Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo ước tính của các chuyên gia, thiệt hại do sự cố gây mất điện tại 22 tỉnh, thành phía Nam xảy ra chiều 22-5 là khá lớn. Các nhà máy, phân xưởng sản xuất đang hoạt động phải ngừng đột ngột, gây hư hỏng sản phẩm, làm chậm tiến độ giao hàng của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, thiệt hại do sự cố gây ra không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhất là tại các bệnh viện, trường học...
Ở nước ta, các sự cố gây cúp điện, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất đã từng xảy ra nhiều lần.
Tiêu biểu như vụ nổ bình biến áp khiến một thành phố ở miền Trung bị cúp điện suốt 3 ngày tết vào năm 2005; trận mưa lớn kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng tại Hà Nội năm 2008 khiến hệ thống điện tê liệt, nhiều khu vực của thủ đô mất điện nhiều ngày; năm 2006, một máy cắt tại trạm 500kV Pleiku (Gia Lai) bị hỏng, gây rã lưới toàn bộ hệ thống điện miền Bắc; năm 2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 đổ bộ trực tiếp vào khu vực miền Trung đã gây sự cố trên đường dây 500 kV Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh). Cơn bão này cũng làm đường dây 500kV Di Linh - Tân Định bị sự cố...Điểm lại một số sự cố gây mất điện, đặc biệt là đối với đường dây 500kV, chúng ta thấy phần lớn đều do thiên tai trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra.
Đối với sự cố gây cúp điện trên diện rộng và kéo dài xảy ra ngày 22-5 vừa qua, ngay khi sự cố xảy ra, nhiều người cho rằng nguyên nhân có thể do tác động bởi thiên tai hoặc do trời nắng nóng gay gắt, lượng điện tiêu thụ tăng vọt gây quá tải dẫn đến cháy nổ trên đường truyền tải điện quốc gia. Nhưng điều gây bất ngờ lớn - theo thông báo chính thức của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, sự cố xuất phát từ một hành động thiếu cẩn trọng do con người gây ra. Do sơ ý trong lúc cẩu cây dầu cao hơn 10m tại một bãi ươm trồng gần đường dây cao thế 500kV ở Bình Dương, tài xế xe cẩu đã để cây va vào đường dây, gây phóng điện dẫn đến sự cố đáng tiếc.
Người gây ra sự cố với mức độ thiệt hại rất lớn này sẽ phải chịu trách nhiệm do hành vi bản thân gây ra. Trách nhiệm đó bao gồm trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm lương tâm - mặc dù hành vi vi phạm có thể không có động cơ nào khác ngoài sự bất cẩn. Nhưng dư luận cũng đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng cần xem xét mức độ trách nhiệm của đơn vị điện lực quản lý địa bàn và cả địa phương nơi xảy ra sự cố.
An toàn lưới điện, đặc biệt là đường dây truyền tải 500kV luôn là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của hàng chục triệu người dân mà còn là vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới, hệ thống truyền tải điện luôn được đảm bảo an ninh tuyệt đối, hành lang an toàn lưới được xác định là bất khả xâm phạm.
Từ sự cố gây cúp điện vừa diễn ra tại các tỉnh, thành phía Nam, có thể thấy việc đảm bảo an toàn lưới điện ở nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù quy định về hành lang an toàn lưới điện với chiều rộng hai bên 7m, chiều cao 6m đã được ban hành nhưng ở nhiều địa phương, việc lấn chiếm hành lang an toàn vẫn diễn ra. Nghị định 106/CP của Chính phủ về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp quy định: “Đối với cây có khả năng phát triển nhanh trong thời gian ngắn có nguy cơ gây mất an toàn (...) phải chặt bỏ và cấm trồng mới” (khoản 3, Điều 5). Trong khi đó, vườn ươm cây dầu với số lượng lớn, mỗi cây cao hơn 10m lại tồn tại ngay cạnh đường dây tải điện 500kV là điều không thể chấp nhận.
Để chấm dứt việc có thể xảy ra những trường hợp gây sự cố mất điện đáng tiếc như vừa qua, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm an toàn lưới điện trên phạm vi toàn quốc. Mặt khác, cần tổ chức lại hệ thống thông tin liên lạc, tăng cường khả năng ứng phó để có thể khắc phục sự cố nhanh chóng và hiệu quả hơn mỗi khi có sự cố xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại cho đất nước, đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện quốc gia.
TÔ NGUYỄN