Băn khoăn trách nhiệm giải trình

Liên tiếp trong vài tuần gần đây đã có những sự việc lớn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó hầu hết liên quan đến trách nhiệm trực tiếp của những vị “tư lệnh” bộ, ngành, khiến rất nhiều người lên tiếng đòi hỏi phải truy trách nhiệm của các vị bộ trưởng.

Đầu tiên là vụ ồn ào liên quan đến việc đăng cai Asiad 18. Tuy Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một quyết định hợp lòng dân là rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 vào năm 2019, nhưng dư luận xã hội vẫn đòi hỏi phải “truy” trách nhiệm đến cùng của Bộ VH-TT-DL, mà người chịu trách nhiệm cao nhất ở đây là Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL với vai trò tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề này.

Bởi khi dư luận hết sức băn khoăn về hệ quả to lớn mà Việt Nam đăng cai kỳ đại hội thể thao này, thì Bộ VH-TT-DL với tư cách là bộ chủ quản, vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm Việt Nam nên làm. Dĩ nhiên, chúng ta có thể không trách việc Bộ VH-TT-DL cố gắng bảo vệ quan điểm của mình, thế nhưng vấn đề mà dư luận bức xúc là cách làm việc thiếu minh bạch, thậm chí có phần sai quy trình, khi bộ này chưa báo cáo Thủ tướng đã đứng ra giải trình về việc chuẩn bị đăng cai Asiad 18 ở Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Khi Thủ tướng “nhắc nhở” bộ là tại sao chưa báo cáo Thủ tướng đã giải trình ở ủy ban thì người dân mới vỡ lẽ, thì ra bộ đã quá “nhanh nhảu” khiến dư luận dậy sóng.

Tiếp đến, đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 cũng gây ồn ào dư luận cả tuần qua. Khi báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã “buột miệng” tiết lộ số tiền để làm đề án này lên tới trên 34.000 tỷ đồng. Con số này ngay lập tức làm dậy sóng dư luận vì nó quá lớn, quá phi lý nếu chỉ để đổi mới chương trình - SGK phổ thông.

Ngay sau đó một ngày, Bộ GD-ĐT họp báo, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT thay mặt Bộ GD-ĐT cho biết số tiền này chỉ là khái toán ban đầu, là con số mà bộ tạm hình dung ra và chỉ hết 5.000 tỷ đồng cho khâu biên soạn chương trình - SGK phổ thông. Đính chính này khiến dư luận chưng hửng. Nhưng chưa hết, chỉ sau một ngày cuộc họp báo của bộ, Bộ GD-ĐT lại chính thức công bố: Số tiền dùng để biên soạn chương trình - SGK giáo dục phổ thông chỉ là 105 tỷ đồng, còn lại trong số trên 34.000 tỷ đồng là để dành cho các khâu liên quan.

Cũng đích thân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, TTXVN để khẳng định con số 34.000 tỷ đồng đó sẽ được bộ tính toán sử dụng đúng mục đích, không lãng phí.

Sự xuất hiện của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và những thông tin mà Thứ trưởng cung cấp vẫn khiến xã hội hoài nghi thì rất bất ngờ, tối 20-4 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xuất hiện ở chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” của VTV, khẳng định: Con số 34.000 tỷ đồng là một sai sót, sơ suất đáng tiếc.

Theo Bộ trưởng, con số 34.000 tỷ đồng không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông. Đây chỉ là con số được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, “vào những ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc giải trình này, tôi phải đi công tác nước ngoài nên không thể tham gia trực tiếp”.

Sự lên tiếng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT một lần nữa lại khiến xã hội hết sức bất ngờ, chưng hửng. Người ta hỏi nhau tại sao lại có những việc buồn cười như vậy xảy ra? Nhiều chuyên gia đặt vấn đề: Phải chăng Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị “việt vị”, vì các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải bàn, phải cho ý kiến về một con số mà Chính phủ chưa biết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa biết, thậm chí là không có con số đó.

Dư luận đang rất bức xúc với cách hành xử như vậy. Có hay không quy trình làm việc “có vấn đề”, mà đó là những vấn đề tác động rất lớn đến đời sống của cả xã hội như Asiad 18, như đổi mới giáo dục lại được xử lý theo kiểu “dưới làm mà trên không biết”? Những điều đó cho thấy trách nhiệm của các bộ ngành, của các bộ trưởng trước những vấn đề trọng đại của đất nước chưa được nghiên cứu, xem xét một cách thỏa đáng và trách nhiệm giải trình của các trưởng đầu ngành trước Quốc hội, trước dân cần xem xét lại.

Cũng tương tự như vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc triển khai chống dịch sởi của ngành y tế vừa qua cũng bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Bởi khi cả cộng đồng đang “phát sốt” về dịch sởi thì Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ xuất hiện ở điểm dịch sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đích thân đến điểm dịch để chỉ đạo ngành y tế. Người dân đang hỏi, khi xã hội đang cần bộ trưởng đến vậy thì bộ trưởng ở đâu?

Xuyên suốt những sự việc lớn đó, người dân đòi hỏi các bộ trưởng phải nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa trong “mặt trận” phụ trách. Và khi các vấn đề nóng xảy ra, các bộ trưởng phải nâng cao trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, trước nhân dân. Trách nhiệm đó không chỉ dừng ở mức độ “bảo vệ thử” mà phải là “bảo vệ thật”. Chỉ khi làm thật, chịu trách nhiệm thật thì các vị tư lệnh ngành mới có thể đáp ứng kỳ vọng của nhân dân đối với lĩnh vực mình đảm trách.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục