Vị Chủ tịch nước sâu sát, lắng nghe dân

Đó là nhận xét của ông Huỳnh Thiên Phúc, cán bộ hưu trí cùng nhiều cử tri quận 3 TPHCM, khi nói về Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một lần tiếp xúc cử tri TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một lần tiếp xúc cử tri TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

 Tính ra, trong hơn 2 năm ở cương vị Chủ tịch nước và đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị số 1 (quận 1, 3, 4), nhiều người cũng chỉ đôi ba lần được gặp người đại biểu của mình trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng mỗi cuộc tiếp xúc cử tri là một vấn đề bức xúc về đời sống, dân sinh mà người dân quan tâm được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu ra và đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương và TPHCM vào cuộc, giải quyết rốt ráo.

Ông Huỳnh Thiên Phúc nhớ lại: “Vào thời điểm năm 2015, 2016, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm nóng lên ở nhiều địa phương, trong đó có TPHCM. Đi đâu cũng nghe người dân phản ánh với thái độ bức xúc, lo lắng. Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, rất nhiều ý kiến cử tri quận 3 phản ánh vấn đề này và được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời rất xác đáng.

Chủ tịch nước nói: “An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề bức xúc, quan tâm, lo lắng của toàn thể người dân. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt, Quốc hội cũng đưa vào giám sát tối cao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương, trong đó có TPHCM, cũng đang triển khai rất nhiều giải pháp để làm sao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từng bữa ăn của người dân. TPHCM cần đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, để mọi người dân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đấu tranh quyết liệt với thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng đang gây nguy hại đến cuộc sống của người dân. Tới đây, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các dự án luật có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng chúng ta cũng phải kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và tất cả mọi người đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh. Chúng ta cùng đồng lòng nói “không” với những chất cấm, những chất độc hại, thực phẩm “bẩn”, để làm sao góp phần bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng ngày càng tốt hơn, trước những nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Cả xã hội cần dấy lên một phong trào, một dư luận xã hội, lên án những người vi phạm về đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm xã hội, chỉ coi lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” và đưa những chất cấm vào chăn nuôi, trồng trọt gây nguy hại đến sức khỏe người dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp điều tra, xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm…”. 

Sau đó TPHCM đã kiến nghị với Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc biệt, được thành lập Ban An toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan này đi vào hoạt động hơn 1 năm nay và bước đầu đã trở thành cơ quan “gác cửa” về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả này là một trong những dấu ấn đóng góp thiết thực, cụ thể của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với người dân TPHCM.

Tin cùng chuyên mục