Bản lý lịch cá biệt

Bản lý lịch cá biệt

Gia đình tôi nghèo, không có đất làm ruộng nên ba má phải đi làm thuê, cuốc mướn. Năm đó, mưa bão liên miên, tiền dành dụm trong nhà hết sạch. Ba tôi đội mưa bão đến từng nhà để vay nhưng các gia đình đều không còn gạo cho vay. Ba tôi liền đi sang xóm bên cạnh xin làm mướn nhưng chẳng may giữa đường bị sét đánh chết. Má tôi phải làm “gái bao” để ngày ngày kiếm tiền mua gạo nấu cháo cho tôi ăn. Đồng tiền kiếm được ít ỏi chỉ đủ mua gạo, muối, nước mắm.

Má tôi ốm nhom, nhưng tối tối vẫn phải đi gặp bọn “khách du lịch” ăn chơi sa đọa. Hôm đó, đêm khuya lắm, má tôi trở về nhưng mặt mũi bị đánh sưng vù. Cả hai má con ôm nhau khóc và đêm ấy rồi cả ngày hôm sau phải nhịn đói vì không có tiền mua gạo. Nhìn thấy má bị người ta đánh, tôi căm phẫn bọn người tàn nhẫn không chút lương tâm.

Minh họa: Kim Phiến

Minh họa: Kim Phiến

Ba lần, tôi nghe lời và theo chú Chín hàng xóm đi ăn cắp cá sấu hoa cà của hợp tác xã đem bán. Hai lần trót lọt nhưng đến lần thứ ba không may người bảo vệ phát hiện và bắt tôi. Còn chú Chín thì chạy thoát. Tôi bị nhốt cả đêm. Đến sáng hôm sau, người bảo vệ dẫn tôi gặp chú Thành, chủ nhiệm hợp tác xã. Tôi tưởng sẽ bị đánh và trói, nhốt vào phòng tối nhưng chú Thành sau khi hỏi chuyện, biết tôi nghèo và má đang bị bệnh nằm ở nhà, chú nhẹ nhàng dạy bảo tôi không nên đi bắt trộm cá sấu bán, như vậy là xấu. Rồi  chú nói với chú bảo vệ dẫn tôi đi ăn phở và đưa về nhà trả cho má tôi. Chú bảo vệ còn mua cho má tôi một tô phở và gạo, cá khô, nước mắm, bột ngọt để ăn một vài bữa. Khi hết gạo, trong túi không có một xu. Má tôi không có khách gọi...

Nhìn má khóc sưng cả mắt mà lòng tôi quặn thắt. Tôi liền bỏ nhà ra ngoài chợ, định bụng xem có người nào thuê mình vác mướn hoặc gánh nước. Tuy nhỏ, nhưng tôi cũng sẽ ráng khuân các giỏ cá, trái cây để kiếm tiền giúp má. Nghĩ tới mình sắp có tiền, tôi mừng rơn trong bụng. Tôi nghĩ thầm sẽ mua cho má trái dừa để uống nước, cùi dừa kho ăn và chai dầu gió cho má xức khi trời lạnh. Nhưng đợi gần đến trưa, mặt trời đứng bóng, tôi vẫn không được ai thuê mướn. Bụng đói cồn cào. Lợi dụng bà bán phở đi vào sau nhà, tôi liền chạy đến bốc nắm phở và thịt bỏ trong áo nhưng không may bà bán phở quay ra, hô hoán là tôi ăn cắp đồ. Mọi người đổ xô vây lấy tôi đánh và giải tôi lên công an phường. Mặc cho tôi vừa khóc vừa nói trong nước mắt: “Con xin lỗi! Xin bà đừng đưa con lên công an. Tội nghiệp con! Con đói và má bệnh nên con xin chút xíu bánh và thịt về cho má!”.

Qua hôm sau, tôi bị đưa lên trường giáo dưỡng với lời ghi đen ngòm “Cướp tài sản công dân”. Tôi nhỏ tuổi nên không bị đưa vào trại giam Chí Hòa. Cứ nghĩ đến má ở nhà không biết sống ra sao và má sẽ khóc trong tuyệt vọng khi không tìm thấy tôi, không biết tôi đang ở đâu chết hay sống là tôi muốn đập đầu vào tường chết ngay. Đêm nào tôi cũng mơ thấy má và nằm trong lòng má.

Các thầy, cô giáo không bao giờ rầy la, đánh đập chúng tôi mà còn dạy bảo tôi từng li, từng tí. Tôi mới hiểu việc làm của mình như vậy là không tốt. Trong trường giáo dưỡng, tôi được học nghề may. Tôi cũng biết trồng lúa, rau và chăn bò, nuôi heo…

Hai năm sau, tôi được nhà trường cho về. Các thầy, cô giáo, công an đưa tôi ra xe để trở về nhà và luôn dặn dò: “Em đừng làm điều xấu đó nữa nhé! Cố gắng tìm việc làm để đừng đi ăn cắp. Xấu hổ lắm!”.

Tôi ôm thầy, cô và hứa: “Em hứa sẽ làm người tốt! Không ăn cắp nữa!”. Tôi về đến nhà. Lòng mừng khấp khởi tưởng sẽ ôm má hôn cho thỏa thích. Tôi gọi lớn: “Má ơi! Con về rồi! Con của má về rồi nè!”.

Trong nhà bỗng bước ra một dì công tác ở Hội Phụ nữ. Thấy tôi, dì nhận ra và kể: “Má con buôn ma túy nên bị bắt, kêu án 4 năm tù. Còn 2 năm nữa sẽ về! Nhà con không có ai ở nhà nên các dì qua trông nom. Thôi con vào đi! Tối nay, qua nhà dì Tư ăn cơm!”. Tôi ngoan ngoãn nghe lời dì.

Sáng hôm sau, để có tiền sống những ngày tới, tôi liền đi tìm việc làm. Tôi yên tâm là đã biết nghề học ở trường giáo dưỡng thì nhất định các công ty, xí nghiệp may sẽ nhận; sau 3 lần kiểm tra tay nghề, tôi đều đạt hết nhưng khi xét lý lịch, biết tôi từ trường giáo dưỡng trở về và má tôi bán ma túy bị bắt nên xí nghiệp may của quận không nhận, trả lại hồ sơ.

Một ông cán bộ tổ chức nói: “Hồ sơ đen ngòm, ai mà dám nhận. Kinh khủng quá!”. Tôi muốn nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử ngay. Tôi thất thểu cầm lý lịch trở về. Vào nhà không thắp đèn lên nên tối om. Nước mắt tôi trào ra ướt đẫm gối. Đang buồn đời, bỗng tôi nghe tiếng dì Tư gọi: “Con ơi! Về chưa mà không thắp đèn lên? Bộ hết dầu hay sao mà không thắp đèn?”. Tôi ngồi dậy thắp đèn và mở cửa mời dì vào. Dì âu yếm hỏi: “Công ty, xí nghiệp trả lời sao? Họ nhận không con?”. Tôi vừa khóc, vừa nói: “Thưa dì Tư, không! Họ trả lại hồ sơ và nói: “Không nhận người ở trường giáo dưỡng về và mẹ bị tù”. Dì Tư an ủi tôi và nói: “Thôi! Qua nhà dì ăn cơm đi. Đừng buồn nữa. Chỗ này không nhận thì mình tìm chỗ khác. Dì tin sẽ có đơn vị nhận con. Nghe lời dì đi! Đừng bao giờ mất lòng tin vào cuộc sống con à!”.

Sáng hôm sau, dì Tư bảo tôi thắp nhang cho ông Cá Sấu để ổng phù hộ. Tôi ngoan ngoãn nghe lời. Dì Tư đưa tôi qua cầu “Ông Đụng” rồi quẹo vào con đường trải nhựa, đi thẳng vào Công ty Cá sấu “Hoa Cà”. Tôi ngập ngừng không dám đi vì sợ gặp bảo vệ và chú Thành. Tôi nghĩ thầm: “Tôi đã có tiền án là ăn cắp cá sấu của chú đem bán rồi còn bị đưa vào trường giáo dưỡng, mẹ thì buôn ma túy, bị bắt ở tù, 100% là chú không nhận! Thà đừng đi gặp chú! Gặp chú không nhận và còn bị khơi lại chuyện cũ nữa thì mắc cỡ lắm. Dì Tư càng giận mình thêm!”.

Dì Tư cầm tay tôi giục đi nhanh. Gặp chú Thành, tôi cứ cúi mặt, dí dí ngón chân cái lên đất. Chú thấy tôi sợ hãi liền trìu mến nói: “Tưởng cháu nào, chớ chú bé này tui biết rồi! Chị Tư yên tâm. Hai chú cháu tui “thân” nhau cách đây hai, ba năm rồi!”. Chú liền xoa đầu tôi và cười: “Đúng không hả cháu?”. Dì Tư cũng nói qua về lý lịch “đen ngòm” của tôi cho chú Thành nghe. Chú im lặng lắng nghe. Tôi sợ quá, tim đập thình thịch như muốn vỡ tung ra. Tôi căng óc nghĩ: “Nếu chỗ chú Thành không nhận nữa vì lý lịch “tối đen như mực” này, chắc tôi chỉ còn xách giỏ trở lại trường giáo dưỡng xin ở luôn chứ ở ngoài xã hội không có việc làm, biết lấy gì sống, lại trộm cướp và bị tù đày khổ nhục”.

Chú Thành bỗng đứng lên nhìn dì Tư một lúc rồi nhìn sang tôi. Giọng Nam bộ, chú nói nghe thiệt hiền lành, nhân hậu: “Chị Tư yên tâm để cháu chỗ tui. Tui nhận vào làm việc. Tui sẽ dạy cháu học nghề làm da cá sấu. Trong lúc học, tui trả lương 600.000 đồng/tháng, cho ăn cơm hai bữa: sáng, trưa. Chiều ăn cơm nhà. Sau khi học xong, thành thạo việc sẽ trả lương 1.200.000 - 1.500.000 đồng/tháng. Dù má cháu đang ở tù hay cháu ở trường giáo dưỡng trở về, chỗ tui nhận hết. Mình bỏ các cháu sao đặng hả chị Tư? Lương tâm và trách nhiệm của mình ở đâu? Mình không được đẩy các cháu vào chỗ bế tắc mất phương hướng!”. Thế là ngay ngày hôm đó, tôi chính thức được nhận vào học việc. Thầy giáo tận tình hướng dẫn và tôi chăm chỉ miệt mài say sưa học. Mỗi lần đến thăm lớp, chú Thành đều đến xem tôi làm.

Lần đầu tiên, tôi được lãnh lương. Chẳng mấy chốc, tôi trở thành thợ giỏi. Tôi đã đưa vào những sản phẩm cá sấu tâm hồn, trái tim và cả tâm linh của người thợ. Mẹ tôi mãn hạn tù trở về. Chú Thành và chú Hưng đã nhận vào làm nấu ăn, chế biến thức ăn cá sấu. Không phải là giấc mơ mà là hiện thực: Hạnh phúc và niềm vui đang tràn ngập trong lòng hai mẹ con tôi, mái ấm gia đình tôi - những người có bản lý lịch thật cá biệt! Cảm ơn đời! Cảm ơn cuộc sống và các chú Thành, Hưng, dì Tư phụ nữ, những con người giàu lòng nhân hậu và ấm áp tình thương, bao dung.


NGÔ QUỲNH LAN

Tin cùng chuyên mục