lên tiếng chính thức. Nhưng phần nữa, họ vốn nghi ngờ chất lượng các sản phẩm khác của doanh nghiệp đã sản xuất hiệu tương ớt nói trên.

- Ờ, hồi trước nước tương của doanh nghiệp này cũng nhiều lùm xùm. Sau đó, đến lượt “nước chấm có mùi mắm” mà nhãn lại thể hiện là nước mắm. Nếu quả thực tương ớt cũng không an toàn, chắc doanh nghiệp đó sẽ mệt à.

- Là người tiêu dùng, khách hàng có nhiều lựa chọn khác nhau. Khi đã e ngại về một sản phẩm, họ sẽ từ chối sử dụng. Nếu sản phẩm bị tẩy chay trên diện rộng, doanh nghiệp sẽ lao đao. Thông tin loang ra lâu nay là có một số công ty chuyên làm thực phẩm chế biến đã “tẩm bổ” cho cơ quan chức năng để sản phẩm của họ luôn được nói tốt. Chưa biết chuyện này thực hư ra sao.

- Thương trường có nhiều sóng gió là bình thường, nhưng nếu chèn ép doanh nghiệp khác, hoặc cạnh tranh bằng những chiêu thức không lành mạnh thì phải dẹp. Rất tệ nếu dùng sức mạnh kim tiền để “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Cơ quan chức năng đã bị mua chuộc thì dễ bị… liệt chức năng. Nhưng người tiêu dùng vẫn có tiếng nói mạnh mẽ của mình, thông qua thực quyền từ chối.

Tin cùng chuyên mục