“3 tại chỗ” để phòng chống dịch

Đợt dịch Covid-19 phức tạp nhất từ trước đến nay đang hoành hành ở các địa phương vùng Đông Nam bộ và lây lan vào nhiều khu công nghiệp (KCN). Để thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang triển khai mô hình “3 tại chỗ” (ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi tại chỗ), để duy trì sản xuất tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

An toàn để sản xuất

Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam chuyên sản xuất dung dịch sát khuẩn, tẩy rửa… có trụ sở tại KCN Nam Tân Uyên (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, Bình Dương), là một trong những DN triển khai “3 tại chỗ” sớm nhất ở tỉnh Bình Dương. Giữa tháng 6-2021, khi thị xã Tân Uyên chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì công ty vận động 100% công nhân (CN) và cán bô, nhân viên ở lại công ty làm việc, không ra khỏi khu vực để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Lãnh đạo công ty bắt đầu triển khai những việc chưa có tiền lệ như cải tạo khu vực sản xuất, nhà kho làm nơi nghỉ ngơi, bố trí khuôn viên tập thể thao, giao lưu văn nghệ, tìm kiếm nguồn thực phẩm mỗi ngày và đảm bảo trong thời gian dài…

Một ngày ở công ty thường bắt đầu từ 5 giờ 30, mọi người thức dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân và cùng bộ phận bếp chuẩn bị ăn sáng rồi vào khu vực nhà máy; khoảng 9 giờ sẽ có nhân viên y tế tới đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe và hơn 11 giờ thì được nghỉ ngơi, ăn trưa. 

Công ty đã thiết lập một quy trình mới, nghiêm ngặt với “hàng rào” kiểm tra y tế, cách ly khu vực bên trong và bên ngoài bằng dây giăng và biển báo. Ở bộ phận sản xuất, toàn bộ CN đeo khẩu trang, mũ che giọt bắn, trang phục được công ty phát thay cho đồng phục thường ngày.

“3 tại chỗ” để phòng chống dịch ảnh 1 Công nhân Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (tỉnh Bình Dương) chơi thể thao sau giờ làm việc

Chị Bùi Thị Lê (37 tuổi, quê Kiến Xương, Thái Bình) có thâm niên hơn 13 năm làm việc tại công ty, cho biết, chị có con nhỏ 1 tuổi, nhưng khi công ty thông báo sẽ thực hiện sản xuất, ăn nghỉ tại công ty theo mô hình “3 tại chỗ”, chị đồng ý tham gia để chia sẻ khó khăn với DN.

“Chúng tôi thường được giám đốc nhắc nhở, nhà máy chính là trái tim của mọi người trong công ty, phải duy trì sản xuất để có nguồn lực phòng chống dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng… Tất cả mọi người đều tự nguyện ở lại làm việc và được hỗ trợ thêm 5,5 triệu đồng/người/tháng, cộng cả khoản này thì tôi có thu nhập trong thời gian chống dịch khoảng 21,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt là những ngày sinh hoạt, làm việc khép kín trong công ty với giờ giấc điều độ, có thời gian chơi thể thao, rèn luyện thể lực cùng các chương trình văn nghệ vào buổi tối và cuối tuần nên nhiều người thấy khỏe và bớt nhớ nhà, nhớ con hơn”, chị Lê chia sẻ. 

Lo nguy cơ lây lan bên ngoài

Bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc hành chính nhân sự, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam, cho biết, công ty đã triển khai “3 tại chỗ” từ sớm, ngoài việc hỗ trợ nhiệt tình của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, công ty có một ban phòng chống dịch Covid-19 nội bộ với sự tham gia của lãnh đạo công ty. Ngoài công việc chuyên môn, công ty cũng chăm lo tốt bữa ăn và chế độ sinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe của từng thành viên với 4 bữa ăn chính (sáng, trưa, chiều, tối) và bổ sung thêm sữa, nước ngọt cho CN. Công ty đã bố trí 2 khu vực nghỉ ngơi riêng dành cho nam và nữ với 15 nhà tắm, cung cấp chiếu, mền cho từng người nghỉ ngơi…

Cũng theo bà Phương Linh, hiện công ty rất áp lực với các nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài vì nhiều DN trong khu vực đã ghi nhận các ca mắc với diễn biến dịch tễ khá phức tạp. DN cũng gặp khó khăn về việc thúc đẩy sản xuất do thiếu nguyên vật liệu cũng như đưa hàng hóa ra thị trường.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 56% DN đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Công tác cung ứng hàng hóa cho các DN này được giao cho hệ thống siêu thị và các cửa hàng trên địa bàn, hiện cung ứng đủ khi các siêu thị đang tăng 200%-300% sản lượng hàng hóa phục vụ. Việc duy trì sản xuất trong DN được thực hiện rất nghiêm và sự chủ động từ các công ty. Tính đến ngày 25-7, toàn tỉnh Bình Dương có 3.701 DN (trong đó có 1.894 DN ngoài KCN) đã đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh hiện có 182/370 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” với 25.000/65.000 CN làm việc. Do các mặt hàng nguyên vật liệu như lều bạt, mùng mền, quạt điện khan hiếm, chủ yếu mua từ ngoài tỉnh về nên nhiều DN đã không đáp ứng được yêu cầu và phải ngưng hoạt động. Có trường hợp đã đặt trước 2 tuần nhưng đối tác không cung cấp được đơn hàng hoặc do đặc thù gia đình, nhiều CN không thể thực hiện “3 tại chỗ”, 50% DN đành chấp nhận phương án đóng cửa.

Tin cùng chuyên mục