Người gieo nhạc cho phim

Nhạc phim - một trong những yếu tố góp phần tạo nên dấu ấn của bộ phim trong lòng khán giả. Vài năm gần đây số lượng phim truyền hình và điện ảnh cả nước ra đời có khi lên tới hàng trăm phim/năm, khiến không những đạo diễn, quay phim, diễn viên… chạy show mà kéo theo cả nhạc sĩ vào guồng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi xoay quanh về sáng tác nhạc - ca khúc trong phim với nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm - người xuất hiện liên tục trong gần 50 bộ phim truyền hình và điện ảnh, tiêu biểu như: Vùng trời bình yên, Gió nghịch mùa, Cha dượng, Vó ngựa trời Nam, Giấc mơ biển, Nhà có 5 nàng tiên, Những cơn mưa tình yêu, Bờ bến lạ, Ngược sóng, Vườn đời, Tình mẹ, Chân tình…
Người gieo nhạc cho phim

Nhạc phim - một trong những yếu tố góp phần tạo nên dấu ấn của bộ phim trong lòng khán giả. Vài năm gần đây số lượng phim truyền hình và điện ảnh cả nước ra đời có khi lên tới hàng trăm phim/năm, khiến không những đạo diễn, quay phim, diễn viên… chạy show mà kéo theo cả nhạc sĩ vào guồng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi xoay quanh về sáng tác nhạc - ca khúc trong phim với nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm - người xuất hiện liên tục trong gần 50 bộ phim truyền hình và điện ảnh, tiêu biểu như: Vùng trời bình yên, Gió nghịch mùa, Cha dượng, Vó ngựa trời Nam, Giấc mơ biển, Nhà có 5 nàng tiên, Những cơn mưa tình yêu, Bờ bến lạ, Ngược sóng, Vườn đời, Tình mẹ, Chân tình…

Nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm

Nhạc sĩ Phạm Hữu Tâm

* Phóng viên: Anh có thể chia sẻ về ý kiến cho rằng nhạc phim là sự kết nối nội dung, tính cách của các nhân vật trong một bộ phim với người xem, song phải được nhạc sĩ cảm hứng, tiết chế một cách hợp lý ?

* Nhạc sĩ HỮU TÂM: Với tâm huyết luôn nâng tầm chất lượng nhạc phim Việt Nam ngày càng tốt hơn, nên tôi luôn tràn đầy cảm xúc và có trách nhiệm khi viết nhạc phim. Thường tôi sáng tác đến 2 ca khúc chủ đề cho một bộ phim, một cho phần mở đầu và một cho phần cuối phim. Riêng trong đường dây phim, ngoài nhạc tình huống, đôi khi do quá cảm hứng, tôi lại viết thêm một hay vài ba ca khúc nữa cho tuyến nhân vật hay cho những tình huống thật có ý nghĩa trong phim, điển hình như trong phim Giấc mơ biển, có đến 4 ca khúc, đó là Giấc mơ hè, Giấc mơ biển, Giấc mơ hồng và Giấc mơ tuổi thơ. Hay trong phim Những đóa hoa tình yêu tôi viết 4 bài Xin một ngày bình yên, Về với bình yên, Những đóa hoa tình yêu, Cùng ước mơ… Việc tiết chế chỉ xảy ra khi ngồi xem lại mới thấy ca khúc hay phân đoạn nào đó hơi bất hợp lý, không mấy hiệu quả để cùng đẩy được chất lượng bộ phim lên cao, nên đành phải cắt đi.

* Để có thể sáng tác được từ những phân đoạn, trường đoạn, ca khúc chủ đề, nền nhạc cho phim, người nhạc sĩ phải thực hiện những quy trình, kinh nghiệm thế nào từ kịch bản để có nguồn cảm hứng sáng tác, ngoài tài năng và tâm huyết?

* Ngoài tài năng và tâm huyết, có thể mỗi nhạc sĩ sáng tác nhạc phim có riêng cho mình một quy trình. Với tôi rất chú trọng trong việc đọc kịch bản, chủ đề tư tưởng của bộ phim. Từ đó tìm ra chủ đề của ca khúc mình dự định sáng tác. Sau khi có được ca từ và giai điệu của ca khúc mới dùng giai điệu ấy làm màu cho việc sáng tác ngẫu hứng các phân đoạn nhạc tình huống (nhạc nền), các phân đoạn và trường đoạn tùy thuộc vào độ dài của tình huống mà mình muốn cài đặt vào.

Việc sáng tác nhạc tình huống còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hòa âm, phối khí, trong đó cần khai thác cả tiết tấu và tính năng nhạc cụ để nâng tầm chất lượng âm nhạc. Tất cả quy trình này tùy thuộc vào sự phát triển của tuyến nhân vật chính và nội dung từng phân đoạn trong bộ phim. Tôi thường hay trao đổi trực tiếp với biên kịch và đạo diễn trước khi bắt tay vào sáng tác và chịu khó đến hiện trường quay để nắm bắt tâm lý nhận vật cùng bối cảnh một cách chi tiết, cụ thể để sáng tác gần gũi hơn.

Nhưng có một thực tế sau đã trở thành kinh nghiệm, khi sáng tác ca khúc Gió nghịch mùa trong bộ phim cùng tên. Tôi nhận thấy tình yêu chân thật sẽ chết đi khi có một sự toan tính, gian dối, danh vọng giàu sang len lỏi vào. Do đó, trong ca từ có câu: “… Gian dối nào, toan tính nào khiến cho mối tình chỉ còn nát tan… Tình yêu ấy đã chết từ khi bao dối gian đã len lỏi vào che khuất đi thiết tha ấm nồng giữa chúng mình…”.

* Anh nghĩ sao trước thực trạng có nhiều bộ phim truyền hình sản xuất để kịp thời gian phát sóng, hay thiếu đầu tư toàn diện, có một số nhạc sĩ đã không sử dụng đúng, mà lắp ghép khiên cưỡng âm nhạc (giai điệu), ca khúc trái hẳn ý nghĩa của nội dung bộ phim?

* Việc sáng tác giai điệu hay ca từ của ca khúc tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi tác giả đối với nội dung kịch bản và việc cảm thấy ý nghĩa của ca khúc có phù hợp hay không với bộ phim cũng lại tùy thuộc vào nhận định của người xem…

* Quan niệm của anh thế nào khi một bộ phim hay, không cần phải có ca khúc chủ đề mà chỉ cần sử dụng thật hiệu quả, hợp lý những tiết tấu, những giai điệu, những nhạc cụ trong từng phân, trường đoạn, cao trào của bộ phim?

* Tôi tâm niệm luôn muốn mình sáng tác ít nhất là một ca khúc chủ đề trong phim, cho dù đó là ca khúc có ca từ hay là nhạc không lời, từ đó giai điệu ấy cứ rải đều trong toàn bộ phim. Đến khi phát sóng xong bộ phim, ca khúc ấy cứ vang mãi trong lòng người xem… Đó là hạnh phúc tuyệt vời của người nhạc sĩ.

* Trong sáng tác, đôi khi anh đặt nặng hơn về ca khúc chủ đề, vì hy vọng nó có đời sống lâu dài hơn bộ phim khiến khán giả nhớ mãi như bài Chị tôi (phim Người Hà Nội) của nhạc sĩ Trọng Đài, hay ca khúc Vùng trời bình yên, trong phim cùng tên của anh ?

* Tôi luôn chú tâm sáng tác ca khúc chủ đề vì chính giai điệu ấy sẽ làm màu cho các nhạc tình huống có trong toàn bộ phim chứ không vì đời sống của ca khúc đó. Ca khúc chủ đề của phim có đời sống lâu dài hơn bộ phim là sự đón nhận của người xem và sự truyền tải ca khúc ấy đến mọi người không chỉ là trong phim mà còn trong các chương trình biểu diễn của các ca sĩ, nhạc sĩ và trên các phương tiện truyền thông khác. Sẵn đây, tôi muốn trình bày một vấn đề nan giải hiện nay đã dẫn đến việc nhạc phim trong thời gian ít có đời sống lâu dài hơn xưa. Đó là trước khi sáng tác, thông thường tác giả phải ký một hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu cho chủ đầu tư (trong đó có nhà sản xuất, nhà phát hành, các đài truyền hình…). Do đó tâm lý tác giả không dám đầu tư mạnh dạn cho việc truyền bá tác phẩm của mình khi không còn quyền sở hữu (cho dù rất tâm huyết với các tác phẩm đó). Vì vậy, chúng tôi mong các chủ đầu tư nên tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các nhạc sĩ được phổ biến các tác phẩm nhạc phim của mình trên tất cả các phương tiện truyền thông khác ngoài hệ thống truyền hình hay hệ thống rạp, đôi khi chính những tác phẩm âm nhạc trong phim có tác dụng kéo khán giả tìm xem các bộ phim có ca khúc mà mình yêu thích.

* Anh có nghĩ ngoài phim truyện, một bộ phim tài liệu trong tương lai cũng rất cần có những nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác riêng cho từng bộ phim?

* Không chỉ là phim truyền hình hay phim điện ảnh, mà ở các thể loại phim khác, trong đó có phim tài liệu, đều cần có sự đầu tư nghiêm túc về phần âm nhạc, vì chính âm nhạc là một phần quan trọng đẩy mạnh chất lượng bộ phim.

* Anh có thể dùng những cụm từ tiêu biểu nhất để thể hiện yếu tố cần và đủ của một nhạc sĩ chuyên sáng tác kết hợp ăn ý, chất lượng giữa nhạc phim và nội dung của bộ phim ?

* Điều tôi nghĩ đơn giản chỉ gói gọn trong bốn từ: Đó là có tâm.

THIỆN THÀNH

Tin cùng chuyên mục