Bài học của lòng nhân ái

Bài học của lòng nhân ái

Cách đây nửa tháng, tôi có đọc lại “Chuyện tình của một người thường dân” truyện này của Sơn Nam, do Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành năm 1990.

Người thường dân ấy tên Phước, làm thư ký cho ủy ban xã và phải bỏ ngang công việc để tránh bị thực dân Pháp bố ráp. Trong ngày làm việc cuối, anh ký giấy phép đi đường cho một cặp vợ chồng. Sau đó, trên đường chạy trốn, Phước được biết người chồng đã bị giặc chặt đầu. Thế là theo địa chỉ trong tờ giấy phép, anh tìm tới tận nơi ở của người vợ – cô Ngó – để báo tin và kết hợp ẩn núp một thời gian. Vậy là hai người thương nhau. "Đêm ấy, anh đưa cô về nhà, đường vắng, mưa nhẹ, gió thổi trên sườn đồi. Anh đánh bạo đến gần, nắm tay. Cô siết tay anh nói khẽ ráng chờ…”. Thật ra, chuyện tình của họ đã khởi phát ngay lần đầu gặp, khi cô Ngó đi với chồng tới xin ký giấy.

Với văn phong mộc mạc, Sơn Nam đã dẫn dắt chúng ta đến với một vùng đất Nam bộ hết sức đặc biệt, từ con người cho đến lối sống và cảnh sắc thiên nhiên. Tất cả đều thật đơn sơ mà hấp dẫn đến lạ thường. Ở nơi ấy, cái đẹp ẩn mình trong sự hoang vắng, hạnh phúc nằm trong những điều dung dị, sự hiền hậu lấn áp cái ác độc, những hung hiểm bị che khuất bởi lòng bao dung…

Tính nhân ái được đề cao trong mỗi một tình tiết. Kết thúc của truyện buồn, nhưng không hề bi lụy và tuyệt vọng. Kế hoạch chuyển tải thương binh bị lộ, Phước bị Tây nhốt trong đồn. Còn cô Ngó thì bị giặc sát hại trong lúc đang làm phận sự. Phước khóc lên rưng rức, khi được thả về : "Ghe đi khỏi bến còn đằm. Người thương đâu vắng chỗ nằm còn đây” nhưng sáng hôm sau Phước vẫn đi uống cà phê và “… trầm tĩnh sống”, bởi vì ngồi ở đó có thể thu lượm tin tức. Và làm việc. Và sống. Và hy vọng.

Có cảm giác Sơn Nam viết không một chút gò bó, rất thoáng, rất nhẹ nhõm… Truyện cũng không hề đưa ra một ý tưởng gì lớn lao, rất đời thường với vô vàn thân thương, gần gũi thấm đẫm tình người. Sơn Nam viết về những con người ở Nam bộ chân chất như viết về chính mình với đau đáu những yêu thương. Tôi luôn bắt gặp những ý nghĩ tốt lành, từ những con chữ lấp lánh niềm hy vọng và sự nhân ái, mỗi khi coi lại.

NGUYỄN THỊ MỸ NỮ
(163 Tăng Bạt Hổ, TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định)

Tin cùng chuyên mục