Giải thưởng văn học và những kỳ vọng

Giải thưởng nào cũng... có chuyện
Giải thưởng văn học và những kỳ vọng

Văn học Việt Nam hiện nay không có nhiều giải thưởng và còn ít hơn thế nữa là các giải thưởng có uy tín, có thể là một chỗ dựa cho bạn đọc và sự khích lệ cho người sáng tác. Ấy thế, dù giải thì ít nhưng các tranh cãi, lùm xùm quanh các giải thưởng lại nhiều mà tiêu biểu là cuộc tranh cãi xung quanh một tác phẩm vừa được trao giải trong cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa khép lại.

Trao giải sáng tác cho các tác giả là cựu chiến binh, một giải được đánh giá cao về các đề tài chiến tranh, hậu chiến.

Trao giải sáng tác cho các tác giả là cựu chiến binh, một giải được đánh giá cao về các đề tài chiến tranh, hậu chiến.

Giải thưởng nào cũng... có chuyện

Sự cố ở giải thưởng của Báo Văn Nghệ xoay quanh truyện ngắn Hồng trần của nhà văn nữ Chu Thị Minh Huệ đoạt giải ba cuộc thi. Theo các ý kiến phản đối thì tác phẩm này đã đoạt giải ở địa phương (Hà Giang) thì không thể đoạt tiếp một giải thưởng sáng tác khác. Tuy cuộc tranh cãi đã khép lại khi ban tổ chức đưa ra bằng chứng cho thấy tác phẩm không vi phạm quy chế cuộc thi nhưng dư luận vẫn chưa thôi bức xúc và lo lắng điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu khi một tác phẩm có thể “lách” quy chế để tham dự nhiều giải và ngăn cản các tác phẩm mới có chỗ chen chân vào.

Về các giải thưởng văn học, có một thời người ta còn đồn đãi chuyện “chạy” giải thưởng. Ấy thế mà vài năm trở lại đây, giải thưởng văn học lại trở nên “mất giá” khi liên tục có người từ chối nhận giải. Gần đây nhất là vụ hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam từ chối với những lý do vô cùng nặng nề như “không đủ tâm và tầm”, “thiếu trung thực”… Những lời này không biết chính xác đến đâu nhưng ít nhất nó cũng khiến cho bạn đọc trở nên nghi ngại và giải thưởng thì không còn ánh hào quang như ngày nào.

Nếu một số giải thưởng văn học bị chê trách vì chất lượng tuyển chọn tác phẩm thì có một giải thưởng cũng bị chê… là trao giải cho các tác phẩm… đã được cả thế giới công nhận! Đó là giải thưởng Sách hay do dự án sách hay và trường PACE cùng Viện IRED tổ chức. Giải thưởng này trao cho nhiều loại sách và về cơ bản được đánh giá cao về tính nghiêm túc và trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề người ta chê trách là vì ở phần văn học dịch, trong hai lần tổ chức, giải thưởng này đều trao cho những tác phẩm đã quá thành danh như Trăm năm cô đơn, Hoàng tử bé. Một nhà văn nổi tiếng trong nước đã nhận xét, trao giải thưởng kiểu này là vô nghĩa vì không cần đến giải thì những tác phẩm trên đều đã quá nổi tiếng, chẳng sợ bị quên lãng như các nhà tổ chức giải thích lý do trao giải. Giải thưởng là để giúp bạn đọc biết đến những cuốn sách hay mà họ chưa biết chứ như hiện nay thì cứ lấy danh sách tác phẩm đoạt giải Nobel hay các giải lớn khác công bố là xong.

Loay hoay tìm giải xứng đáng

Trong lúc các giải thưởng văn học ở tầm quốc gia gặp nhiều vấn đề thì các giải thưởng văn học ở địa phương lại đang trỗi dậy, tiêu biểu có thể kể đến giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Vài năm trở lại đây, giải thưởng này càng lúc càng được đánh giá cao không chỉ vì chất lượng của giải mà còn cả sự “dũng cảm” như trường hợp trao giải dịch thuật cho dịch giả Dương Tường vừa qua. Trong lúc tác phẩm dịch Lolita của ông đang bị đả kích dữ dội thì hội vẫn trao giải dịch thuật và bênh vực tác phẩm dịch bằng lý luận chặt chẽ thể hiện sự tôn trọng trong sáng tác và nghiêm túc trong nghiên cứu học thuật.

Là nơi tụ hội đa dạng nhất nước, TPHCM cũng có một đời sống văn học khá sôi động và giải thưởng văn học ở đây cũng là một trong các giải địa phương được đánh giá cao. Các tác phẩm đoạt giải dù ít hay nhiều đều gây được tiếng vang trong dư luận như tác phẩm Được sống và kể lại năm 2010, trường ca Ăn xà bông năm 2011 và Chất vấn thói quen năm 2012. Dù rằng vẫn có những ý kiến về việc thiếu các tác phẩm phê bình hay về nhân thân người được giải nhưng về cơ bản, giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM đã làm tròn chức năng.

Ngoài các giải thưởng văn học của các hội chuyên ngành, gần đây cũng có một số các giải thưởng văn học có quy mô rộng về không gian nhưng lại bó hẹp về chủ đề sáng tác như giải của NXB Công an về đề tài an ninh, bảo vệ tổ quốc, giải Văn học tuổi 20 của Báo Tuổi Trẻ giới hạn ở giới trẻ, giải truyện ngắn của Báo SGGP tập trung vào chủ đề cuộc sống mới…

Gần đây, trên các mạng xã hội cũng lác đác xuất hiện một số giải thưởng cho thơ, văn trên facebook của một số cá nhân tự tổ chức. Những giải thưởng này cũng quy tập được một số người yêu thích sáng tác, nghiệp dư, từ đó có cơ hội tìm kiếm những cây bút mới lạ, góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn chương. Tuy nhiên, nhược điểm của các giải này là thiếu sự chuyên nghiệp, chuyên sâu, thiếu tính định hướng, mang tính phong trào là chính.

Giải thưởng văn học là thước đo để đánh giá hoạt động sáng tác đồng thời là nguồn khích lệ các tác giả, là nơi cung cấp cho bạn đọc sự tham khảo về các tác phẩm mới, hay của nền văn chương trong nước. Chính vì thế, khi các giải thưởng hàng năm tầm cỡ quốc gia uy tín bị sứt mẻ, các giải khác thì chưa đủ tầm đã dẫn đến một hiện thực là văn học Việt Nam hiện trống hẳn một giải thưởng danh tiếng thực sự để giúp những người sáng tác hướng đến, khuyến khích văn hóa đọc trong nước phát triển.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục