Buồn cho một di tích

Trong xu thế đổi mới để thu hút du khách của ngành bảo tàng tại TPHCM, có thể thấy sự lột xác đáng khích lệ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trong những năm qua.

Trong xu thế đổi mới để thu hút du khách của ngành bảo tàng tại TPHCM, có thể thấy sự lột xác đáng khích lệ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trong những năm qua.

Từ chủ trương của thành phố, dự án cải tạo và mở rộng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được thực hiện, đến nay tòa nhà 1 và 2 của bảo tàng đã được cải tạo, chỉnh trang khá hoàn chỉnh, tạo nên bộ mặt khang trang cho một bảo tàng mỹ thuật chuyên ngành duy nhất của cả khu vực phía Nam. Và lẽ đương nhiên, bảo tàng cũng không ngừng đổi mới hoạt động để đáp ứng nhu cầu xã hội - vừa là nơi gặp gỡ giao lưu mỹ thuật, nghệ thuật với bạn bè quốc tế vừa tạo sân chơi bổ ích cho các nghệ sĩ, họa sĩ nhất là các họa sĩ trẻ thể hiện mình - thông qua đó, bảo tàng ngày càng khẳng định vai trò và vị trí của mình đối với công chúng.

Không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật, bảo tàng phải trở thành điểm đến của nhiều khách tham quan thì mới phát huy những giá trị lịch sử, những nét văn hóa độc đáo của hơn 20.000 hiện vật mỹ thuật. Làm sao để thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là với giới trẻ, rõ ràng không thể bắt đầu bằng việc quảng bá, mời gọi suông nếu như không quyết liệt tự làm mới mình. Hàng loạt trang thiết bị tủ, kệ, đai, vách trưng bày được đầu tư hoàn thiện; hệ thống ánh sáng cục bộ cho từng tác phẩm thay cho hệ thống đèn neon đã làm tăng giá trị của bức tranh, pho tượng; hệ thống bảng biểu, bảng trích, chú thích cũng được chăm chút hơn. Hệ thống trưng bày chuyên đề theo đó cũng được đầu tư theo hướng chuyên sâu, từ trưng bày mỹ thuật cổ đại - cận đại, mỹ thuật hiện đại trước năm 1975, mỹ thuật hiện đại từ 1975 đến nay, chuyên đề các bộ sưu tập của bảo tàng, các di sản văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước, hệ thống trưng bày mỹ thuật ngắn hạn giới thiệu tác phẩm của các tác giả… lần lượt ra mắt công chúng. Mặt khác, khuôn viên bảo tàng cũng được chỉnh trang, khu vực vườn tượng tạo không gian văn hóa, tạo mảng xanh, sạch đẹp, lịch sự để phục vụ du khách.

Hơn một năm qua, khi hệ thống tòa nhà 2 được hoàn thiện thì nơi đây trở thành điểm hẹn lý thú với đông đảo các tầng lớp họa sĩ và công chúng yêu nghệ thuật của TPHCM và các tỉnh thành. Mỗi năm, hàng chục cuộc triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm diễn ra tại đây, thu hút đông đảo công chúng và du khách khắp nơi, là nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm của họa sĩ trong nước và hàng trăm họa sĩ quốc tế. Tương lai gần, ngoài việc hoàn thiện các dự án xưởng chế tác, xây dựng trung tâm hướng dẫn mỹ thuật và ứng dụng mỹ thuật, quy hoạch lại các cửa hàng tặng phẩm, ấn phẩm quà lưu niệm, bảo tàng sẽ đưa vào hoạt động phòng trải nghiệm mỹ thuật, nhằm tạo không gian tốt nhất phục vụ nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ và công chúng khi đến tham quan bảo tàng. Đây là một dự án được coi là sáng tạo và mang tính đột phá, ngày càng gần với hệ thống bảo tàng hiện đại trên thế giới.

Thực tế, bên cạnh niềm vui còn không ít nỗi buồn và trăn trở. Từ nhiều năm trước, trong dự án cải tạo mở rộng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, UBND TPHCM đã quyết định giao Sở VH-TT-DL và bảo tàng thực hiện sửa chữa, cải tạo 3 tòa nhà đồng thời xây mới một khu để làm văn phòng và kho hiện vật. Thế nhưng mãi đến nay, di tích kiến trúc nghệ thuật rất đẹp của thành phố với hệ thống 3 tòa nhà liền kề vẫn bị ngăn cách bởi một tường rào lạnh lùng. Khu tòa nhà 3 hiện vẫn là văn phòng của một đơn vị khác. Không những thế, nhiều ngày gần đây, nếu có dịp đi ngang qua di tích này, người ta dễ dàng nhận thấy không khí rôm rả của một quán nhậu với nhiều chương trình khuyến mãi được chào mời!? Lại một nốt lặng buồn cho di tích!

MINH AN

Tin cùng chuyên mục