Từ lá thư thấm đẫm nỗi trăn trở của bạn đọc - ông Sáu Nam (Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1924, thương binh hạng 3/4, nguyên Huyện đội trưởng, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Cần Đước, tỉnh Long An), chúng tôi đã tìm gặp người lính già này. Trong cái nắng chói chang như nung như đốt của những ngày cuối tháng 4, ông vẫn cặm cụi vác đơn đi minh oan cho người đồng đội - dưới quyền chỉ huy của mình, bị địch bắt, rồi mất tích cách đây 46 năm. Ông bảo: “Tôi không thể nhắm mắt nếu chưa minh oan được cho chú Mật!”.
Món nợ... trĩu nặng!
Bước qua tuổi 87, ông Sáu Nam kể lại câu chuyện cảm động: Đầu năm 1957, căn cứ Rừng Sác thuộc Tỉnh ủy Long An được bí mật tái lập và mang bí số C12 (ông là một trong những người chỉ huy đầu tiên của C12). Lúc này, Ban chỉ huy căn cứ Rừng Sác lập ra ban hậu cần, chuyên làm nhiệm vụ mua súng đạn, thuốc men, lương thực cho căn cứ. Tháng 3-1957, ông móc nối với ông Mật (Nguyễn Văn Mật - người địa phương), trực tiếp kết nạp ông Mật vào Tổ tiếp liệu trực thuộc Ban hậu cần C12.
Với vỏ bọc mua bán ve chai tại Sài Gòn, ông Mật cùng đồng đội ở C12 đã thực hiện thành công nhiều vụ mua bán, chuyển súng đạn, thuốc men…về hậu cứ Rừng Sác. Nhưng đến ngày 18-11-1963, lúc cùng với ông Tám Xem (Tổ trưởng Tổ tiếp liệu) thực hiện kế hoạch mua súng thì ông Mật bị địch bắt, còn ông Tám Xem may mắn trốn thoát. Sau khi bị địch bắt, ông Mật bị biệt giam, bị tra tấn dã man và đến năm 1964 thì mất tích, không ai biết tin tức.
Sau ngày miền Nam giải phóng, dù bận nhiều công việc nhưng ông Sáu Nam vẫn tranh thủ thời gian làm hồ sơ, thủ tục để đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Mật, nhưng không được chấp nhận. Thấy vậy, những người đồng đội trong Tổ tiếp liệu, rồi những cán bộ từng là lãnh đạo căn cứ Rừng Sác cũng góp sức làm giấy xác nhận trường hợp hy sinh của ông Mật. Thế nhưng, ông Mật vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ do thiếu giấy xác nhận của những người ở tù chung, về tư cách người chiến sĩ cách mạng lúc trong tù. Vì thế, vợ và hai con của ông Mật đến nay không được hưởng bất cứ chế độ chính sách nào mà còn bị phân biệt đối xử, bởi “lý lịch không rõ ràng”. Đối với ông Sáu Nam, đây là món “nợ đời” lớn nhất mà ông cùng đồng đội chưa trả được.
Đi tìm lẽ phải
Năm 1984, ông Sáu Nam nghỉ hưu và từ đó liên tục liên lạc tìm kiếm những người ở tù chung với ông Mật trước đây để làm xác nhận cho ông. May mắn là cách đây vài năm, ông Trần Văn Nhiệm (nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM), một bạn tù tình cờ biết được nỗi oan của ông Mật đã làm giấy xác nhận “Địch tra tấn Mật hết sức dã man nhưng anh không khai báo gì để giặc khỏi truy bắt cơ sở. Chúng đưa anh Mật vào khu biệt giam.
Đến tháng 5-1964- đang giữa trưa, Mật bị còng tay áp giải đưa đi biệt tích và từ đó bạn tù không còn tin tức nào…”. Ông Sáu Nam ngao ngán nói: “Những tưởng khi có giấy xác nhận của ông Nhiệm lẫn xác nhận của tôi và các đồng chí cùng công tác trong Tổ tiếp liệu ngày xưa thì UBND huyện Cần Đước sẽ xác nhận, đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Mật. Nào ngờ, chính quyền địa phương vẫn không đồng ý, với lý do “mới” là ông Mật đi làm lao công, đầu binh cho giặc”.
Gặp ông Sáu Nam trước cổng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, tôi cảm thấy xót xa khi nghe ông nói : “Tôi đã già, sức đã yếu nên có lẽ đây là lần cuối cùng đi gửi đơn xin minh oan cho ông Mật…”. Vì lẽ phải ở đời và vì sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của người đồng đội, suốt 26 năm qua, ông cố cất công đi minh oan cho ông Mật. Thế nhưng, như tâm sự của ông, sự thật và lẽ phải rành rành nhưng khổ nỗi ông Mật lại không được thừa nhận là người có công với cách mạng.
Nhìn người lính già 87 tuổi đời, trên 60 năm tuổi Đảng phải lụm khụm vác đơn đi xin minh oan cho đồng đội qua bao mùa mưa nắng, ai cũng nhói lòng. Theo ông Sáu Nam, cả cuộc đời, từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến với 6 lần bị thương nặng, cận kề cái chết… Dù vậy, chưa bao giờ ông lại sợ chết như lúc này, bởi lẽ ông không thể thanh thản ra đi khi đồng đội như chú Mật, đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng không được công nhận!
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Ngọc Cẩn, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An) cho biết, sau khi nhận đơn của ông Sáu Nam kêu oan cho ông Mật, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã cho tiến hành xác minh để sớm làm rõ.
ĐĂNG NGUYÊN