An toàn thực phẩm, bao giờ hết lo?

Ăn gì, uống gì cho an toàn?” - câu hỏi thường trực bấy lâu nay trong không ít người trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng cấp thiết. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, tình trạng hoa quả tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, thực phẩm nhiễm vi sinh vật, sữa không đủ hàm lượng đạm, thực phẩm nhập lậu không đảm bảo chất lượng…; và hiện nay là nước tinh khiết đóng chai nhiễm bẩn, khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.

Tình trạng mất ATVSTP hiện nay không chỉ là cá biệt ở một vài lĩnh vực hay địa phương mà trở nên khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu chính là nhận thức và ý thức trách nhiệm về việc đảm bảo ATVSTP của một số cơ quan quản lý, chính quyền, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng còn kém. Hệ thống tổ chức quản lý chưa thống nhất và chưa đủ mạnh từ trung ương tới cơ sở, cùng với đó các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập. Lực lượng thanh tra chuyên ngành, hệ thống kiểm tra xét nghiệm vừa yếu vừa thiếu về nhân lực và trang thiết bị.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm của nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong nước vẫn manh mún và thô sơ, nhiều khi chỉ vì lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm sức khỏe cộng đồng. Xuất phát từ thực tế trên, năm nay, một lần nữa, Tháng hành động về ATVSTP tiếp tục được tổ chức, với một chủ đề lớn “Cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, để nâng cao được ý thức và trách nhiệm khó có thể thực hiện trong vòng một tháng hành động.

Bởi lẽ, gần 10 năm qua, năm nào, chúng ta cũng tổ chức Tháng hành động về ATVSTP, với nhiều chủ đề lớn khác nhau, cùng nhiều hoạt động rầm rộ trong khắp cả nước nhưng rõ ràng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, những bất cập trong công tác quản lý lĩnh vực này không được cải thiện mà vẫn diễn biến theo hướng trầm trọng. Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2000 cho tới cuối tháng 3-2009, cả nước đã xảy ra 1.831 vụ ngộ độc thực phẩm làm 49.995 người mắc và 499 người chết. Thậm chí, có những năm mà Tháng hành động về ATVSTP lại là tháng mất an toàn nhất, với số vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao đột biến, như năm 2008.

Đảm bảo ATVSTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, bởi lẽ đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, tác động tới sự phát triển kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế. Việc tổ chức Tháng hành động về ATVSTP hàng năm là một việc làm cần thiết. Nhưng với thực tế và những bất cập hiện nay, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần phải chủ động, có nhiều hành động cụ thể hơn nữa và thực chất là cần phải thường xuyên nâng cao trách nhiệm trong quản lý ATVSTP chứ không thể chỉ trông chờ vào Tháng hành động.

Hơn nữa, các cấp chính quyền, đoàn thể và bộ, ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và kiên quyết hơn trong triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSTP và xử lý vi phạm. Có như vậy, nỗi lo lắng về chuyện ăn uống hàng ngày của người dân mới từng bước được giải tỏa.

TR. KIÊN

Tin cùng chuyên mục