Không phải ngẫu nhiên chủ đề của cuộc thi truyện ngắn lần này, Báo SGGP và Hội Nhà văn TPHCM lại chọn “Con người và cuộc sống hôm nay”. Con người Việt Nam được đề cập trong cuộc thi này là con người của thời kỳ mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó chính là môi trường, điều kiện để thử thách, minh chứng, khẳng định con người với biết bao gian nan, thách thức.
Sau hơn một năm, kể từ ngày phát động (1-8-2011), khơi gợi đúng những vấn đề mà cuộc sống đặt ra, phải nói, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đặc biệt những người cầm viết chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tổng cộng có khoảng 1.500 tác phẩm của 874 tác giả gửi đến tham gia cuộc thi. Trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo đang sinh hoạt tại các Hội Văn học nghệ thuật và các cơ quan báo chí trong cả nước.
Tắm mình trong thực tiễn phong phú, đa dạng, hầu hết các truyện ngắn gửi về dự thi đều mang đậm hơi thở cuộc sống. Đó không phải là những bài báo nói về con người trong công việc mà là những lát cắt của cuộc sống, tâm trạng xã hội với những niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại. Điều đáng mừng, trong số 57 bài lọt vào vòng chung khảo, có nhiều bài ngay ngắn, đúng thể loại, đúng mạch của cuộc sống. Từ thực tiễn thường ngày của người dân trong xã hội hiện đại, cả thành thị và nông thôn, hay cuộc sống của các cựu chiến binh trong thời bình đến chuyện nam nữ, chuyện học đường... tất cả được khắc họa khá rõ nét và sinh động.
Truyện ngắn với mảng đề tài biển đảo, tình yêu quê hương đất nước, các tác giả có vẻ giàu cảm xúc và chăm chú hơn. Đó là các truyện: Cha và con là lính Trường Sa (Triệu Mỹ Ngọc), Chuyện tình đảo xa (Tiểu Châu), Hồn biển (Trương Thanh Liêm), Biển thức (Mai Duy Quý )...
Có những tác phẩm kết hợp khá nhuần nhuyễn, tinh tế sự nghiệp đánh giặc giữ nước năm xưa và cuộc sống hòa bình hôm nay, có tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, những phức tạp của một xã hội đầy ắp mặt trái của kinh tế thị trường, ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống mới như các chuyện: Cháu nội, Giá đỡ (Nguyễn Ngọc Mộc), Bánh chưng nóng đây! (Trần Triệu Phong), Tú xe ôm (Lam Giang)... Đó là cuộc sống đời thường, người vợ thủy chung, son sắt bên người chồng bị bệnh hiểm nghèo (Thiếu phụ - Trương Anh Quốc), tình cha con, mẫu tử cả những người không cùng huyết thống vẫn quý trọng nhau bởi cái tình, cái nghĩa... Đó là những cảnh huống, lát cắt của cuộc sống - nơi tình người được minh chứng rõ ràng nhất. Đó còn là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa sáng và tối, giữa tích cực và tiêu cực như: Mảnh đất rùa vàng (Xuân Hòa), Bản lý lịch cá biệt (Ngô Quỳnh Lan), Bên hồ Đắc Lộc (Nguyễn An Cư), Vòng phỏng vấn cuối cùng (Nguyễn Thị Tuyết Sương), Một lần ra phố (Đinh Xuân Tiễn), Một cuộc đình công (Lê Văn Phúc)...
Mỗi tác phẩm là một trải nghiệm, là dòng suy tư trăn trở trước cuộc sống hôm nay. Và, cuộc sống hôm nay đòi hỏi mỗi con người phải vươn lên, góp phần xây dựng cuộc sống mới.
Có sáng, có tối, có tích cực và có tiêu cực, nhưng công bằng mà nói các truyện ngắn gửi về dự thi đều hướng thiện. Nếu có tập trung khắc họa cái ác, cái tiêu cực không phải mục đích “con người điển hình trong hoàn cảnh điển hình” mà là lát cắt của cuộc sống và chính là cuộc sống. Đó là điểm đến của cuộc thi.
Truyện ngắn là một câu chuyện nhỏ được khắc họa bởi cách thể hiện không nhỏ. Đã gọi là truyện ngắn, trước hết nó phải có chuyện và phải kể ngắn, rất ngắn. Nếu theo tiêu chí ấy thì nhiều tác phẩm gửi về dự thi chưa đạt chuẩn. Ban giám khảo vòng sơ khảo cũng như chung khảo thật khó khăn trong vai trò đãi cát tìm vàng. Ý tưởng, câu chuyện có, nhưng cách diễn đạt chưa có cái tất cả. Đương nhiên, ở một cuộc thi truyện ngắn của một cơ quan báo Đảng, sự đòi hỏi ấy chưa phải là tất cả. Điều đạt được là đã bám sát mục đích và yêu cầu mà ban tổ chức đặt ra. Một điểm nữa cần nói, mục tiêu phát hiện cây viết mới, trong cuộc thi này hình như vẫn còn xa vời.
Bên cạnh một số cây viết - nhà văn tên tuổi, quen thuộc với bạn đọc như Trần Kim Trắc, Trần Công Tấn (Trần Triệu Phong), Lam Giang, Xuân Hòa..., những cây viết mới đầy triển vọng vẫn như tiếng hạc kêu ở cuối chân trời xa.
Cuộc thi nào cũng phải cố gắng so đũa chọn cột cờ để có tác phẩm trao giải. Sự hơn kém nhau của tác phẩm được chọn trao giải và không trao giải chỉ cách nhau gang tấc. Điều còn lại của cuộc thi là sự khơi nguồn sáng tạo.
Dẫu thế, cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” do Báo SGGP và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức đã thành công tốt đẹp. Thành công ở điểm đến về mặt nội dung và số lượng người tham gia. Thành công ở cú huých để có thể cho ra đời những tác phẩm bám sát hơi thở cuộc sống hôm nay.
Tiếp sau cuộc thi bút ký văn học “Chân dung người đương thời”, thành công của cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” khẳng định hướng đi đúng của Báo SGGP và Hội Nhà văn TPHCM.
Trần Thế Tuyển
- Trao giải cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay”