Thị trường tràn ngập cá tầm nhập lậu

Theo các chủ trại nuôi cá tầm, hiện trên thị trường có tới 90% cá tầm là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cũng lo ngại việc buông lỏng kiểm soát cá tầm lậu có thể tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh vào nội địa.

Theo các chủ trại nuôi cá tầm, hiện trên thị trường có tới 90% cá tầm là hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cũng lo ngại việc buông lỏng kiểm soát cá tầm lậu có thể tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh vào nội địa.

  • Giá siêu rẻ

Tại các nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác hiện nay rất dễ dàng để mua được cá tầm về chế biến khi người tiêu dùng có nhu cầu. Thậm chí tại các chợ đầu mối thủy sản ở Hà Nội như: Thành Công, Nghĩa Tân, Thể Giao… cá tầm cũng ùn ùn đổ về. Khi hỏi về nguồn gốc cá nuôi ở đâu, chủ các cửa hàng, siêu thị đều trả lời cá được vận chuyển về từ Sa Pa, Tam Đảo hoặc từ Lâm Đồng ra. Giá cá tầm bán tại các chợ ở Hà Nội hiện nay là 160.000 - 180.000 đồng/kg.

Song điều kỳ lạ ở chỗ, giá cá tầm bán ở chợ và trong các nhà hàng khác nhau một trời một vực. Hầu như tại các nhà hàng, giá bán hiện nay lên tới 500.000 - 700.000 đồng/kg. Được hỏi nguyên nhân đẩy giá lên cao, chủ một nhà hàng cá tầm tại Hà Nội nói rằng, cá tầm ngoài chợ phần lớn là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, còn cá tầm ở nhà hàng được nuôi trong nước, chất lượng cá ngon hơn, đảm bảo hơn nhiều. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách nói của phía nhà hàng. Còn theo nhiều người tiêu dùng thì hiện thị trường cá tầm ở nước ta, chiếm tới 80% - 90% là cá tầm của Trung Quốc tràn sang. Mà theo quy định thì hiện chúng ta không cho phép nhập cá tầm Trung Quốc, nhưng cá tầm từ phía bên kia biên giới vẫn tìm mọi cách tuồn lậu vào nội địa.

Trước tình trạng cá tầm nhập lậu mất kiểm soát, phá nát ngành nuôi cá tầm trong nước, tháng 9-2012, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành cùng UBND các tỉnh biên giới vào cuộc ngăn chặn. Nhưng cho đến nay, tình hình vẫn không hề biến chuyển. Tại các tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn trong năm 2012, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ được một số vụ nhập lậu cá tầm Trung Quốc nhưng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một lượng cá tầm khổng lồ vẫn đang tràn vào nội địa. Theo tìm hiểu, cá tầm từ Trung Quốc nhập về Việt Nam theo hai đường, tiểu ngạch và nhập lậu qua các tỉnh có cửa khẩu thông thương như Tân Thanh, Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai (tỉnh Lào Cai), đặc biệt là qua Tà Lùng (Cao Bằng)... Giá cá tầm Trung Quốc khi về đến biên giới Việt Nam vào khoảng 130.000 - 150.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa hoặc 2/3 so với giá bán trong nước. Còn mua tại Trung Quốc, giá chỉ có 90.000 đồng/kg.

  • Bóp chết cá tầm trong nước

Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cá tầm Việt Nam - Bắc Giang bức xúc: “Tôi tham gia vào lĩnh vực nuôi cá tầm từ năm 2005 đến nay nhưng không thể phát triển mô hình ra rộng hơn được vì muôn vàn khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh với cá tầm nhập lậu giá rẻ từ bên kia biên giới”. Theo ông Khải, công ty đang nuôi cá tầm thương phẩm tại Hữu Lũng - Lạng Sơn nhưng với quy mô nhỏ, chỉ cung cấp trên địa bàn và tỉnh Bắc Giang.

Tương tự, ông Trần Yên, Giám đốc Công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Tây Bắc cũng than thở, ở nước ta hiện nay có nhiều nơi có điều kiện tốt để nuôi cá tầm như Lâm Đồng, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn nhưng vì không cạnh tranh được nên vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Cũng vì nguồn cung ít nên lượng cá tầm tiêu thụ trên thị trường buộc phải nhường sân cho cá từ Trung Quốc. Theo ông, các chủ trại đang phải nhập cá tầm giống từ Nga, chi phí khá cao nên không thể cạnh tranh nổi với nguồn cá giống và thương phẩm rẻ của Trung Quốc.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã từng gửi công văn, đơn từ lên các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, song đến nay vẫn chưa chuyển biến. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Phạm Anh Tuấn cho biết: “Bộ NN-PTNT cũng chưa có biện pháp gì khả thi hơn để tháo gỡ. Vì ngành nông nghiệp không phụ trách chính về lĩnh vực ngăn chặn hàng lậu, muốn giải quyết dứt điểm cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng”. 

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục