Cha và con là lính Trường Sa

D.Khanh
Cha và con là lính Trường Sa

- Má "dìa" đi. Con lớn rồi. Tới “ngoải” con điện cho má liền. Tiếng thằng Sa khe khẽ nói rồi nắm lấy bàn tay mẹ nó. Đôi tay chai sần do đã quen với nghề vá lưới hàng đáy sông Cầu hàng chục năm nay. Tiếng còi tàu giục giã. Tàu cứ xa dần trong tiếng sóng biển đuổi nhau vào bờ va đập bãi bồi nghe thình thịch, thình thịch.

Minh họa: D.Khanh

Minh họa: D.Khanh

Vậy là lần thứ hai, Yến tiễn người thân ra đảo. Dù cố kiềm lòng nhưng nước mắt vẫn cứ trào lên khóe mắt rồi chảy dài xuống khuôn mặt khắc khổ, rám nắng. Mười chín năm trước, cũng tại bến tàu này, Yến đã tiễn chồng ra đảo rồi mãi mãi không gặp lại nhau.

Dòng thời gian chảy ngược trong lòng người thiếu phụ hóa đá trông chồng. Văng vẳng đâu đây lời hát “…Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi, thương nhớ khôn nguôi người chiến sĩ Trường Sa ơi!…”.

Cái quá khứ buồn cứ cay độc chen vào tâm hồn Yến không thương xót. Cái ngày Yến được Xã đoàn cho đi tham quan đảo Trường Sa để biết thế nào là sóng gió đại dương. Cô gái Tiền Giang đã ói tới mật xanh trên con tàu phom phom tiến dần ra đảo. Tới đảo, sức cô như kiệt hẳn, không thể nhích được đôi chân lên chiếc cầu tàu đang phập phều trên sóng nước.

- Để tôi xung phong “cõng” cô này lên cho. Không có cách nào khác đâu, mấy anh không quen sóng gió, khó khăn lắm. Một người lính trẻ măng vai đeo quân hàm xanh thoăn thoắt bước đến. Trong nháy mắt Yến đã nằm gọn phía sau lưng người lính ấy với cảm giác vừa mắc cỡ, vừa thầm biết ơn.

- Thôi việc chăm sóc nó để chú bộ đội này lo, làm ơn phải làm cho trót nghe, sau này nó bắt đền cho. Ê nó chưa chồng nghe chú bộ đội. Vừa nói chị Sáu - chủ tịch hội phụ nữ nói vui.

Khi chỉ còn lại hai người - Trường - người lính ấy - hỏi khẽ:

- Chị đỡ chưa? Tại không quen đi tàu nên say sóng, sẽ hết thôi mà!

- Tui đỡ rồi, mà sao anh kêu tui bằng chị, bộ mặt tui già lắm hả. Yến lí nhí trong miệng.

- Thôi tôi xin lỗi vì… Mà quê cô ở đâu? Trường bắt đầu đổi cách xưng hô.

- Tui ở Tiền Giang, xa lắm… mà quê anh ở đâu… ham chi cái xứ này mà tình nguyện ra đây vậy. Nói thiệt tui đi một lần tởn đến già, nhất định hổng ra đảo này nữa đâu. Yến nói liền một mạch. Nhưng nói rồi cô mới thấy ân hận vì mình đã quá lời. Yến cúi mặt nhìn xuống những bãi rau muống xanh tơ được lính đảo chăm sóc cẩn thận nên tươi tốt rất lạ kỳ.

- Quê tôi ở Sài Gòn, ra đảo đã được 2 năm, lúc đầu cũng buồn và nhớ nhà lắm nhưng riết thành quen. Ai cũng vậy chớ đâu phải có mình mình.

Giọng Trường thật trầm và buồn buồn. Có lúc Yến tự hỏi có phải do sống nơi đầu sóng ngọn gió nên giọng nói của bộ đội trên đảo đều na ná như nhau: hùng hồn, trầm ấm và có sức cuốn hút lạ thường.

Đêm Trường Sa Đông. Trăng lên sáng lèm lẹm. Ánh lửa trại cháy bập bùng tạo một điểm xuyết vàng rực giữa đảo. Tiếng gỗ mục cháy nổ phát ra những âm thanh lách tách, lạch tạch thật vui tai. Cây đàn thùng cũ mèm đệm theo những bài hát sôi động. Trong khoảng không mờ ảo lập lòe ấy, Trường với cây đàn ghi ta say sưa đánh nhịp nhưng đôi mắt cứ đăm đăm nhìn về phía Yến như trêu chọc, như tỏ tình. Đặc biệt anh chàng này ca rất ngọt ngào bài hát Gần lắm Trường Sa.

Đêm đầu tiên xa nhà Yến không ngủ được. Sóng biển cứ ùa về đập vào bãi đá tạo những tiếng kêu huỳnh huỵch. Dưới ánh trăng khuya, cột mốc chủ quyền của Việt Nam đang sừng sững như đang thách thức phong ba của thiên nhiên, thách thức cả tham vọng của những người cố tình xâm lấn. Yến nhẹ nhàng bước ra khỏi nhà khách để xua tan nỗi nhớ nhà, xua tan những cảm giác buồn vui lẫn lộn đang tràn vào căn phòng nhỏ. Đứng trước mỏm đá trong cơn gió lạnh đêm khuya, Yến như tỉnh hẳn lại. Cô nhớ lại những gì đã diễn ra từ lúc bước chân lên đảo. Nhớ nhất là đôi mắt lém lỉnh của Trường. Yến chợt nhận ra hình như lính đảo không biết buồn, họ hồn nhiên vô tư như bao nhiêu khó khăn thiếu thốn chưa từng đến với họ dù chỉ một phút, một giây. Sao vậy?

- Cô đi đâu vậy? Khuya lắm sao không ngủ lấy sức mai còn đi tham quan nhiều nơi - một giọng nói vừa quen vừa lạ cất lên. Giọng của Trường.

- Tui không ngủ được, mà anh… sao… bộ cũng giống như tui hả?

- Không. Đêm nào có trăng tôi cũng tranh thủ thức khuya để ngắm. À để tôi vào pha ấm trà xanh rồi mình nói chuyện cho vui. Nói đoạn Trường nhanh chóng chạy đi. Yến chợt nghe lòng mình xúc động thoáng qua khi thấp thoáng bộ quân phục xanh của Trường xa dần.

Ấm trà được rót ra. Câu chuyện về Trường cũng bắt đầu. Từ nhỏ Trường đã mê biển đến lạ lùng. Với anh, biển khơi luôn hấp dẫn và ẩn chứa bao điều huyền bí, cuốn hút. Và còn một nguyên nhân khác, Trường muốn nối nghiệp ông cha mình. Người đã không trở về từ biển khơi trên chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam. Đến giờ cả nhà anh cũng không biết chính xác ông hy sinh vào thời điểm nào, thôi thì cứ làm giỗ cái ngày 30 tháng 4 hàng năm cho dễ nhớ. Là gia đình liệt sĩ, Trường có đủ điều kiện để xin việc làm tại Sài Gòn sau khi tốt nghiệp đại học. Vậy mà…

- Anh nói tiếp đi, chuyện buồn quá nhưng tui muốn nghe. Yến thúc giục.

- Tôi quyết định đăng ký nghĩa vụ ở binh chủng Hải quân. Ai cũng nói tôi “điên điên, tưng tửng”. Mặc. Tôi muốn biết biển hấp dẫn như thế nào và trong đó có cả xương thịt của cha tôi. Vậy là a lê hấp. Lên đường.

- Anh có bồ chưa? Rồi cô ấy nghĩ gì?

- Có chứ, hồi chung đại học. Nhưng khi nghe tôi nói đăng ký đi làm lính đảo Trường Sa thì cô nàng biến mất. Trường cười khà khà, nhưng trong tiếng cười ấy Yến hiểu có chút gì đó chua chát, tiếc nuối, xót xa.

Trở về đất liền, Yến liên tục nhận được thư của Trường. Lúc thăm hỏi, lúc tỏ tình với nỗi nhớ thương da diết. Chính quyền xã biết chuyện nên động viên cho hai người làm đám cưới “nhà binh” tại đảo. Đại diện đàng trai là chỉ huy đơn vị, đại diện đàng gái là chính quyền địa phương vì Yến cũng mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Đám cưới rất “lính” với con heo một trăm ký và mấy chục lít rượu đế Gò Đen từ đất liền mang ra. Đặc sắc nhất là chương trình văn nghệ với đủ loại nhạc cụ: nồi nấu cơm, cuốc xẻng, đũa, muỗng, can nhựa đựng nước. Vậy là phòng chỉ huy đảo nhường lại cho đôi uyên ương trong tiếng chúc tụng vang trời của lính đảo.

Ngày tiễn Yến về đất liền, Trường dặn dò:

- Có “chuột lắt” thì viết thơ ra cho anh biết nghe. Anh trông lắm, là con trai thì càng khoái, để lớn lên cho nó đi ra đảo như thằng cha điên điên của nó. Mà có con thì đặt tên là Sa. Nguyễn Trường Sa. Anh là Trường thì nó phải là Sa thôi.

- Đồ quỷ, nói bậy bạ người ta cười chết. À khi nào nghỉ phép nhớ dẫn em lên Sài Gòn ra mắt bà con, à mà anh cũng phải về Tiền Giang để mọi người biết mặt thằng rể Trường Sa chớ.

- Tất nhiên.

Tàu rời bến. Đôi mắt Yến đỏ hoe. Chưa lúc nào cô cảm thấy thương chồng đến như vậy. Bóng Trường cứ nhỏ dần đi trên sóng nước. Trường Sa mờ dần, mờ dần. Mấy tháng sau Trường đi công tác về đất liền, sẵn tạt qua thăm Yến. Ngày tiễn chồng ra bến tàu, Yến thấy đôi mắt anh thật xa xôi khó tả. Yến đâu ngờ đó là lần chia ly định mệnh giữa hai người. Mà nói đúng hơn là 3 người mới phải, Yến đã có thai. Đơn vị cử người đến nhà báo tin Trường hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giữ đảo.

Trong căn nhà đồng đội, mười chín năm qua, Yến đã tần tảo nuôi con khôn lớn. Mỗi ngày cô vẫn có thói quen trông ngóng về đảo xa với niềm hy vọng không bao giờ có thật. Thằng Sa lớn lên cùng năm tháng. Lạ ghê! Nó cứ khư khư đòi làm lính hải quân như ba nó để gìn giữ biển khơi, trong đó có nội nó, ba nó đã ngã xuống. Hôm nay ước mơ của nó đã trở thành sự thật. Nó sẽ đến với Trường Sa đầu sóng ngọn gió bằng niềm tin rất nóng.

Chiều tháng bảy đang về. Nỗi nhớ chồng, nhớ con bất ngờ kéo đến làm Yến tái tê lòng. Bài hát trên chiếc loa truyền thanh đầu xóm biển cứ vô tình cứa vào nỗi nhớ của Yến… “Mỗi cánh thư về từ đảo xa… Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi…”, “…Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…”.

Triệu Mỹ Ngọc
(Kính viếng hương hồn các chiến sĩ hy sinh trên huyện đảo Trường Sa)

Tin cùng chuyên mục