Trọn đời thương nhớ đất Thăng Long…

Trọn đời thương nhớ đất Thăng Long…

Trong trái tim tương tư của Vũ Bằng, chắc chắn chưa bao giờ hai tiếng Hà Nội - đất Bắc có thể nguôi yên. Như sóng vỗ bờ dào dạt ngày đêm, con sông thương nhớ cố lý, cố quận, cố hương của ông chảy tràn trên từng dòng chữ trong Thương nhớ mười hai.

Trọn đời thương nhớ đất Thăng Long… ảnh 1

Mười hai tháng, mười hai niềm thương nhớ nhân gấp bội lần nhớ thương. Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt; tháng hai tương tư hoa đào; tháng ba thương cái rét nàng Bân; tháng năm nhớ nhót mận, rượu nếp và lá móng; tháng sáu thèm nhãn Hưng Yên; tháng chín cơm gạo mới chim ngói... Nhớ từ những vật bình thường nhớ đi. Nhớ từ tình yêu thương nhớ lại. Nhớ người vợ hiền tấm mẳn mà thốt lên đau đớn: “Em yêu ơi ! Sống là tin tưởng và chờ đợi, nhưng có biết rằng mái tóc người ta có còn xanh mãi được không?".

Vậy đấy! Vũ Bằng đã làm tôi thương cảm đến rơi nước mắt. Một đời văn lắm tài hoa, một đời người nhiều lận đận. Thân ở phương Nam mà dạ luôn bái vọng về phương Bắc - Hà Nội, yêu dấu xiết bao. Nơi ấy, có cảnh vật đẹp đẽ đầy sức sống, có bao nhiêu thứ thời trân độc đáo riêng dành. Nơi ấy, có những hội hè đình đám rộn rã mang đậm nét văn hóa.

Nơi ấy, quan trọng hơn cả, có một mái ấm gia đình. Có Quỳ, người vợ bé nhỏ biết chiều chồng và hiểu chồng hơn cả. Có tình cảm phu thê quấn quýt keo sơn. Mà giờ đây, ngẫm đến cùng, vợ chồng ông còn thua cả vợ chồng ngâu. Có nỗi cay đắng nào bằng, cái ngày người thương yêu ấy không còn nữa mà ông chẳng thể đi sau để đỡ nàng. Thương cho Vũ Bằng là thế!

Đọc Thương nhớ mười hai, lòng không khỏi bâng khuâng. Có một Vũ Bằng là thường nhân trước miếng ngon (*) nhưng lòng tôi lại kính trọng người đã đưa mình đến với văn hóa ẩm thực của vùng đất văn vật Kinh kì. Có một Vũ Bằng thương nhớ vợ con thật đời thường mà bình dị da diết khiến tôi chạnh lòng.

Cầu mong chiến tranh đừng bao giờ tàn phá nữa, để đừng lứa đôi nào phải đau khổ như vợ chồng ông. Cầu mong nhân loại mãi mãi hòa bình, hạnh phúc để con người được tự do yêu tổ quốc mình; yêu từ văn hóa ẩm thực yêu đi, yêu từ người thân thương của mình yêu lại. Xin nguyện cầu như thế?…

(*) ý của Văn Giá.

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH
(Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Tin cùng chuyên mục