Vụ đắm đò ở xã Tu Vũ (Phú Thọ)

Bài học không được rút ra…

Cho đến tận chiều qua, mặc dù trời mưa tầm tã, nhưng cuộc tìm kiếm xác các nạn nhân trong vụ đắm đò ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ vẫn diễn ra. Gần chục con tàu của các đơn vị cứu nạn và ngư dân dàn trận trên mặt sông để cố tìm cho bằng được những thi thể xấu số. Chủ tịch UBND xã Tu Vũ Đào Lập Thanh bảo rằng, chưa bao giờ ở đây thấy nhiều những vành tang trắng, nước mắt và tiếng gào khóc thảm thiết đến như vậy.

Trong căn lán tạm mà UBND xã dựng bên mép sông, cả đại gia đình anh Triệu Văn Đương (ở tận xã Triệu Đề, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, cách nơi đắm đò gần 60km) vẫn đang đau xót ngóng xuống dòng sông từng phút - nơi có người vợ tảo tần của anh là chị Triệu Thị Gái. Anh Đương chuyên làm thúng mủng. Bán ở chợ làng lời lãi chẳng được bao nên cả nhà bàn nhau đưa hàng lên thị xã Hòa Bình. Nhưng mới chỉ đi buổi đầu, vợ anh đã mãi mãi không về, để lại 5 đứa con thơ dại.

Chúng tôi về khu 7 xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) dự đám tang của chị Phùng Thị Vượng (33 tuổi) mà không cầm được nước mắt khi chứng kiến 2 đứa con 5 và 9 tuổi gào khóc bên mộ mẹ. Ông bố chồng Đỗ Hữu Quảng mắt đẫm lệ, kể vì nhà gần ngay bến sông nên chị Vượng thường buôn ngan vịt lên Hòa Bình bán. 10 giờ trưa 24-10 chị bắt thuyền đi Hòa Bình thì 3 giờ chiều ông nhận được tin con dâu thiệt mạng.

May mắn hơn, chị Nguyễn Thị Chúc ở khu 7 xã Đoan Hạ (Thanh Thủy) cũng ngồi chung một chuyến đò với 24 nạn nhân, nhưng khi đò lật thì được dân làng vớt được. Chị nghẹn ngào kể rằng buôn trứng gà vịt lên Hòa Bình đã được 20 năm qua. Chị kể, lúc đang chìm dần thì một chiếc thuyền khai thác đá cách đó không xa đã kịp thời cứu chị và 3 người khác. Chị bảo, chắc tôi bỏ sông nước luôn.

Như SGGP đã đưa, vụ tai nạn tang thương xảy ra trên dòng sông Đà tại đoạn chảy qua xã Tu Vũ do đò chở hàng quá khẳm. Ngoài các mặt hàng thông thường như thóc lúa, rau cỏ, tạp hóa đưa từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây và TP Việt Trì… lên thị xã Hòa Bình buôn bán, chủ đò còn chở thêm 6 con lợn và 2 con trâu để mổ. Trong khi đò nhỏ, trọng lực yếu, nên gặp nước xiết đã bị lật.

Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, mặc dù con đò bị nạn đã được cấp phép hoạt động và mang số hiệu HB 0147, nhưng chủ thuyền Lương Văn Lý (36 tuổi, sống ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy), lại chưa có giấy phép hành nghề. Lý khai nhận mới chạy con đò này được 7 chuyến từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đi Hòa Bình và không hề có giấy phép lái tàu. Lý cũng không có Giấy đăng ký hoạt động tuyến Lập Thạch - Hòa Bình (chạy đò dọc sông Đà với chiều dài gần 150km) do chưa nộp đủ tiền nên chủ cũ chưa giao lại.

Đến nay, các cơ quan tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu người đã gặp nạn và bao nhiêu còn nằm dưới sông. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo SGGP, phần lớn nhân chứng còn sống sót đều khẳng định rằng trên tàu có 24 người, gồm: 8 người ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), 3 người ở xã Đoan Hạ, 3 người ở xã Bảo Yên, 2 ở người xã Đồng Luận, 3 người ở Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy) và 6 người xã Minh Quang (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).

Đến chiều qua, 25-10, UBND tỉnh Phú Thọ cũng xác định có khoảng 11 nạn nhân thiệt mạng, 13 người khác đã được cứu sống. Trong số 3 người chưa tìm thấy xác có cả vợ của chủ đò là chị Lê Thị Hồng Châm, mới đi lao động ở Đài Loan về và đang mang thai 3 tháng.

* UB MTTQ Việt Nam vừa gửi điện thăm hỏi và chuyển đến các gia đình có người bị nạn 2 triệu đồng/người chết hoặc mất tích.

KHA - PHÚC - VŨ 

Khởi tố vụ án, bắt tạm giam chủ thuyền

Chiều qua 25-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với chủ thuyền Lương Văn Lý về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212, Bộ luật Hình sự.

Lương Văn Lý cùng vợ là Lê Thị Hồng Châm không có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Chiếc thuyền mang số hiệu HB 0147, được ông Hoàng Văn Sáu đăng ký tại tỉnh Hòa Bình, sau khi bán cho 2 chủ thuyền khác và Lương Văn Lý là chủ thuyền thứ ba. Chiếc thuyền có trọng tải cho phép chở 25 người và 5 tấn hàng, được lắp 2 máy có động cơ 15CV.

Theo kết quả điều tra của Công an Phú Thọ, chiếc thuyền được Sở GT-VT tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép vận tải hành khách nội địa số 900044 nhưng đã hết hạn từ tháng 5-1998. Điều mâu thuẫn ở đây là giấy phép cấp cho thuyền mang số hiệu HB 0147 nhưng Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật sử dụng cho thuyền này thực tế lại là của tàu HB 0134!

N.Q.

 

Thông tin liên quan

23 người chết và mất tích


Sáng nay, vớt con đò để lấy xác nạn nhân  

Tin cùng chuyên mục