36 doanh nghiệp kiến nghị xem lại việc ban hành cơ chế giá mua điện mặt trời, điện gió

Nội dung kiến nghị phân tích nhiều điểm chưa phù hợp trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện cho “Dự án chuyển tiếp”. Quá trình Bộ Công thương ban hành Quyết định 21 khá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng. Việc giao cho Tập đoàn Điện lực làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn.

36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió (ĐMT, ĐG) và Hiệp hội Doanh nghiệp có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy chuyển tiếp.

Theo đó, nội dung kiến nghị phân tích nhiều điểm chưa phù hợp trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện cho “Dự án chuyển tiếp”.

Thứ nhất, quá trình Bộ Công thương ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng. Việc giao cho Tập đoàn Điện lực làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, cơ chế giá phát điện cho dự án ĐMT áp dụng từ 1-1-2021 và dự án ĐG áp dụng từ 1-11-2021 chưa được Bộ Công thương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định theo quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39…

Doanh nghiệp ĐMT, ĐG kiến nghị xem xét lại cơ chế phát điện

Doanh nghiệp ĐMT, ĐG kiến nghị xem xét lại cơ chế phát điện

Trước những khúc mắc trên, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu và khắc phục các điểm bất cập nhằm bảo đảm việc ban hành cơ chế giá phát điện cho "Dự án chuyển tiếp" phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cũng như tạo môi trường thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong đó, cần tính toán lại khung giá điện tại Quyết định 21 do mức khung giá được ban hành chưa phù hợp với Thông tư 15 và các văn bản có liên quan; tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đề xuất và ban hành khung giá phát điện cho "Dự án chuyển tiếp"; thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu về tham vấn với Hội đồng Tư vấn và Bộ Tài chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương ban hành các thông tư mới về các hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐG và ĐMT chuyển tiếp. Theo đó, hợp đồng mẫu cần giữ lại các chính sách khuyến khích cho năng lượng tái tạo. Cụ thể, thời hạn áp dụng giá mua điện cho "Dự án chuyển tiếp" là 20 năm; cho phép chuyển đổi giá sang tiền USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD hoặc có quy định về tỷ lệ lạm phát/trượt giá trong giá phát điện.

Đồng thời quy định trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án năng lượng tái tạo với giá mua điện tại điểm giao nhận. “Bởi các nhà đầu tư của các "Dự án chuyển tiếp" đã thực sự huy động vốn và bỏ ra chi phí đầu tư thực hiện dự án tới những giai đoạn cuối cùng (ký các hợp đồng dự án, mua thiết bị cần thiết từ năm 2020 với các dự án ĐMT, từ năm 2021 với các dự án ĐG), các chính sách trên sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm tiếp tục đầu tư và phát triển các "Dự án chuyển tiếp" và tránh được thiệt hại kinh tế, thậm chí có thể gây sụp đổ dự án và tác động tăng nợ xấu gây ảnh hưởng khôn lường tới hệ thống ngân hàng vì mục tiêu hoàn vốn không khả thi”, văn bản kiến nghị.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng. Theo đó, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan cho phép các "Dự án chuyển tiếp" đã hoàn tất đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và sẽ được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp này đã phải chờ đợi hơn 26 tháng đối với các dự án ĐMT và 16 tháng đối với dự án ĐG, công tác xây dựng cơ chế giá mới và đưa nhà máy vào vận hành ghi nhận sản lượng điện nên được thực hiện song song. Việc cho phép huy động công suất như trên sẽ không chỉ bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã phải chờ đợi chính sách mới trong thời gian dài, mà còn tránh lãng phí tài nguyên điện sạch, nguồn lực đầu tư, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Nội dung kiến nghị khẳng định, những nội dung kiến nghị được dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế, thông qua nhiều cuộc thảo luận, tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong ngành và thực tiễn thực hiện của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Do vậy, việc các kiến nghị này được thực hiện kịp thời sẽ mang lại sự an tâm, tin tưởng cho các nhà đầu vào sự bình ổn của chính sách, góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế năng lượng tái tạo lành mạnh, cạnh tranh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ngược lại, việc áp dụng một cơ chế giá điện không phù hợp với tình hình thực tiễn của các doanh nghiệp lẫn định hướng, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước sẽ khiến các nguồn điện có tiềm năng lớn như ĐMT và ĐG bị đóng băng, dẫn đến không thể đạt được mục tiêu về chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon, ảnh hưởng tới việc đạt mục tiêu cam kết net zero vào năm 2050 và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục