Khắc phục tình trạng thiếu thuốc trong bệnh viện

Nước đến chân nhưng... không nhảy được!

Nước đến chân nhưng... không nhảy được!

3 tháng sau khi áp dụng Thông tư 20 (TT 20) của Liên bộ Y tế – Tài chính về đấu thầu thuốc, tại TPHCM, nhiều cơ sở y tế đang trở nên rối bời trước nguy cơ không có thuốc điều trị. Trước những đề nghị khẩn thiết từ các cơ sở, Sở Y tế phải đề ra những giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng này. Sáng nay (12-9), UBND TP sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế và các ban ngành liên quan để tìm cách giải quyết.

Nước đến chân lâu rồi!

Nước đến chân nhưng... không nhảy được! ảnh 1
Không còn cách nào khác, bệnh viện vẫn phải kê toa cho bệnh nhân ra ngoài tự mua một số loại thuốc.

BS Vũ Bằng Giang, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 than thở: “Từ một tháng nay, bệnh viện (BV) thiếu thuốc đến nỗi… chỉ muốn treo bảng thông báo: Bệnh nhân muốn mua thuốc thì tùy”.

TS-BS Vũ Thị Nhung – Giám đốc BV Hùng Vương cũng thở hắt: Ngay khi triển khai TT 20, BV đã thấy bất ổn và biết trước tình trạng không còn thuốc để điều trị! Ngoài việc kiến nghị với sở giải quyết những vướng mắc, từ giữa tháng 7, BV đã chủ động dự trữ thuốc dùng cho 2 tháng nhưng đến nay phần thuốc này đang cạn dần.

 Để giải quyết, trước mắt BV tự mua ngoài bằng những gói hàng dưới mức 5 triệu đồng, nhưng nếu mua nhiều lần thì lại vi phạm quy định tài chính nên không thể phóng tay duyệt được! Biết là “nước đã đến chân” nhưng không thể nhảy được vì cơ chế ràng chân rồi!

Không chỉ Hùng Vương, nhiều cơ sở y tế cũng chung tình trạng “dở khóc dở cười” như vậy. BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: BV đã tính đến chuyện “xé rào” nhưng muốn “xé” cũng không được vì kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi là do kho bạc giữ! Để đảm bảo hoạt động, không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, ngay từ cuối tuần qua, BV đã phải năn nỉ một số doanh nghiệp dược phẩm cho mượn đỡ một số mặt hàng để khi có kết quả đấu thầu thì trả lại.

Tuy nhiên, việc vay mượn này lại càng khó vì BV không thể chủ động việc đơn vị cung cấp đó có trúng thầu được hay không, nếu họ trượt thầu, BV lấy gì mà trả! Không những thế, từ tháng 3 vừa qua, do kho bạc không quyết toán nên nhiều BV đã nợ các doanh nghiệp cung ứng hàng chục tỷ đồng, dẫn đến việc họ thẳng thừng từ chối cung cấp thuốc!

“Chữa cháy” khẩn cấp!

Thiếu thuốc sử dụng, BV không còn cách nào khác là kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua. Tuy nhiên việc này không ổn vì nhiều khả năng bệnh nhân phải mua thuốc giá cao, thậm chí mua thuốc không đảm bảo chất lượng.

Hơn nữa, bệnh nhân cũng không dễ dàng mua được một số loại thuốc đặc trị như thuốc chữa ung thư ở các nhà thuốc. Không thể chờ lâu hơn, các cơ sở y tế đã đồng loạt làm báo cáo đề nghị Sở Y tế hỗ trợ cấp tốc.

Ngày 7-9, sở đã làm công văn khẩn gửi UBND TPHCM báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu theo TT 20, các khó khăn và vướng mắc sau đấu thầu, trong đó đưa lên 6 kiến nghị cụ thể để giải quyết khó khăn trước mắt. Ngày 8-9, sở cùng các cơ sở y tế đã có cuộc họp khẩn với Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước TPHCM để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, cuộc họp này chỉ dừng lại ở việc “thông cảm cho nhau” vì phụ trách khối y tế của Sở Tài chính chỉ có... 1 người, không làm xuể.

TS-BS Vũ Thị Nhung cho biết chiều 10-9, sở đã mời BV Hùng Vương lên làm việc và tuy có “trách nhẹ” việc BV kêu thảm thiết quá (nếu tình trạng kéo dài thì BV sẽ phải đóng cửa – lời của BS Vũ Thị Nhung tại cuộc họp chiều ngày 8-9), nhưng sở cũng đã đồng ý cho BV dùng tiền mặt để mua các khoản thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao còn thiếu để phục vụ cho công tác chuyên môn.

Sáng 11-9, Sở Tài chính cũng đã mời một số cơ sở y tế lên để giải quyết duyệt gấp hồ sơ một số mặt hàng cần thiết. Đây là những động thái tích cực của các sở trong tình hình khẩn cấp hiện nay. Tuy nhiên, theo BS Nhung, dù được sở “bật đèn xanh” nhưng các cơ sở y tế vẫn phải e dè vì việc này cũng chỉ là thỏa thuận miệng giữa sở và cơ sở y tế, chưa có văn bản chính thức nào!

Dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc một cách căn cơ thì phải xem lại từ TT 20. Vừa qua, Cục Quản lý Dược đã có công văn đề nghị bộ xem xét và điều chỉnh lại một số quy định trong TT 20 cho hợp với thực tế.

Tuy nhiên, với tình hình quá căng thẳng như hiện nay, TPHCM không thể đợi thêm được nữa và sở đành “cầm đèn chạy trước ô tô” với việc kiến nghị TPHCM cho phép thực hiện một số giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc khẩn cấp cho các đơn vị như: chỉ áp dụng đấu thầu rộng rãi cho các mặt hàng có giá trị từ 200 triệu đồng/mặt hàng/năm, các mặt hàng còn lại giao cho đơn vị thực hiện chào hàng cạnh tranh; đối với các mặt hàng không có nhà thầu tham dự, đề nghị UBND TP cho phép Sở Y tế được phê duyệt chỉ định thầu không giới hạn tổng trị giá dưới 100 triệu... 

KIM LIÊN – NGỌC TRƯỚC
 

Tin cùng chuyên mục