Hạ tầng giao thông tại TPHCM

Bài 2: Bao giờ đường thoáng, hè thông?

Hạ tầng giao thông là vấn đề cốt tử trong phát triển đô thị, là bộ “khung xương” cho nền kinh tế vận hành thông suốt. Điểm qua 10 công trình trọng điểm về giao thông đang triển khai trên địa bàn TPHCM (tổng kinh phí đầu tư xấp xỉ 14.824 tỷ đồng), chúng tôi nhận định khó có công trình nào hoàn thành đúng tiến độ.
Bài 2: Bao giờ đường thoáng, hè thông?

Hạ tầng giao thông là vấn đề cốt tử trong phát triển đô thị, là bộ “khung xương” cho nền kinh tế vận hành thông suốt. Điểm qua 10 công trình trọng điểm về giao thông đang triển khai trên địa bàn TPHCM (tổng kinh phí đầu tư xấp xỉ 14.824 tỷ đồng), chúng tôi nhận định khó có công trình nào hoàn thành đúng tiến độ.

Đầu tư dàn trải, thi công lùng nhùng...

Bài 2: Bao giờ đường thoáng, hè thông? ảnh 1
Việc thi công ì ạch đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh) càng làm khổ người dân và ảnh hưởng đến các mặt sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Đến thời điểm này, đề án quy hoạch phát triển giao thông tại TPHCM đến năm 2020 vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt. Việc xây dựng cầu qua sông Sài Gòn, di dời cảng biển… lẽ ra chúng ta phải giải quyết từ rất sớm đối với một đô thị lớn như TPHCM để giảm áp lực giao thông.

Tuy nhiên đến nay, việc triển khai rất chậm chạp. Chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh được tuyến đường xuyên tâm Đông-Tây, Nam-Bắc và các đường vành đai. Một thực trạng khác là việc đầu tư cho hạ tầng giao thông hiện nay còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Khi nơi nào “kêu khổ”, đường sá đi lại khó khăn thì mới rót ngân sách duy tu, sửa chữa. Trong khi đó có rất nhiều dự án mặc dù đã ghi vốn nhưng không được triển khai hoặc đã có triển khai nhưng phát huy tác dụng kém rất lãng phí.

Một cây cầu đầu tư 7 tỷ đồng ở phường Thạnh Lộc quận 12, đã hoàn thành cách đây 6 năm nhưng phải “bỏ hoang” vì chưa có đường lên cầu; cầu Hòa Lục (quận 8) xây xong chỉ có người đi bộ và xe hai bánh đi qua.

Gần đây dư luận bày tỏ không đồng tình về việc đầu tư vài kilômét kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhưng xây đến 8 cây cầu lớn bắc qua để… phục vụ trẻ em đá bóng. Trong khi đó có khoảng 20 cây cầu cũ, cầu yếu trên địa bàn có nguy cơ sập đã được cảnh báo từ lâu vẫn chưa được thay thế…

Hiện nay có tình trạng đơn vị thi công chờ đơn vị giải phóng mặt bằng; thi công đường chờ thi công thoát nước, hệ thống ngầm, di dời điện… Đơn vị này đổ lỗi cho đơn vị kia để lý giải cho nguyên nhân chậm trễ, thậm chí nhiều tuyến đường vừa làm xong lại bị đào xới lên để thi công hệ thống ngầm. Xa lộ Hà Nội là một trong những điển hình: làm xong đầu năm thì  cuối năm đào lên để thi công đường ống cấp nước!

Kinh phí cao, hiệu quả không tương xứng

Để xây dựng bộ mặt văn minh đô thị, giải tỏa áp lực lưu thông, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc… đâu là ưu tiên? Có tình trạng các tuyến đường ở ngoại ô xuống cấp, hư hỏng hàng chục năm thì không bố trí kinh phí để sửa chữa, còn một số tuyến đường ở nội ô dù đang đẹp, đang lưu thông tốt, thậm chí cả vỉa hè vừa mới làm cũng được cày lên sửa chữa nhiều lần.

Các dự án làm đường ở nội ô thành phố có đến 80%, thậm chí 90% kinh phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính vì thế mà hiệu quả xã hội cũng như lợi ích kinh tế không cao. Nó còn làm cho bộ mặt kiến trúc đô thị lố nhố, lam nham do giải tỏa theo kiểu nửa vời.

Các dự án lớn về giao thông đang triển khai cũng chưa có tín hiệu lạc quan. Đại lộ Đông-Tây, dự án có tổng vốn lớn nhất (9.863 tỷ đồng), là công trình giao thông trọng điểm lớn nhất (ngoài thi công phần đường, dự án này còn thêm xây hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài 1,5km - lớn nhất Đông Nam Á; xây 13 cầu, cải tạo 3 cầu hiện hữu; xây mới 5 nút giao thông và 12 cầu bộ hành...) khởi công đầu năm 2005.

Theo kế hoạch nó sẽ hoàn thành vào năm 2008 nhưng đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, tổng khối lượng thi công mới đạt khoảng 20%. Dự án xây cầu Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư 1.099 tỷ đồng, xây cầu dài 1.250m, có 6 làn xe, nối từ Bình Thạnh sang quận 2.

Công trình này chỉ mới trong giai đoạn hoàn thành các trụ và mố cầu, đường dẫn mặc dù kế hoạch hoàn thành vào năm 2007! Công trình cầu Phú Mỹ dài hơn 2.000m, là cầu dây văng có tĩnh không 45m nối quận 2 và quận 7. Được khởi công 9-2005 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2008 với kinh phí gần 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay vẫn đang chờ UBNDTP xem xét nâng mức đầu tư lên 2.400-2.500 tỷ đồng do có sự biến động tỷ giá ngoại tệ, chi phí tư vấn giám sát, lãi vay… Công trình cầu đường Nguyễn Văn Cừ khởi công từ năm 2005, dự kiến hoàn thành năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thấy thi công. Hiện nay trên địa bàn thành phố còn có 19 dự án giao thông khác đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đầu tư dàn trải, tiến độ triển khai chậm là nguyên nhân làm cho hạ tầng TPHCM phát triển ì ạch, chưa tương xứng so với tiềm năng kinh tế và vị trí của một TP lớn nhất nước. Giải pháp khắc phục thế nào là câu hỏi đang chờ giải đáp!

VÂN ANH - HỒ VIỆT

Thông tin liên quan

Bài 1: Gian nan đường ngoại ô

Tin cùng chuyên mục