“Khi nhà văn khóc”

Thật thú vị khi tôi đọc quyển "Khi nhà văn khóc" của tác giả Lý Lan do Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM phát hành. Đây có thể coi là quyển sách viết về “hậu trường” của các nhà văn, nhà thơ mặc dù có một số bài gần như là tiểu luận phê bình.
“Khi nhà văn khóc”

Thật thú vị khi tôi đọc quyển "Khi nhà văn khóc" của tác giả Lý Lan do Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM phát hành. Đây có thể coi là quyển sách viết về “hậu trường” của các nhà văn, nhà thơ mặc dù có một số bài gần như là tiểu luận phê bình.

Ở đây, ta có thể gặp một Lê Thị Kim “vẫn còn nguyên giọng con gái Bắc ngọt lịm, pha chút nũng nịu trẻ con...” một phụ nữ vừa là một nhà khoa học, một nhà thơ, một họa sĩ, vẫn hoàn toàn có thể là một người vợ và một người mẹ tuyệt vời; một Nguyễn Thị Minh Ngọc “người đóng nhiều vai”, đã đòi tiền giùm bà lão bán dưa trên một chuyến xe lửa xuyên Việt: Minh Ngọc chỉ đứng chống nạnh niễng một vai nhìn những miếng dưa đang ăn dở dang rồi nhìn các bà. Họ vừa nhìn thấy tướng mạo Ngọc là xùi xuống bảo nhau: “Thôi trả tiền đi”.

Thật tình lúc đó trong bộ dạng Ngọc rất “ngầu”. Đọc đến đoạn này, tôi cứ cười ngất. Ô! Nhưng mà có hề gì. “Nghề mà. Tôi đã từng dạy ở trường sân khấu, làm đạo diễn sân khấu và viết kịch bản sân khấu. Một cái vai nhỏ mình tự biên kịch và đạo diễn cho mình không có gì là khó”. Rồi Minh Ngọc tâm sự: “Tôi là phụ nữ, tôi chỉ mong mình có một nghề nghiệp, như có một tấm chồng, một mái nhà. Tôi đâu có muốn làm năm bảy nghề cho khổ. Nhưng có phải mình muốn là được. Tôi viết truyện ngấn hơn 20 năm mới in cuốn sách đầu tay... Cuốn thứ hai cũng chỉ “Một mình bước tới”, đều là tiền túi mình bỏ ra in để góp mặt với đời…”.

Rồi ta bắt gặp “một cuộc nổi loạn của người đàn bà bên trong cô gái Huế dịu dàng, đoan trang, bên trong nhà văn nữ Trần Thùy Mai văn chương chuẩn mực, hướng thiện... Hình như cuộc nổi loạn ấy bị chính người phụ nữ Trần Thùy Mai trấn áp hay phủ dụ để nó nén lại rồi cứ âm ỉ trong từng ngày sống, từng trang viết, tạo thành một dòng lửa ngầm truyền khả năng cháy cho những câu chuyện được kể bằng sự điềm đạm thanh thản, bằng lời lẽ trau chuốt, vừa đẹp vừa sang”.

Bạn đọc còn gặp Ngô Thị Kim Cúc, Trầm Hương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khê, Phạm Thị Ngọc Liên,… và cả các tác giả nam giới như Hồ Anh Thái, Hoàng Đình Quang, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Hoàng, Lã Thế Khanh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Trung Quân, Lê Văn Thảo. Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há được tác giả ưu ái dành hơn 20 trang viết về cuộc đời và sự nghiệp của bà.

“Khi nhà văn khóc” ảnh 2

Đọc “Khi nhà văn khóc” ta còn gặp các cây đại thụ trong làng văn chương. Đó là nhà “Nam bộ học” Sơn Nam. Ta còn được đi theo “những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc”. Trong “Cái thuở ban đầu của giáo sư Dương Thiệu Tống” có một chi tiết vô cùng hấp dẫn: “Ngày đầu tiên thầy Tống dạy lớp tôi… Lớp gần như ổn định thì lại có 2, 3 sinh viên lơn tơn đi vô, rồi lại 1, 2 người nữa lót tót chạy tới cửa và chựng lại khi giáp mặt thầy. Khẽ nghiêng mình một cách trang trọng và khiêm tốn, thầy Tống nói: “Xin lỗi vì tôi đúng giờ”. Ta còn gặp cụ Lý Văn Sâm “vừa cổ điển vừa tân kỳ”, “tình rất chân, thần rất phóng khoáng...”.

Đọng lại sâu sắc trong tôi chính là nỗi niềm “cái nghiệp văn chương” mà tác giả mượn lời của các nhà văn, nhà thơ trải khắp quyển sách. “Nhà văn, nhà thơ phải trả giá cho những tác phẩm của mình bằng chính cuộc đời mình”; nhà văn, nhà thơ là những người mà “Ở chòi hẹp nhưng hồn trùm vũ trụ  Trái tim đau nhưng thương cả loài người”... Có khi tác giả thốt lên: Muốn thong dong làm thơ thì phải có cơ sở tài chính vững vàng. Bởi chính tác giả cũng “chịu khó dạy nhiều “cua” thì có thể dành dụm chút đỉnh để làm chuyện tào lao như làm văn chương”. “Tuổi già, Sơn Nam không hề nghỉ ngơi vì lòng còn tha thiết cầu học... vì sức sáng tạo, hay chỉ vì mưu sinh?”. Đọc mà thấy xót xa làm sao (!?).

Tác giả đưa ra nhiều kinh nghiệm lẫn chiêm nghiệm cho ai có ý định đeo đuổi nghiệp văn chương.

TRẦN VĂN HOANH
(Quận 12 – TPHCM)

Tin cùng chuyên mục