Một cuộc đình công

D.D.
Một cuộc đình công

Vợ chồng Hùng mới kết hôn hai năm đã sinh con nhỏ sáu tháng tuổi. Họ ra ở riêng và được mẹ chồng cho hai công đất. Hùng làm vườn nhà và bồi mương, làm cỏ thuê hàng tháng được vài sô kiếm thêm vài trăm ngàn đồng.

Huê lợi không khá mấy, thu nhập họ rất hạn chế. May nhờ chị Hường, người cùng làng làm sếp ở công đoàn khu công nghiệp giới thiệu cho vô làm công nhân ở Công ty Thiên Đường có vốn đầu tư nước ngoài, mấy tháng nay. Còn chị Hường cũng có một mái gia đình đầm ấm. Chị hầu như rất ít khi ở nhà ngoại trừ buổi tối với chồng và đứa con gái học tiểu học. Nhờ huê lợi vườn cũng có và với đồng lương của chị nên kinh tế gia đình ổn. Chồng chị có học đại học từ xa nhưng nghỉ giữa chừng ở nhà giúp việc nội trợ, làm vườn, đưa con đi học.. nên chị được toàn tâm lo cho công việc. Mấy năm nay anh có bập bẹ tập viết văn và có truyện ngắn đọc ở trạm truyền thanh xã.

Mh: D.D.

Mh: D.D.

Tối hôm đó, cả nhà cùng bày cơm ra bàn ăn. Giữa bữa cơm đồng hồ chỉ bảy giờ, chuông điện thoại reo. Chị Hường nhận lấy chiếc di động khẩn trương nghe, trả lời. Dứt cuộc gọi, chị nói với chồng con:

- Công nhân lại đình công nữa. Sếp gọi phải đi ngay. Thôi ông với con ăn đi. Tôi phải đi gấp ra cơ quan. Xe đang chờ ngoài ấy với các anh liên ngành.

Chồng chị cố nài:

- Bà ráng ăn một chén nữa đi, mất có mấy phút đâu.

- Thôi ăn không vô, lên ấy xong việc rồi ăn khuya với người ta cũng có!

Chị Hường cùng nhóm cán bộ liên ngành ngồi trên chiếc xe mười lăm chỗ phóng như bay đến khu công nghiệp cũng cỡ tám giờ tối. Khi vào cổng khu vực Công ty Thiên Đường đã thấy nhiều nhân viên bảo vệ của Công ty bảo vệ Mãnh Sư tới lui khẩn trương làm việc, cố gắng ổn định trật tự trước số đông công nhân lên đến hơn 200 người đang hò hét vang trời. Tất cả đèn điện đều được bật sáng lên trong xưởng và ngoài lối đi chung. Nhân viên trật tự đã lập được một hàng rào chắn lối vào công ty để chặn làn sóng công nhân ở đấy. Một vài đoạn rào chắn bị xô ngã, công nhân tiến lên ùn ùn. Tiếng quát tháo, huýt còi rộ lên. Dần dần trật tự cũng được thiết lập một cách khó khăn. Trên sân thềm công ty, các nhân vật quan trọng đã tề tựu, gồm có ông Oẳn-tu-la, giám đốc công ty, cô thông dịch, chị Hường, phó giám đốc công ty, cán bộ công đoàn, cán bộ phòng lao động huyện, phóng viên..

Phó giám đốc công ty phát loa kêu gọi anh chị em công nhân bình tĩnh và có gì nên trao đổi ôn hòa rồi trở lại vị trí làm việc, tránh phương hại cho công ty và quyền lợi của công nhân. Nên cử một công nhân ra nói chuyện.

Công nhân cử Hùng ra đại diện. Có vài công nhân kế bên trao đổi gì đó rồi giục, Hùng nói:

- Tôi thay mặt anh chị em công nhân Công ty Thiên Đường có mấy yêu cầu như vầy. Đề nghị phải cho tăng lương ngay theo mức quy định đã có hiệu lực chúng tôi mới sống nổi. Hai là không được đánh đập công nhân. Về bữa ăn công nhân, nên có thêm rau, thịt, cá chứ lõng bõng quá không đủ sức đứng làm việc. Hôm qua có nhiều công nhân nữ gục xỉu tại dây chuyền rồi, các ông đã rõ.

Ông Oẳn-tu-la phát loa nói tiếng Việt âm không chuẩn lắm nhưng nhờ cô phiên dịch gần đấy nhắc tuồng, chọn từ ngữ cho ông ta:

- Đề nghị này của công nhân: Về đánh đập công nhân, tôi sẽ xem xét lại, nếu có sẽ kỷ luật ngay người quản đốc nào làm vậy và xin lỗi anh chị em. Về làm việc tám tiếng một ngày, chị Hường đã nhiều lần nhắc nhở, chúng tôi luôn tuân thủ, chắc không có việc kéo dài thêm giờ làm. Còn lên lương ngay là không thể được vì lúc này kinh tế khó khăn, lên vậy công ty lỗ sẽ đóng cửa, anh em mất việc.

Công nhân nhao lên phản đối ý kiến ông Oẳn-tu-la  và giục Hùng bác lại. Một công nhân ở đâu giành lấy loa của Hùng, tiến lên nói:

- Tôi đề nghị ông nói cho nghiêm túc. Lương trả rẻ quá sống làm sao, mua được cái gì. Ông có thấy mỗi buổi sáng công nhân chúng tôi chỉ dám mua một củ khoai, một trái bắp non hai ngàn đồng ăn sáng không. Nhà trọ tồi tàn nhưng chúng tôi phải đóng tiền trọ bao nhiêu hàng tháng. Tiền xăng đi làm chịu không nổi, giá xăng lên vùn vụt… Tiền ăn mặc ở của chúng tôi các ông chiếm đoạt nặng quá làm sao chúng tôi chịu nổi. Ông phải lên lương ngay. Nếu không, chúng tôi không vào làm việc nữa..

Hầu hết công nhân nghe anh ta nói, vỗ tay rần rần. Nhóm liên ngành cũng cảm thấy bối rối vì ý kiến này. Ông Oẳn-tu-la bình thản cầm loa nói:

- Anh chị em không nên yêu sách quá đáng. Xem lại mà coi, quy định lương tối thiểu cho công nhân bổn quốc, chúng tôi tuân theo nào có vi phạm. Mọi việc đều theo luật lao động do công đoàn hướng dẫn. Tôi cam đoan là không có bóc lột. Nếu tạm coi như có bóc lột đi, thì tự các anh nộp đơn xin được bóc lột chứ tôi đâu có ép.

Công nhân nghe ông ta nói, lồng lên tức giận và đề nghị chị Hường có ý kiến. Chị Hường nói chuyện với giám đốc một hồi rồi cầm loa nói:

- Anh chị em trật tự. Về việc lên lương, công đoàn đã trao đổi tức thì với ông Oẳn-tu-la. Ông ấy đã suy nghĩ lại và đồng ý lên lương cho chúng ta rồi.

Công nhân hoan nghênh đồng ý. Nhóm liên ngành khá vui. Phó giám đốc yêu cầu anh em nhanh chóng vào ca làm việc. Ông Oẳn-tu-la giục thuộc cấp dọn cháo và mời mọi người vào nhà ăn công ty dùng cháo khuya. Lúc này cũng quá 11 giờ đêm rồi. Chị Hường gọi điện về nhà nói 30 phút sau sẽ về đến nhà. Sau khi ăn cháo xong, có tin mới nhận, chị lại gọi cho ông xã: Tối nay sẽ không về nhà vì công nhân bên Công ty Tiên Cảnh nghe Thiên Đường yêu sách thành công đang tập trung bên ấy vài trăm người, đình công mới lại sắp xảy ra rồi. Nhóm liên ngành không ngớt than trời, cùng đội bảo vệ Mãnh Sư gấp rút đi sang Tiên Cảnh cách đó vài trăm mét.

Sau đó chục ngày, tình hình sản xuất ở khu công nghiệp ổn định trở lại. Chị Hường chưa kịp mừng thì có hôm, văn phòng công đoàn của chị nhận dồn gần 20 đơn khiếu nại của công nhân Công ty Thiên Đường, Tiên Cảnh.. gởi đến yêu cầu can thiệp bảo vệ quyền lợi người lao động do “bị sa thải”, chủ lấy cớ là mãn hợp đồng 3 tháng, 6 tháng, không ký tiếp vì công ty sản xuất tiêu thụ trong, ngoài nước khó khăn. Chị Hường cảm thấy hồ nghi, nói với chồng:

- Công nhân đình công là có lý do. Hàng trăm công nhân được tăng lương là đáng mừng, nhưng cũng có những người bị mất việc, không biết lấy chi mà giúp họ!

Chồng chị Hường nói:

- Tôi không rành việc công lắm. Nhưng tôi nghĩ bà nên tham gia tổ chức những cuộc hội thảo về đình công đúng luật để tìm ra cách gì giúp công nhân mình mà cũng làm cho giới chủ yên tâm trụ lại với nền sản xuất.

Chị Hường nói:

- Ồ không ngờ ông không rành công nhân mà cũng hiểu việc ra phết. Tôi đề nghị vầy, tháng này ông tạm thôi viết truyện ngắn đi, mà ông tạm làm thơ ký cho tôi. Tôi sẽ đọc cho ông chép báo cáo đề dẫn của tôi. Nhất thiết phải có sớm một cuộc hội thảo liên ngành mới được.

- Tôi sẵn sàng – anh chồng nói – Nhưng bà đừng bắt tôi ngưng truyện ngắn quá lâu. Dù sao viết truyện ngắn cũng vui hơn, vì có tưởng tượng tình tiết éo le, khóc than mùi mẫn và suy tư oằn oại. Khi truyện được đọc rồi thì có chút đỉnh nhuận bút mua mắm muối, cá kèo... cải thiện.

Chị Hường vui vẻ khen được.

Trong khi đó ở nhà Hùng, anh ta cầm tờ quyết định cắt hợp đồng đưa cho vợ. Vợ anh ta thảng thốt rớt nước mắt nghẹn lời. Vậy là niềm hy vọng chồng mình sẽ là một công nhân giỏi, đặc biệt việc thu nhập dần ổn định rồi tăng lên hai triệu, ba triệu đồng một tháng nuôi gia đình, mua sữa tốt cho con... tan thành mây khói. Hùng hối hận vì nói thật tin không vui cho vợ trong khi cô ấy còn trong những ngày nghỉ hộ sản. Anh ta bịa chuyện an ủi vợ:

- Em đừng lo. Chị Hường hứa sẽ viết giới thiệu cho anh đi lên khu công nghiệp Bình Dương làm công nhân trên ấy rồi. Ở đó lương cao hơn.

Vợ Hùng nhen lại niềm hy vọng:

- Có thật không. Nhưng xa nhà quá. Lên ấy rồi anh không nên tham gia đình công nữa nghe. Cuối cùng rồi vợ con phải thiệt!

Hùng nghĩ đến những công nhân ở lại tất cả được tăng lương, lấy đó làm an ủi chút, rồi lại nói dối:

- Thật. Chắc tháng sau anh lên trên ấy rồi.

Lê Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục