Người chờ tàu

Người chờ tàu

Tháng ba. Trời yên. Nước biển trở mình xanh trong. Con sông Kinh Ba nhận nước từ cửa Rạch Gốc đổ về, mùa này cũng rợn ngợp một màu xanh nước biển. Nước sông ngăn ngắt thấu muốn tận đáy, nhìn rõ từng đàn cá nâu lốm đốm đen bằng bàn tay xòe của người lớn; thấy mồn một những đám hàu bén ngót bám cứng ngắt trên trụ những ngôi nhà sàn cất dọc theo mé sông, đang há miệng lọc đám sinh vật phù du trôi lơ lửng trong nước.

Đã nghe tiếng kèn inh ỏi từ phía Kiến Vàng vọng về. Kèn của chuyến tàu cao tốc đầu tiên trong ngày, luôn luôn đúng hẹn. Lúc tám giờ sáng.

MH: A.Dũng

MH: A.Dũng

Hai năm qua, Tư Lanh luôn có mặt tại bến tàu đúng 8 giờ sáng để đón chuyến cao tốc đầu tiên trong ngày. Hai năm. Bảy trăm ba chục ngày. Bảy trăm ba chục lần kim đồng hồ chỉ 8 giờ sáng là bảy trăm ba chục lần Tư Lanh luôn chờ đến người khách cuối cùng của chiếc cao tốc bước lên bến. Không lần nào Tư Lanh nhìn thấy cái dáng rắn chắn của Út Hoàng, lặp lại một động tác quen thuộc: từ mũi tàu nhảy một bước đã lên đến trên bến. Út Hoàng biệt xứ cũng vào mùa nước biển trở mình xanh ngăn ngắt như thế này. Hai năm trước, khi trúng đợt tôm sú mẹ, Út Hoàng đem lô tôm xuống cao tốc bảo là đi giao cho mấy mối ruột ngoài tỉnh. Ngoài lô tôm sú mẹ trị giá cả trăm triệu đồng, Út Hoàng còn gom góp tất cả vòng vàng, tiền bạc của hai vợ chồng và một đi không trở lại.

Xứ này, chồng bỏ vợ hay vợ bỏ chồng là chuyện bình thường, không riêng gì Tư Lanh – dân chợ Rạch Gốc nói vậy. Mấy tháng đầu tiên, Tư Lanh còn tức tối khóc lóc, chửi bới. Sau đó thì mượn rượu giải sầu. Khi đã lên đô được gần một lít thì lại thấy rượu sao mà lạt nhách, càng uống càng tỉnh. Tư Lanh không thèm uống rượu nữa. Qua năm thứ hai thì ghiền cà phê đen ở bến tàu mỗi sáng. Cà phê đen không đường, đắng nghét. Tư Lanh ghiền luôn thuốc lá. “Hết rượu đến cà phê, bây giờ còn thuốc hút. Đày đọa tấm thân chi cho khổ vậy Lanh? Thằng Út Hoàng theo vợ bé thì mầy cứ kiếm thằng khác, gái mới ba mươi như mầy thì xứ này còn cả đống thằng muốn lăn vô!”. Bà già Tư Lanh bữa nào cũng cằn nhằn mỗi khi thấy đứa con gái xách đít đi ra bến cao tốc chờ tàu về.

- Con muốn thử hết mấy thứ đó coi có gì hấp dẫn mà đàn ông họ mê chết lên chết xuống, chớ có đày đọa gì đâu má!.

- Vậy sao mày không thử có thằng khác lúc Út Hoàng bỏ mày? Nghe lời má, quên cái thằng bạc bẽo đó đi con!

Tư Lanh không trả lời bà già, chỉ gục xuống giữa hai đầu gối mặc cho nước mắt cứ chảy dài.

Năm đầu tiên, Tư Lanh còn tính: Nếu gặp Út Hoàng tại bến, mình sẽ không thèm hỏi lý do tại sao anh bỏ tui đi hoặc: anh theo con quỷ cái nào? Mà mình sẽ xông thẳng tới và tát túi bụi vô mặt Út Hoàng. Sau đó móc lá đơn ly dị đã viết sẵn cất trong túi ra, kêu Út Hoàng ký vô. Chuyện sau đó sẽ có tòa án giải quyết. Năm thứ hai, Tư Lanh thấy chán cái dự định đầy bạo lực đó nên vò lá đơn ly dị đã rách thả xuống sông. Nếu mà có Út Hoàng ở đó, Tư Lanh cũng điềm nhiên như không, Tư Lanh sẽ rút gói thuốc trong túi ra mời Út Hoàng một điếu, thủng thỉnh mời anh vô quán uống ly cà phê đen không đường – thứ mà cả đời Út Hoàng chưa từng nếm thử vì sợ đắng. Bây giờ, Tư Lanh lại thấy điều đó cũng không cần thiết nữa. Tỷ như, gặp lại Út Hoàng thì đã sao? Vậy nên, tròn 2 năm, Tư Lanh cũng bỏ luôn cà phê đen không đường, cai luôn thuốc lá. Nhưng không sao bỏ được thói quen chờ cao tốc lúc 8 giờ sáng.

“Bộ mày còn thương thằng Út Hoàng nhiều lắm hả Tư?” - Hai Yến, chủ quán nước từ 2 năm qua đã quen mặt với Tư Lanh từ những buổi sáng chờ cao tốc, hỏi. Hai Yến cũng bị chồng bỏ nhưng khác với Tư Lanh là Hai Yến đã bắt quả tang tại trận để trút trận đòn thù lên cả hai bằng một ca a xít. Sau khi ra tù, Hai Yến trôi dạt về chợ Rạch Gốc mướn một chỗ bán quán nước cho khách chờ tàu. Hiện nay, Hai Yến đang cặp với một tay chủ ghe biển có bà vợ ghen như quỷ sứ.

- Thương? Là sao? - Tư Lanh hỏi lại.

- Thì trong bụng mày còn nhớ nhung gì thằng đó không?

Tư Lanh lắc đầu.

Hai Yến trố mắt:
- Không thương sao tới bây giờ còn ngồi đây chờ nó?

- Em đâu có chờ nó, em chờ cao tốc!

- Chờ cao tốc làm chi?

- Không biết. Chỉ chờ, vậy thôi! Tư Lanh đáp cộc lốc.

Hai Yến tuyên bố với dân chợ Rạch Gốc, chắc như đinh đóng cột: Con Tư Lanh bị điên, điên vì chồng bỏ!

Sau khi chờ cho người khách cuối cùng lên bến, Tư Lanh trở về nhà lo cơm nước. Ăn uống xong lại đội nón đi qua mấy nhà làm nghề lưới cá lẹp để vá lưới mướn. Tới con nước thì đi lựa cá, tôm cho ghe đáy hàng khơi… Khi không còn ai thuê mướn nữa lại lãnh vé số bán lòng vòng chợ, mỗi ngày cũng bán được trên trăm tờ, đủ để hai mẹ con đắp đổi qua ngày.

Mùa này tôm cá nhát không dám đi vì nước trong xanh, nhìn tuốt luốt từ trên xuống dưới! - Mấy chủ đáy sông than thở khi đóng đáy giở lên toàn lá đước với trái mắm. “Phải chi con người ta cũng nhìn thấu từ trong ra ngoài như nước mùa này thì hay quá!”. Tư Lanh nói một câu bâng quơ, sau đó lại ngẫm nghĩ: Thấy tuốt luốt ruột gan, phèo phổi và cả ý nghĩ nữa… thì sao ta? Chắc lúc đó chán lắm, ai cũng khỏi muốn chồng muốn vợ gì nữa. Rồi Tư Lanh bật cười với ý nghĩ điên điên của mình mặc kệ mấy cặp mắt soi mói của những người lựa cá xung quanh. Chắc họ đang cho rằng: Con Tư Lanh sắp nổi cơn điên.

“Từ hai bàn tay trắng rồi có của ăn của để thì đùng một cái: thằng chồng ôm của bỏ nhà đi. Không theo vợ bé mới là lạ. Nhưng cũng có thể Út Hoàng không theo vợ bé mà về với vợ chính thức thì sao? Sao nói vậy? Vì từ lúc ở với nhau tới giờ, con Tư Lanh có biết nhà cửa hoặc mặt mũi ai ở bên chồng đâu? Có khi trôi dạt về đây, làm lụng được một thời gian có tiền rồi thì nó lại trở về xứ, còn con Tư Lanh xứ mình chỉ là vợ tạm, giải khuây trong lúc xa nhà”. Tư Lanh đã quen với việc mình là đề tài chính trong những dịp tụ tập như thế này. Lâu dần, cứ tưởng họ đang nói về một Tư Lanh nào khác chứ không phải Tư Lanh vợ Út Hoàng ở cái chợ Rạch Gốc ngó ra đã thấy biển này.
Chuyện không còn gì để kể nữa, nếu như không có một ngày, do tình cờ Tư Lanh lật lại mấy cuốn sổ ghi chép việc buôn bán của Út Hoàng. Trong đó, rơi ra một bức thư, là nét chữ của Út Hoàng, mực như còn chưa ráo:

“Gửi Tư Lanh!
Đáng lẽ anh không làm cái việc thất đức này: đó là bỏ em mà đi! Nhưng không còn cách nào khác vì anh không thể sống đến già đến chết ở cái nơi tuy gọi là chợ nhưng thực ra là một ốc đảo không hơn không kém. Nhìn ra là đã thấy rừng, thấy biển, nước mặn vây tứ bề. Con người vừa thô kệch vừa suồng sã lại ám đầy mùi cá mắm cứ như vừa bước từ dưới biển lên từ mấy trăm năm nay, vẫn vậy. Anh không muốn, sau này mình sẽ trở thành một trong số họ. Số tiền anh mang theo, một nửa là của em, anh mượn tạm, sau này sẽ tìm cách trả lại!
Ký tên: Út Hoàng”

Lá thư đó, Tư Lanh đem ra thả xuống sông, chỗ bến cao tốc, trong lúc chờ tàu. Lá thư nửa chìm nửa nổi, lờ đờ dưới làn nước trong vắt nên Hai Yến nhào xuống, vớt được. Sau đó, đem phơi nắng cho khô rồi dán trên vách quán, ai qua cũng tò mò dừng lại để đọc. Họ thấy: lá thư đó không phải gửi cho riêng mình Tư Lanh nữa mà hình như gửi cho tất cả họ, cho cư dân ở cái chợ Rạch Gốc này. Nên khi đọc xong, không ai bảo ai, tất cả đều dòm thẳng xuống chiếc cao tốc đang cập bến, tìm Út Hoàng – người có thói quen nhảy bước một từ mũi tàu lên bến để “mỗi người đấm vài đấm cho bõ ghét”.

Chuyện này do bạn của tôi kể lại trong lúc đang chờ chuyến cao tốc đầu tiên về Rạch Gốc. Người này nói thêm: Khi về tới bến Rạch Gốc, ngó lên cái quán trên bến thấy người phụ nữ nào nhìn xuống tàu nhưng không có vẻ đợi ai thì đó là Tư Lanh. Còn Hai Yến chủ quán hả? Bị bà vợ tay chủ ghe biển tạt a xít vô mặt, bỏ xứ đi đâu không rõ!

Và y còn khuyên tôi một câu: Đợi tàu cập bến rồi hẵng bước lên từ từ, đừng bao giờ nhảy thẳng một cái từ mũi lên bến, dễ làm cho dân ở đó nhận lầm mình với Út Hoàng lắm!

LÊ MINH NHỰT

Tin cùng chuyên mục