Dưới bóng cây trâm tỏa mát một góc phố, đó là đất sống của Tú xe ôm. Anh nằm ngửa trên xe, đầu gối lên yên, hai chân gác lên ghi đông, đánh một giấc dài sau những cuốc xe hàng chục cây số trở về. Bóng cây mát rượi hơn cả máy điều hòa nhà hàng hạng sang. Hình ảnh đó đã quen mắt với những người thường qua đây.
Lãnh địa này Tú thiết lập từ khi dời nhà về Phú Nhuận tiếp tục cuộc mưu sinh của người bán mồ hôi, để đắp đổi cuộc sống nhọc nhằn của hai vợ chồng và hai đứa con đang theo học trung học phổ thông. Cũng may là vợ anh có thêm nghề bán cá ở cái chợ chồm hổm trong hẻm nên cuộc sống gia đình tạm đủ cái ăn cái mặc.
Dưới gốc cây, dạo này lại thêm vài chiếc xe ôm đến chia sẻ chén cơm của Tú. Nhưng không sao, Tú có khách quen đủ giai tầng trong xã hội, từ các bà nội trợ, cán bộ hưu trí đến thầy giáo và cả nhà thơ, nhà văn tên tuổi, nhưng tay đã run không còn tự chạy xe một mình... Cánh nghệ sĩ thường có thú đi xe ôm bởi nó vừa tiện lợi, lại được cái miệng tía lia của anh tài xế chất phác cung cấp cho họ khối chuyện thường ngày trong cái thành phố náo nhiệt, muôn mặt, đến tận ngóc ngách cuộc sống tưởng chừng như không có gì đặc biệt.
Thế nhưng lãnh địa cây trâm của Tú những ngày đầu không yên ả, thậm chí có thể dẫn đến xung đột hậu quả khôn lường.
Chuyện “rừng nào cọp ấy” đôi khi lởn vởn trong đầu, nhưng Tú nghĩ không lẽ trong cái thành phố rộng mênh mông này không kiếm đâu được chỗ yên ổn làm ăn.
Dạo đó, Tú chân ướt chân ráo đến đây chọn cây trâm để đón khách, thì cách đó vài trăm mét dưới tán cây bàng phủ kín một vùng có ba bốn chiếc xe ôm cát cứ. Trông bọn họ dữ dằn với những khuôn mặt sạm nắng và tướng tá bụi bặm, ngông nghênh. Có thâm niên tuổi nghề cả chục năm ở vùng bến xe miền Tây, linh tính bảo cho Tú có cái gì bất ổn.
Một buổi sáng, sau khi bươn chải tận vựa cá Tân Thuận đem hàng về cho bà xã kịp bán chợ mai, Tú vừa hổn hển dựng xe bên gốc cây thì một anh từ nhóm xe ôm cây bàng tách ra săm săm bước tới chỗ Tú, tay cầm sợi xích sắt hắng giọng, hơi rượu bay ra ngần ngật:
- Ở đâu mà đến đây, đã hỏi ai chưa?
Tú đứng bên chiếc xe Wave thủ thế giọng ôn tồn:
- Có gì đâu ông anh, tôi thấy chỗ này vắng, lại xa đằng ấy, nên chọn làm nơi đón khách.
Gã kia sùng lên:
- Đất có thổ công sông có hà bá, mày có biết toàn bộ con đường này là lãnh địa của tụi tao làm ăn từ lúc nào không?
Tú nghĩ mình nên nhún nhường, nhưng cũng phải cứng rắn, nếu không bọn họ lấn tới:
- Ông anh đừng vội nóng! Tôi với các anh chở khách cũng vì mình mưu sinh nuôi vợ con, người nhường nhau một chút, có sao đâu. Mấy anh ăn cơm, thì tôi ăn cháo, căng với nhau làm gì. Đường phố là công cộng mà.
Gã nhom nhom kia xem ra không muốn đối thoại mà chực đối đầu, giọng bốc khói:
- Không lôi thôi, biến!
Vừa rin rít gã vừa tung sợi xích có cái ống khóa về phía Tú.
Tú đưa tay bắt được sợi xích, giật mạnh làm gã ngã dúi, suýt đập mặt xuống nền gạch vỉa hè. Gã vội đứng dậy bỏ chạy về phía “lãnh địa” của mình vừa la to:
- Thôi tụi bay ơi! Hắn là đặc công, tung chưởng độc.
Sau vụ đó, Tú vẫn “bám trụ” gốc trâm, thấy bớt lo, nhưng phải cảnh giác đề phòng. Tuy nhiên, dường như cú giật bất thần làm thức tỉnh đám xe ôm bặm trợn, Tú mạnh dạn đi về phía họ, giữ một khoảng cách vừa phải, lời lẽ hết sức ôn hòa nhưng khẳng khái:
- Mấy anh yên tâm, kiếm đủ tiền đóng học phí cho con tôi sẽ đi chỗ khác, chẳng phiền nhau lâu đâu.
Gã đàn anh trong nhóm lom lom nhìn Tú một lát rồi nói giọng kẻ cả:
- Vậy là mày biết điều, nhưng thôi khỏi. Đất ai nấy cày!
Gốc trâm, nơi Tú đang làm ăn, gần một ngã tư sáng nào cũng kẹt xe, vì ai cũng tranh thủ lách qua nhằm thoát vào con đường gom đường sắt, để ra đường lớn. Nhóm xe ôm cây bàng ngạc nhiên, vì hàng sáng không thấy Tú đâu, chỉ có chiếc Wave đơn độc lầm lùi dưới gốc cây. Những lúc đó Tú tự động đứng ra tự phân luồng cả rừng xe và người nhộn nhạo tiến thoái lưỡng nan. Nếu có tàu hỏa lao tới không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Tú giơ tay kiên quyết bắt những xe trong hẻm ra muốn băng qua đường sắt phải đi theo hướng tay phải ngược lên một đoạn rồi mới quẹo trở lại để đi vào đường gom, hoặc cắt đường sắt theo lộ trình của họ.
Vừa phân luồng, Tú vừa la hét, mồ hôi túa ra còn hơn chạy khách, thế mà hàng trăm xe thoát dần tạo nên sự thông thoát không ngờ. Chỉ mươi phút sau là tình hình giao thông tại ngã tư trở lại bình thường.
Chuyện như thế diễn ra hàng sáng, đến đỗi nhiều người đi đường quen mặt và dành cho anh nụ cười thân thiện. Lưng áo Tú mặn chát, bạc phếch thêm nhưng gương mặt vẫn thanh thản, vô tư… Lúc này cánh xe ôm vốn hiềm khích mới phát hiện “cảnh sát giao thông” xe ôm Tú đang tả xung hữu đột trên mặt đường. Họ ồ lên: Thằng cha Tú vậy mà lì, muốn trở thành hiệp sĩ và họ vỡ ra vì sao chiếc xe Wave lại đứng một mình dưới gốc cây mỗi buổi sáng. Thế có nghĩa là hắn ta mất đứt mấy cuốc xe ôm. Gã đầu nhóm nói một câu khiến mấy đàn em há hốc: “Thằng Tú thế mà khá, giải tỏa tắc đường thì tụi mình cũng được hưởng xái, nhưng để một mình hắn làm sao xuể!”. Cả bọn cùng “ôkê” rồi lên tiếng tán đồng, vỗ tay đôm đốp.
Bây giờ đến lượt Tú ngạc nhiên, không phải chỉ mình anh đứng ra phân luồng giao thông mà nhóm xe ôm trước đây có ý tranh giành lãnh địa với anh cũng “xuống đường” hô hào, hướng dẫn người chạy xe mỗi khi tắc đường, hoặc có chiều hướng “nguy cơ” kẹt xe. Vậy là các “hiệp sĩ” xe ôm và các chiến sĩ cảnh sát giao thông cùng sát cánh bên nhau, góp phần giữ gìn trật tự đường phố. Hình ảnh đó dần quen thân với mọi người.
Mất nhiều cuốc xe, có khi cả sáng lẫn chiều vào giờ cao điểm nhưng Tú không cảm thấy mình thua thiệt mà lại thấy vui về việc làm của mình và các “đồng nghiệp” xe ôm. Anh còn nghe nhiều “hiệp sĩ” xe ôm ra tay bắt cướp, thật đáng nể! Xứ mình thời nào cũng có những Lục Vân Tiên “giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”.
Tú lại nằm ngửa lên con ngựa sắt yêu quý của mình ngủ ngon lành, để lại bật dậy phóng đi lao lách trong mê hồn trận giao thông thành phố. Vừa chở khách vừa kể đủ thứ chuyện trên đời. Có những chuyện mà cánh nhà văn, nhà báo chưa bao giờ biết tới.
Lam Giang