Bạn đọc viết

Bạn đọc viết
  • Cám ơn Báo SGGP đã lên tiếng về tệ nạn “lắc”
Bạn đọc viết ảnh 1

Công an quận Bình Thạnh triệt phá động thuốc lắc tại quán karaoke Song Ngọc (phường 15 quận Bình Thạnh) - “nhân vật chính” hầu hết là giới trẻ!

Trước đây, những thông tin về tệ nạn ma túy trên Báo SGGP đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình. Bây giờ, một loạt bài trên báo SGGP kèm theo những thông tin nóng bỏng hàng ngày về những động lắc bị phá ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy một bộ phận thanh niên đang say mê kiểu ăn chơi rất đáng báo động này, trong đó có không ít em còn trong tuổi học trò. Lối sống ăn chơi này làm băng hoại rất nhanh đạo đức con người khi mà họ chỉ biết có hôm nay, không cần đến ngày mai.

Hoan nghênh Báo SGGP đã phản ánh kịp thời một kiểu ăn chơi mới trong giới trẻ ngay khi Quốc hội đang họp bàn về Luật Thanh niên, mà như quyền Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Đào Ngọc Dung đã cảnh báo: “Cùng với sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo, ham học hỏi thì thanh niên hiện nay đang đứng trước những khó khăn, hạn chế như trình độ học vấn, nghề nghiệp chuyên môn, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm còn phổ biến, tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm trong thanh niên diễn biến phức tạp…”.

Khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thanh niên vào ngày 7-6 tới, chúng tôi đề nghị cần có quy định về cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thanh niên. Cha, mẹ và những người thân chắc chắn rất đau lòng khi thấy con em mình tự hủy hoại tuổi trẻ như thế.

Chúng ta đã bao lần tự hỏi, những người làm cha làm mẹ lẽ nào lại không biết một chút gì về những sinh hoạt bất thường của con cái mình? Lẽ nào cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm quản lý địa phương lại không biết các động “lắc” khi còn ở buổi manh nha? Một lần nữa chúng tôi hoan nghênh Báo SGGP đã làm một việc kịp thời là đánh động mạnh mẽ với toàn xã hội về tệ nạn “lắc”. 

LÊ THỊ THU (Phường 25, Bình Thạnh)

  • Tăng cường giáo dục ở gia đình

Trong số những con nghiện bị phát hiện tại những động thuốc lắc có nhiều em còn rất trẻ, không ít em còn cắp sách tới trường. Trên một tờ báo, một số con nghiện học trò trả lời lý do đến những nơi này: “ Vì ở đó vui, tập hợp được nhiều bạn bè để “xả xú-páp” sau những giờ học hành căng thẳng”, “Vì không còn chỗ nào khác để chơi…”. “Cha mẹ bận làm ăn suốt ngày, tiền bạc vật chất em không thiếu, chỉ thiếu người chia sẻ tâm tình”.

Việc thiếu hơi ấm gia đình với sự chăm sóc, giáo dục và định hướng của cha mẹ là nguyên nhân hết sức quan trọng đưa các em đến với những hành vi sai lệch. Trường hợp nhiều đứa con ở tuổi vị thành niên đi chơi thâu đêm suốt sáng, thậm chí trốn học, bỏ học suốt một thời gian dài mà cha mẹ vẫn không hay biết là khá phổ biến.

Tôi mong Nhà nước tiến tới áp dụng một số biện pháp chế tài cần thiết đối với các bậc phụ huynh như một số nước tiên tiến đã làm: cha mẹ không nuôi nấng, dạy dỗ con cái đàng hoàng như hành hạ, đánh đập, bắt trẻ đi kiếm sống trước tuổi quy định… thì sẽ bị phạt tiền, bắt giam hoặc truất quyền nuôi con.

Nhà nước cần xây dựng nhiều điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên và phù hợp với thời đại. Các tổ chức, đoàn thể ở nhà trường, địa phương cũng cần năng động hơn, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa, thực tế hơn để thu hút thanh thiếu niên ở mọi tầng lớp… 

VẠN XUÂN (Bình Thạnh)

  • Chống thuốc lắc, cả xã hội phải quyết tâm

Hiện nay, ma túy, thuốc lắc thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng và liên tục của các bậc phụ huynh. Càng ngày càng có nhiều động, ổ thuốc lắc được phát hiện, chứng tỏ các lực lượng chức năng đã tích cực truy lùng và ra tay triệt phá.

Tuy nhiên, việc các ổ tệ nạn này ngày càng phát triển cho thấy bọn kinh doanh tội lỗi đã vì đồng tiền mà bất chấp pháp luật, đạo đức. Dù đã có nhiều ổ bị triệt phá, nhưng những ổ “chưa bị lộ” vẫn gan lì và ngang nhiên hoạt động. Điều này phản ánh sự buông lỏng quản lý, quản lý không xuể hoặc có sự tiếp tay của những người có trách nhiệm.

Mặt khác, qua đó thấy rõ sự thiếu quan tâm giáo dục con em ở một số gia đình. Môi trường xã hội ngày càng xấu. Một bộ phận người trẻ thiếu tu dưỡng bản thân… Làm thế nào triệt phá tận gốc các tệ nạn này? Đó là câu hỏi không khó trả lời trên lý thuyết nhưng không dễ áp dụng vào thực tiễn nếu chính quyền và mọi lực lượng xã hội không đồng lòng, quyết tâm. 

HOÀI PHỐ (Quận 1)
 

Tin cùng chuyên mục