Quyết giữ trọn lời thề với Bác
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969, đưa ra 5 lời thề vĩnh biệt Người.
Lời thề thứ nhất: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, để thỏa lòng mong ước của Người”.
Lời thề này, chúng ta đã nén đau thương, vượt qua mất mát không gì đền bù được, đó là Bác mất, để xốc tới chiến trường, quyết tâm giải phóng miền Nam. Và chúng ta đã đại thắng bằng Chiến dịch mùa Xuân 1975 mang tên Người, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ở thời khắc lịch sử ấy, khi cả hai miền Nam - Bắc rợp cờ hoa chiến thắng, nhưng Bác không còn nữa, chỉ còn ngân vang trong chúng ta bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Có thể nói, Đảng và nhân dân ta, các thế hệ người Việt Nam đã thực hiện xuất sắc lời thề vĩnh biệt Bác.
Bác luôn nhấn mạnh con đường chúng ta đi không bao giờ thay đổi: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Những giá trị cốt lõi của phát triển là “Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân, cho tất cả mọi người”. Cả đời Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc “Nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành”.
Cả đời Bác phấn đấu cho điều đó, vì dân, vì nước, hy sinh đến mức gần như hóa thân vào dân tộc, vào nhân dân, không có cuộc sống riêng tư. Cuộc sống của Bác hòa trong cuộc sống dân tộc, cả dân tộc Việt Nam là đại gia đình lớn của Bác. Lời thề này chúng ta đã và đang thực hiện và sẽ còn tiếp tục thực hiện lâu dài để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân như hoài bão, khát vọng thiêng liêng của đời Bác.
Lời thề thứ ba: “Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”.
Khi đồng chí Lê Duẩn đọc lời thề này biết bao người rơi nước mắt, thấy hết sức thiêng liêng, vì Bác là người sáng lập ra Đảng, Bác ở với Đảng ta đến lúc 79 tuổi và Đảng 39 tuổi. Những ngày viết Di chúc, Bác nghiền ngẫm rất sâu sắc xung quanh những lời căn dặn về Đảng. Bác sửa đi sửa lại đoạn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Bác nói: “Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và tăng cường sức chiến đấu của Đảng”. Bác còn lấy bút đỏ ghi thêm: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Vào lúc này, điều Bác căn dặn trở nên thấm thía, sâu sắc và hệ trọng biết bao.
Lời thề thứ tư: “Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức góp phần vào khôi phục, tăng cường nhất trí trong phe Xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng anh em, trên cơ sở Chủ nghĩa Mác Lenin và Chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghĩ giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và Chủ nghĩa xã hội”.
Đây là nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế của Đảng ta, và cũng là tình cảm quốc tế của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam. Bác dạy chúng ta là “Giúp bạn tức là giúp mình”.
Bác nói: “Đoàn kết không chỉ trong Đảng, trong dân, mà cả đoàn kết quốc tế, phải phân biệt rất rõ đế quốc là kẻ thù xâm lược, phải quét sạch nó đi, nhưng nhân dân các nước là bạn bè, là anh em, là bầu bạn của chúng ta”.
Trong Di chúc Bác gửi lời chào đến bầu bạn quốc tế trước lúc ra đi là vậy. Thực hiện lời thề thiêng liêng trước anh linh của Bác, Đảng ta đã làm hết sức mình, trọn lòng thủy chung, tình nghĩa, tình cảm quốc tế trong sáng với các Đảng Cộng sản và nhân dân các nước Xã hội chủ nghĩa cũng như với bầu bạn quốc tế.
Và lời thề thứ năm: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.
Lời thề này chúng ta đã và đang thực hiện, đặc biệt là từ nhiều năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã ra sức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ sau Đại hội XII, theo chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, chúng ta ra sức đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Để tiếp tục xứng đáng với Bác
Đứng trước tình hình chúng ta đang phải vượt qua suy thoái như hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) nêu rõ: “Phải quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, vượt qua tất cả những sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”; hiển hiện trước mắt là tệ tham nhũng, tha hóa quyền lực, mất lòng tin của nhân dân, không ít cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, do không gương mẫu thực hiện tư cách đảng viên nên trên thực tế đã không còn xứng đáng với lòng tin của nhân dân nữa.
Cho nên, thực hiện lời thề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được xem là một trọng điểm. Suốt 50 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng ta đã làm hết sức mình để xứng đáng với Bác. Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm vào lý luận xây dựng Đảng một điều rất căn bản, không chỉ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn phải xây dựng Đảng về đạo đức, đưa văn hóa vào trong chính trị, kinh tế, vào trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị.
Chúng ta nhớ đến lời Bác: “Đảng là đạo đức, là văn minh. Xây dựng Đảng cách mạng chân chính”, mà cách đây hơn 70 năm ở Chiến khu Việt Bắc, Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, đã trù tính đến 12 điều để xây dựng Đảng cách mạng chân chính. Trong đó, điều rất quan trọng là phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Dân góp sức xây dựng Đảng, dân kiểm soát quyền lực, dân giám sát cán bộ, đảng viên, dân góp ý cho đường lối, chính sách.
Bác nói: “Phải nghe dân, không làm điều gì trái ý dân. Dân phản ứng thì phải kiểm tra xem đường lối, chính sách có gì sai không. Mà nếu sai thì phải dũng cảm sửa chữa để được lòng dân, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Về lời thề xây dựng Đảng, cũng có điều đáng phải nói, chưa bao giờ như trong nhiệm kỳ Khóa XII này, Đảng phải kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp đến như vậy.
Đảng ta đưa ra tuyên bố rất được lòng dân: “Từ nay trở đi không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kể cả nghỉ hưu, kể cả đương chức mà phạm sai lầm, khuyết điểm thì đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Điều lệ Đảng”.
Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Thà đau một lần, trị một người để cứu muôn người”.
Sự nghiêm khắc về kỷ luật này có cả tinh thần nhân văn, trị bệnh cứu người, thức tỉnh, răn đe và cảnh báo. Chúng ta có niềm tin sâu sắc vào Đảng do Bác sáng lập và rèn luyện, một Đảng cầm quyền liên tục 74 năm qua, một Đảng chỉ chưa đầy 5.000 đảng viên khi Đảng mới có 15 tuổi đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại, bây giờ Đảng đã có trên 5 triệu đảng viên, với kinh nghiệm, với bản lĩnh, trình độ như hiện nay, nhất định chúng ta sẽ làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, để tiếp tục xứng đáng với Bác, tiếp tục thực hiện lời thề với Bác.