Mùa khô nắng nóng hay mùa mưa dầm dề, giá rét cũng vậy, cứ quãng bốn năm giờ sáng thì nghe trong gió, trong mưa vang lên tiếng rao bánh chưng nóng của một cô gái nghèo nào đó. Tôi chợt thức dậy, ra ngõ, đón mua vài cái bánh ăn sáng. Cũng có nhiều người bán quà sáng nhưng họ chở hàng bằng xe máy, xe đạp. Khi nghe tiếng rao, mình ra đến ngõ xe họ đã chạy xa, gọi mua không kịp. Riêng cô gái này xách giỏ bánh chưng đi bộ thì tôi đón kịp. Cô bé có khuôn mặt xinh xinh nhưng da ngăm của người lao động. Chắc cũng bằng tuổi cháu nội tôi đang ngồi ghế đại học. Tôi hỏi:
- Cháu tên gì?
- Thưa cháu là Na. Ông lấy mấy cái ạ.
- Một đôi. Chỉ có hai ông bà già thôi mà cháu.
Na lấy trao cho tôi. Hai cái bánh vuông vắn, luộc chín rồi mà lá vẫn xanh màu cỏ. Mang vào nhà, vợ tôi cùng ăn và khen: “Bánh nấu nhừ, dẻo. Thịt ba rọi, đậu xanh làm nhân có tiêu hành lại có ít lá cơm nếp nên thơm ngon. Lúc nào mình có việc nhà, đặt họ nấu cho vài chục cặp. Tiện đấy”.
Ăn bánh mãi thành quen. Cứ sáng nào cũng mua một cặp. Nhiều sáng tôi thức dậy, nằm chờ nghe tiếng rao. Nhưng cũng có hôm không nghe tiếng Na. Tôi lo: “Chắc cô bé bệnh rồi!”. Lúc tôi ra sân tập thể dục xong, có tiếng Na gọi ngoài cổng: “Ông ơi!”. Thì ra Na đi qua nhà tôi từ rất sớm. Nhưng sợ tiếng rao làm tôi mất ngủ. Bây giờ bán đã hết bánh quay trở về lối cũ, mới ghé gọi tôi lấy bánh. Na nói: “Bán xong từ sớm nhưng cháu vẫn để dành ông bà một cặp đây”.
* * *
Mùa mưa đi, mùa khô đến. Ngày tháng cứ trôi qua. Na vẫn tay xách giỏ bánh, chân bước vẹt mòn dép nhựa. Sáng sớm bước cùng tiếng rao, gần trưa lặng lẽ mệt mỏi bước về. Tôi đứng trong ngõ tỉa cành mấy cây cảnh ngó ra đường, Na đang rảo bước trở về. Có những hôm Na bán hết bánh về sớm, tôi gọi cháu vào uống nước. Có vẻ khát, bởi bán xong mấy chục bánh, Na cũng phải đi vòng vèo hàng chục cây số.
Nhìn Na ngồi xuống thềm uống nước, tôi cảm thấy thương cháu. Cái nón lá cháu đội đã sờn, vành xác xơ. Chiếc áo màu sậm kèm vài miếng vá cũng sậm màu. Chắc nhà Na nghèo nhưng nói năng lễ phép. Hỏi gì trả lời nấy, lời lẽ mạch lạc. Cháu gái tôi đang ngồi ghế đại học cũng xấp xỉ cái tuổi trẻ căng tràn nhựa sống của Na, nghĩ bụng: “Cháu nội mình đi học bằng xe máy, luôn được ăn no, mặc đẹp”, càng liên hệ đến Na, mà thương.
Cứ mỗi lần Na ghé lại, tôi hỏi cháu chuyện làm ăn sinh sống mà biết được, hiểu được phần nào chuyện nhà của cháu.
Bố Na tên Hải, mẹ tên Hà. Bố quê gốc Phú Hữu, trước 1954 là du kích chống Pháp ở Bưng Sáu Xã, nằm ven sông Sài Gòn. Sau Hiệp định Genève, Hải tập kết ra Bắc, được bổ sung vào bộ đội công binh, theo đơn vị đi làm đường ở Tây Trang. Đường làm dở dang thì bên Lào, Mỹ nhảy vào lập ra lực lượng “đặc biệt” gọi là quân Mẹo Vàng Pao. Bọn thổ phỉ này đánh phá ác liệt vùng Sầm Nứa, Phôngxalỳ. Bạn Lào kêu gọi Việt Nam qua giúp. Đơn vị của Hải tạm bỏ cuốc xẻng, cầm lấy súng đi đánh Mỹ giúp bạn. Trước khi đi, Hải dặn lại Hà: “Em ở nhà chăm sóc vườn na, giúp bố mẹ. Mùa na chín năm sau, nếu còn sống, anh sẽ trở về Tây Trang cưới em”.
Hà ở nhà đợi chờ. Hết mười mùa na chín. Rồi hết mùa xuân, đến đầu hạ năm 1975, anh lính tình nguyện từ Sầm Nứa trở về Tây Trang thiếu một chân, mù một mắt. Hà ôm lấy người yêu khóc hết nước mắt nhưng vẫn quyết tâm lấy Hải làm chồng. Sau đám cưới một năm thì Hải đưa Hà về quê. Bố mẹ Hải đã qua đời, căn nhà và mảnh vườn cũ được xã giữ gìn trao lại. Hai vợ chồng bàn nhau phải ở lại mái nhà xưa của ba má để lại mà trông nom vườn tược, thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Sống bằng đồng tiền phụ cấp thương binh không đủ. Hải chống nạng ra giúp vợ cuốc vườn. Nhờ quen với cách làm vườn trồng na ở Tây Trang, Hà mua cây giống về lập vườn. Gắng mãi, hơn ba chục cây mãng cầu ta mà ở Tây Bắc quê Hà gọi là cây na đã bám đất trụ lại được. Nhớ lại chuyện xưa, cũng nhờ vườn na, quả na mà Hải - Hà bén duyên nhau. Anh bộ đội cầu đường đi làm dân vận quen cô gái trồng na. Vào một mùa na chín, Hải bị sốt rét rừng, Hà mang chục na đến thăm. Từ đó họ cảm thấy không thể thiếu nhau. Nhưng rồi phải mười năm chờ đợi, Hà mới đón được người tình từ mặt trận Thượng Lào trở về. Hai người cưới nhau rồi đem nhau về Bưng Sáu Xã ven sông Sài Gòn.
Có vườn na, đến mùa na chín, Hà xách giỏ na ra ngồi chợ, cũng kiếm được ít tiền phụ vào bữa cơm nhà. Nhưng rồi sáu năm sau khi trở về Phú Hữu, Hải - Hà mới sinh được cô con gái đầu lòng, đặt tên là bé Na. Bận con mọn, Hà không chạy chợ được. Hải thì mảnh đạn trong xương trỗi dậy hành hạ, nằm một chỗ. Thanh niên trong thôn thay nhau đến giúp Hải chăm vườn na. Bà Ba Bánh Chưng hàng xóm của Hà, đến bày vẽ cho Hà bí quyết nấu bánh chưng và bày bán tại nhà. Bà Ba nói: “Má già rồi. Nghỉ nấu bánh, nghỉ bán từ lâu nhưng khách ăn quen vẫn tìm đến hỏi hoài. Má vẽ cách cho con, má sẽ qua phụ giúp con”.
Từ đó, thương hiệu “Bánh chưng Bà Ba” được phục hồi. Khi bà Ba qua đời thì Na tròn mười tuổi. Hải đã già lắm, vết thương cũ hành hạ nhưng vẫn giúp vợ gói bánh. Hà thức đêm nấu bánh, ngồi canh nồi bánh kịp chín trước lúc trời sáng cho Na mang bánh đi bán dạo. Thế là, Na đã giúp đỡ ba má được việc rồi. Học buổi chiều, sáng đi bán bánh. Cứ thế mà trôi theo thời gian. Các trường Na đến học, biết hoàn cảnh của Na, các thầy cô giáo cũng thu xếp cho Na vừa được học, vừa phụ giúp được gia đình.
Có hôm bánh bán xong sớm, Na ghé vào chơi với vợ chồng tôi được lâu hơn. Hôm ấy, tôi thấy nét mặt buồn buồn. Na chợt hỏi tôi: “Ông ơi! Nước Lào ở phía nào ông?”. Tôi nói: “Cháu cứ nhìn phía Tây, nơi mặt trời lặn, nơi đó có nước Lào”. Mắt Na bỗng sáng lên, nói: “Thảo nào!”. Thấy tôi ngơ ngác, Na nói tiếp: “Thảo nào ba cháu hay chống nạng ra đứng trước sân, nhìn phía mặt trời lặn hoài”.
Rồi Na kể về người cha lúc tuổi già tính nết luôn thay đổi, thường hay buồn. Có những hôm khi vui Hải hát những bài gì Na không hiểu lời ca nhưng điệu ca làm người nghe day dứt, bâng khuâng. Nghe buồn hơn cả giọng ca cải lương Nam bộ mình. Na hỏi, ba nói đó là những bài dân ca Lào. Nơi đó, ba đã để lại một chân và một mắt. Nơi đó, hàng chục người bạn, hàng trăm đồng đội của ba đã hy sinh nằm lại, không về. Ba ước mơ trở lại thăm đất nước đó, thăm các ông bố, bà mẹ, người chị đã cưu mang, che chở, nuôi nấng ba và đồng đội của ba trong những ngày đánh Mỹ, sống dưới bom đạn ác liệt. Kể chuyện xưa mà bây giờ nước mắt ba vẫn còn rơi. Có hôm ba chợt kêu lên: “Ước gì có cái ra dô vặn đài Pathệt Lào mà nghe!”…
* * *
Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không nghe tiếng Na rao bánh chưng nóng. Vợ tôi nói: “Con bé xinh thế, ngoan thế, ai mà không thương. Chắc nó đi lấy chồng rồi”. Hôm sau, đang ngồi ăn sáng với tô mì tôm, tôi nói: “Ước gì có cái bánh chưng nóng của cháu Na”. Bỗng ngoài ngõ có tiếng người gọi: “Ông Tư ơi!”. Đúng giọng bé Na hồi trước rồi. Vợ chồng tôi ra mở cổng, Na bước vào với nét mặt xinh đẹp, rạng rỡ, trao cho tôi cặp bánh chưng nóng. Vẫn là cặp bánh chưng vuông vắn, với lá gói xanh màu cỏ. Vợ tôi rối rít hỏi lý do sao vắng mặt quá lâu, làm ông bà nhớ cháu, lại nhớ bánh. Na chỉ cười. Đến lúc vợ tôi lấy tiền ra trả, Na nói: “Không phải trả tiền đâu bà ơi! Lần này cháu biếu ông bà. Cảm ơn ông bà đã giúp mua bánh cho cháu suốt mấy năm gia đình cháu còn khó khăn. Nay cháu đã tốt nghiệp đại học, đã có việc làm ở một cơ quan trong thành phố rồi”.
Thì ra không phải Na đã đi lấy chồng. Những chiếc bánh hôm ấy Na mang đến, tôi hiểu ra đó là bánh đặc biệt nhà Na gói để “tri ân khách hàng quen”.
Tôi nhớ, lúc chào chúng tôi bước ra về, Na còn quay lại nói nhỏ với tôi: “Tháng lương đầu cháu đã mang về hết cho má Hà. Chỉ trích lại mua cho ba Hải cái đài bán dẫn để ba mở nghe tiếng nói của những buổi phát thanh Pathệt Lào. Ba Hải cháu vui mừng lắm ông ạ”. Không phải chỉ bố của Na mừng, mà vợ chồng tôi cũng rất mừng. Tôi nhìn theo bóng Na khuất sau bờ hoa bằng lăng tím ven đường mà trong tai tôi như còn vẳng đến tiếng rao thân thương của bé Na ngày nào: “Bánh chưng nóng đây!”…
TRẦN TRIỆU PHONG