Nhà văn Lại Văn Long: Viết văn hay viết báo đều phải đọc nhiều

Tốt nghiệp cử nhân triết học nhưng say mê sáng tác văn chương, Lại Văn Long là cây bút đáng chú ý thuộc thế hệ 6X, chuyên viết về đề tài hậu chiến. Sau tập truyện ngắn Thủy cơ và tiểu thuyết Thạch Đế, mới đây anh lại trình làng tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Đây là một trong những tác phẩm đáng đọc giữa thế giới sách sôi động của năm 2016. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Lại Văn Long.
Nhà văn Lại Văn Long: Viết văn hay viết báo đều phải đọc nhiều

Tốt nghiệp cử nhân triết học nhưng say mê sáng tác văn chương, Lại Văn Long là cây bút đáng chú ý thuộc thế hệ 6X, chuyên viết về đề tài hậu chiến. Sau tập truyện ngắn Thủy cơ và tiểu thuyết Thạch Đế, mới đây anh lại trình làng tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Đây là một trong những tác phẩm đáng đọc giữa thế giới sách sôi động của năm 2016. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Lại Văn Long.

PHÓNG VIÊN: Anh là nhà văn đi làm báo, rồi là nhà báo tranh thủ viết văn. Nhiều người ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao anh đột ngột biến mất trên văn đàn một thời gian dài, rồi lại bất ngờ khi nhìn thấy anh đột ngột xuất hiện trở lại với sức viết rất mạnh mẽ. Đằng sau những sự đột ngột ấy là gì?

Nhà văn LẠI VĂN LONG: Sau khi nhận giải thưởng của Báo Văn Nghệ cho cuộc thi truyện ngắn năm 1990 - 1991, tôi rất muốn tiếp tục với văn chương, nhưng phải rẽ sang làm báo để nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Đã lao vào làm báo thì viết văn rất khó. 15 năm tiếp theo tôi chẳng sáng tác được gì ngoài một, hai truyện ngắn dù đã được đăng báo vẫn không muốn đọc lại.

Nhà văn Lại Văn Long

Thế nhưng vài năm gần đây tôi viết rất sung sức, bạn bè gọi là “viết như lên đồng”, một cuốn tiểu thuyết cỡ 200 - 300 trang chỉ viết dưới 3 tháng là xong. Đó là chưa kể vừa viết thêm truyện ngắn, các bài báo để… lấy ngắn nuôi dài.

Riêng trong năm 2016 này, tôi đã viết gần xong 2 tiểu thuyết với độ dày từ ngàn trang trở lên. Cuốn thứ nhất là Mật danh Đ.9, đã đưa vào dựng phim 45 tập trong series Hồ sơ Lửa và cuốn thứ hai Gia tộc tướng cướp đã viết được 37/60 chương (mỗi chương tương đương 1 tập phim 45 phút). Tôi hạ quyết tâm 2 tháng nữa là hoàn thành bộ tiểu thuyết mà nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đọc xong 15 tập đầu đánh giá là “có tính chất sử thi”.

Khởi đầu viết truyện ngắn, anh chuyển sang viết tiểu thuyết. Theo anh, đâu là cái khó để dựng nên một tiểu thuyết thành công?

Tôi đã có 3 tiểu thuyết được phát triển từ truyện ngắn là Thạch Đế, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện và Đứa con thời hậu chiến… Lúc đầu, mỗi tác phẩm tôi tính viết 5.000 chữ trở lại, song càng viết càng say sưa, bút không dừng được nên tôi cho cảm xúc tuôn chảy tự do, để mình “nửa mê nửa tỉnh” với giấc mơ ngọt ngào kéo dài suốt cả trăm ngày đêm.

Tôi chẳng được học một ngày về văn chương, báo chí, viết theo ý thích riêng của mình nên giờ hỏi lý thuyết về sáng tác văn hay viết báo, tôi… bó tay! Sáng tác văn hay viết báo đòi hỏi nỗ lực học tập ghê lắm. Cái gì còn lơ mơ phải đọc nhiều, đọc kỹ thì mới “thấu”, mới tuôn chữ được. Sợ nhất là viết ra bị người ta chê cười vì kém, vì lười, vì u mê…

Vốn học triết nhưng được biết thời sinh viên anh rất mê đọc tiểu thuyết, vậy những nhà tiểu thuyết nào của Việt Nam và thế giới mà anh mến mộ?

Hồi nhỏ tôi đọc sách rất nhiều, thời sinh viên suốt ngày “ngồi đồng” trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học xã hội và Thư viện Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Khi bắt đầu viết văn, tôi không đọc nữa vì sợ bị ảnh hưởng hoặc vô tình thành “đạo văn”. Tôi thích những bộ tiểu thuyết như: Nhà thờ Đức Bà Paris, Những người khốn khổ của văn chương Pháp; Sông Đông êm đềm của Nga; Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du ký của Trung Quốc; Đèn không hắt bóng của Nhật Bản; Bố già của Mỹ… Tiểu thuyết Việt Nam tôi đọc nhiều nhưng không có tác phẩm đạt tầm như những cuốn tôi vừa kể. Đó là điều mà các nhà văn Việt Nam rất trăn trở, còn với tôi là nỗi buồn.

Vâng, nỗi buồn đầy tự trọng của một cây bút có trách nhiệm. Đối với hai tiểu thuyết đã xuất bản của anh, ở góc độ tác giả anh nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa Thạch Đế với Đứa con thời hậu chiến?

Tôi viết tiểu thuyết Thạch Đế từ năm 1991 đến 2009 mới xong, dù chỉ 200 trang mà mất 18 năm. Đứa con thời hậu chiến cũng dày cỡ đó nhưng viết xong chỉ trong 9 tuần. Hai cuốn là hai phương pháp kể chuyện khác nhau. Thạch Đế nhiều “tham vọng” về triết, sử, thời cuộc và là cuốn tiểu thuyết đầu tay nên rất khó viết, khi phát hành nhiều người đọc cũng cho là “khó nuốt” vì ẩn dụ nhiều quá, triết học nhiều quá, kể cả khô quá. Đứa con thời hậu chiến tôi viết theo kiểu “giảm duy lý, tăng cảm xúc” nên viết cũng dễ mà độc giả phản hồi cũng tích cực hơn. Thậm chí là lấy nước mắt của nhiều chị em. Nhưng với giới sáng tác và phê bình thì họ vẫn thích Thạch Đế hơn.

Chưa tới 200 trang sách nhưng thông qua câu chuyện số phận nghiệt ngã của hai mẹ con Lê và Hoài, một bức tranh sống động sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 đã được anh dựng lên trong Đứa con thời hậu chiến. Người đọc bất ngờ với cái kết mang tính thời sự hòa hợp, hòa giải. Hình như đây cũng là một thông điệp mà anh muốn gửi gắm?

Đúng như vậy. Từ thời mở cửa đến nay, nhất là từ khi Việt Nam có internet, tôi có cái nhìn đa diện hơn về cuộc chiến 1954 - 1975. Tôi cũng như bất kỳ người Việt nào, đều khát vọng hòa hợp hòa giải dân tộc. Trong những bài báo được giải thưởng của tôi, trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết đã viết, tôi đều tập trung cho khát vọng này dưới nhiều cách mô tả, kể cả cách viết huyền ảo như trong các tác phẩm của mình, tôi đều nhắc đến hòa hợp hòa giải dân tộc với cách thức mềm mại, dễ cảm nhất. Tôi sẽ còn đeo đuổi đề tài này trong các sáng tác tiếp theo của mình.

HÙNG PHAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục