Mùa thi

Mùa thi

Sài Gòn mưa. Cơn mưa như gáo nước dội lên áo quần, nhíu nhít khó chịu. Huơ tay ngoắc một chiếc taxi lụi. Cười ruồi với gã tài xế non choẹt: Kiếm cho cái khách sạn ở trung tâm Thủ Đức sạch sẽ, thoáng mát nhưng phải rẻ tiền!

Gã trố mắt tưởng gặp người ngoài hành tinh.

– Ở quê, đừng chạy lòng vòng mà tội nghe bác tài.

– Đưa con đi thi à.

– Ừa

– Yên chí, tất cả vì mùa thi, vì nhân tài cho đất nước mà.

– Cảm ơn… ông địa. Tiếng ông địa nói lí nhí trong họng.

Minh họa: MAI KHANH

Minh họa: MAI KHANH

Từ quốc lộ 1 vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên chưa đầy ba cây số ngốn năm chục ngàn, đi tong hai mươi ký lúa. “Bà thông cảm, mất một chuyến tài”. Chẳng tìm đâu một khách sạn ra trò, dăm nhà nghỉ ọp ẹp, giá cả trên mây. Cũng tại mình muốn có chút riêng tư chứ ở ký túc xá sinh viên: mười ngàn một thí sinh, hai mươi ngàn một phụ huynh nghe ra rất dễ chịu. Khổ nỗi chật chội, ồn ào. Mẹ gái già, con gái trẻ, cứ như người từ cung trăng, lơ ngơ lác ngác. Yếu tim mà nằm trên cái giường tầng ấy chắc không ổn. Đành thôi. Nhà trọ hai trăm ngàn một đêm: hai ghế bố, một quạt máy, một bàn cầu bệt. Đành chịu. Đủ thứ không: không nước nóng; không bàn chải; không kem đánh răng, khăn tắm, dép lê; không điện thoại, ti vi, tủ lạnh. Tự an ủi mình. Thôi thế cũng được. Yên lặng cho sắp nhỏ ôn bài.

Ở khu phố ổ chuột này thượng vàng hạ cám gì cũng có. Từ cọng rau cho tới bữa nhậu linh đình. Từ cà phê, cơm, phở, bánh mì cho tới tiệc tùng cao lương mỹ vị. Từ đàn gáo, đàn cò cho tới karaoke máy lạnh, em út, đèn mờ. Từ điện thoại bàn đến điện thoại cầm tay, đến internet, đến bốn mắt nhìn nhau trào nước mũi cứ nhan nhản khắp ngõ tối, hang cùng.

Giá cả cũng rất sinh viên: mười ngàn một bát phở, một đĩa cơm, một tô cháo thịt… Tưởng bở, con cái chắc sống ở đây được, học hành ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp, phố ra phố. Nào ngờ. Trước hôm thi một ngày giá cả tăng gấp đôi, ngay ngày thi giá tăng gấp ba. Chửi lộn với chủ quán ư? Không dám. Nghe nói nơi này đáo xứ anh hùng. Không hộ khẩu, hộ tịch. Nhà không số, phố không tên. Khu vực giải tỏa mà. Đành im thin thít.

Một bát phở giá bằng tám ký lúa, ăn vào no hoài.

Nhà trọ tôi ở là quán karaoke đối diện cổng trường, có mười ba phòng. Bà chủ rất biết thu nhập trong mùa thi nên chuyển đổi giới tính karaoke thành phòng trọ một cách “ khoa học tự nhiên” như cái tên trường trước mặt. Ba ngày tha phương cho con quen khí hậu để thi sao mà dài thê thiết, rồi cũng qua đi.

Con vào phòng thi, mẹ như lửa đốt. Chẳng kiến cắn mà nổi gai cùng mình. Suốt ngày dưới nắng bỏng, rồi có lúc mưa bất chợt ầm ào, người cứ như con rối, hết đứng ngóng lại ngồi trông. Lật đà, lật đật. Thấy con ra mừng hết lớn:

– Làm được không con?

– Năm mươi phần trăm.

Nghe, phát hoảng. Không dám biểu lộ thất vọng sợ con nản chí. Giả bộ cười. Méo xệch. Nghĩ đến Brazil, Argentina giỏi thế mà còn bị loại khỏi cuộc chơi bốn năm mới tổ chức một lần, đỡ tủi. Đằng này, sang năm “đến hẹn ta lại lên” nếu hôm nay con mình đậu gốc mù u. Học tài thi phận mà. Cùng lắm cũng như cụ Tú. Thi hoài, rớt hoài. Thì mình lại như bà Tú: “Quanh năm buôn bán ở mom sông…”. Lỡ cuốn gói lên đường về nước, cũng chịu, con mình đã cố gắng hết sức rồi. Lực bất tòng tâm. Ta về ta tắm ao ta. Ôi, cái ao ta sao mà nông đến thế. Những cái trường đại học quê ta sao mà xa lạ với cánh học trò bản xứ đến thế. Cũng cái tấm bằng tốt nghiệp với con dấu đỏ chót nhưng người ta chỉ liếc dọc, nhìn ngang qua loa rồi để đó. Tính sau. Cử nhân không có việc làm. Kỹ sư hành nghề trái tay. Đại học ngồi xếp văn thư cũng xót. Thảo nào, bọn trẻ cứ khăng khăng chui đầu vào các trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, Sài Gòn chỉ mong ra đời có cái việc làm. Cố bám lấy mảnh đất kinh kỳ, để rồi, trăm người trụ một, sự sàng sảy khắc nghiệt. Làm cha mẹ có bao giờ được yên khi mà con cái xa nhà, trăm thứ cám dỗ, nghìn thứ cạm bẫy. Bạc đầu còn sa ngã, huống hồ… học trò.

– Về, học cao đẳng cũng được con à.

– Ra, làm gì hở mẹ.

– Ừ nhỉ, chẳng lẽ cuốc đất. Con trai còn lăn lóc được. Đằng này, con gái, quả khó tò te.

– Thôi thì tùy con, mẹ chẳng biết tính gì.

– Ôn lại nghe mẹ.

– Cũng được. Phải cố lên, không được nản.

Đành thi trường đời với con thôi. Phía trước tôi là khoảng trống bao la, vô tận. Biết rằng “có công mài sắt có ngày nên kim” nhưng vẫn cảm thấy một con số không to tướng vắt ngang qua bầu trời u ám, che hết cánh đồng chân rạ. Con sông làng đang mùa hạn, ếch nhái thiếu chỗ sân si rủ nhau về xuôi theo đám lục bình để lại cái im lặng đáng sợ cho ngày hạ. Chỉ có tiếng ve sầu đan chằng chịt phía rặng phi lao xa xa, khi trầm, khi bổng, khi tấp nập, khi nhát gừng. Chiếc lá lạc rừng từ đâu bay tới. Rơi xuống con đường bụi mù. Chiếc lá cũng mang hình dấu ngã.


 LÝ THỊ MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục