Truyện ngắn dự thi “Con người và cuộc sống hôm nay”

Đạo và đời

Đạo và đời

Lúc Tâm chưa chào đời, cha Tâm đã rượu chè be bét, suốt ngày đắm chìm trong cơn chếnh choáng, chẳng đếm xỉa gì đến nhà cửa, con cái. Vì vậy mà tuổi thơ của Tâm là cả một thế giới nhọc nhằn, ảm đạm. Bạn bè cùng lứa ai ai cũng có tuổi học trò trong veo, hồn nhiên và vô tư. Còn Tâm, mới 10 tuổi đầu đã phải bươn trải kiếm sống từ bán vé số, bán chuối nướng cho đến làm “ô sin” lau nhà, rửa chén và giặt giũ... Tối đến còn phải ra chợ lượm mót rau cải và lấy cặn cơm về cho mẹ nuôi heo.

Năm tháng nghiệt ngã trôi đi, Tâm đã gánh vác không biết bao nhiêu công việc nặng nề, có lúc chắt mót được vài chục ngàn đồng để mua sách vở thì bị cha đón đường vét túi. Lúc thiếu rượu, cha nàng sinh ra lắm lời, uống xong lại lè nhè gây sự, cãi cọ rồi quay quắt bỏ đi. Thế nhưng, Tâm vẫn kiên trì chịu đựng cho đến hết cấp 3 nhưng rớt đại học, năm sau thi lại mới đậu vào khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ. Thế là Tâm phải rời quê ra thành phố sống chung với bạn bè ở ký túc xá.

Thời gian 4 năm ở đại học quả là một thách thức lớn đối với Tâm. Nhiều lần Tâm đã quỵ ngã tưởng chừng như không đứng dậy nổi nhưng nhờ có sự động viên an ủi và giúp đỡ của bạn bè, thầy cô giáo, nhất là các vị sư trong chùa đã tiếp thêm sức mạnh cho Tâm vượt qua những đoạn đường chông gai đầy nghiệt ngã.

Từ khi vào đại học, Tâm không có điều kiện bán vé số nên cuộc sống vô cùng túng thiếu, mỗi bữa cơm chỉ có rau luộc chấm tương. Nhiều lúc Tâm phải nhận giặt ủi quần áo cho một số bạn bè nội trú, tối đến lại phụ rửa chén cho một quán ăn. Đến lúc nghỉ hè thì tận dụng quỹ thời gian để dạy kèm học sinh, nhờ vậy mà Tâm đã vượt qua được những năm tháng ngặt nghèo.

* * *

Sau khi tốt nghiệp ra trường, Tâm chạy đôn chạy đáo khắp nơi xin việc nhưng đến đâu cũng nhận được lời hứa: “Khi nào có nhu cầu chúng tôi sẽ thông báo”. Chờ mãi không được, cuối cùng Tâm xin vào làm thư ký cho một công ty tư nhân nhưng chỉ được vài tuần thì xin nghỉ việc vì ông giám đốc có cử chỉ suồng sã, làm tổn thương lòng tự trọng của Tâm.

Nhiều lúc Tâm cảm thấy chán nản muốn khép kín cuộc đời bằng cách nấp vào cửa từ bi cho tâm hồn yên tĩnh. Nhưng ngày nào Tâm cũng bị mẹ bắt lấy chồng. Trước sức ép ngày càng gay gắt, Tâm buộc phải nghe lời mẹ nhận lời kết hôn với một người đàn ông giàu có. Nhưng trước ngày tiến hành lễ cưới, Tâm đã bị một phụ nữ lạ mặt chặn đường đánh một trận nhừ tử. Khi hỏi ra mới rõ cô gái đó là tình nhân cũ của ông chồng chưa cưới đánh ghen. Cơn sóng gió đi qua càng giúp cho Tâm hiểu rõ hơn cuộc đời này chẳng khác nào một vở kịch, nếu mình không hiểu được cốt truyện thì sẽ hứng chịu mãi khổ đau. Tâm mạnh dạn chống đối mẹ:

- Tại sao mẹ lại ép con lấy chồng? 

Mẹ Tâm tức tối, sự phẫn nộ có lúc oà vỡ:

- Con nghe lời mấy ông thầy chùa để dạy đời mẹ đó hả! 

Tâm chỉ ngồi lặng thinh, nước mắt chảy ròng ròng.

* * *

Trời chiều, trong cái se lạnh của núi rừng Cấm Sơn, thỉnh thoảng vài tiếng gà eo óc gáy càng làm cho cảnh vật thêm tĩnh mịch. Trên con đường khúc khuỷu, gập ghềnh, Tâm lặng lẽ bước đi mà tâm trí cứ miên man suy nghĩ, mãi cho đến khi tiếng chuông chùa ngân vang trên lưng chừng núi, Tâm mới tỉnh thức và tìm đến gặp sư trụ trì.

Tâm kể hết đầu đuôi câu chuyện cuộc đời và việc quyết chí tìm đường tu đạo …

* * *

Trên bước đường gian truân, Tâm bị bao lần vấp ngã nên mẹ Tâm đã nhiều lần lên núi ép buộc Tâm phải trở về. Tâm thưa với mẹ:

- Giờ đây, con chỉ còn có một con đường, đó là nương nhờ cửa Phật. Mẹ hãy tha thứ cho con.

Nhìn mẹ Tâm sụt sịt khóc, nếp nhăn đã hằn sâu trên đôi mắt, vị sư bà đôi mắt từ bi, tay cầm tràng hạt trìu mến và độ lượng nói với đệ tử:

- Tốt nhất con nên trở về với mẹ. Trên đời không có gì bổ dưỡng bằng tình thương con à ! Tâm là Phật, Phật là tâm. Tâm an tĩnh đó là niết bàn. Nếu con tiếp tục cố chấp, tự ngã, thay vì tìm sự thanh thản, an lạc, rốt cuộc con sẽ gặp toàn phiền toái và điên đảo. Con hãy làm theo những điều Phật dạy bằng cách ngâm mình xuống đại dương để sóng nhân từ làm lành các vết thương đau. Đợi khi nào ném bỏ hết gánh nặng lo âu, duyên trần chấm dứt con hãy quay lại chẳng muộn. Lúc đó con mới có thể phát sinh vô thượng bồ đề. Còn bây giờ dù con có cưỡng cầu cũng vô ích bởi vì con đã từng can tâm làm thân “lữ khách” dừng chân từ cửa thiền này đến cửa thiền khác để tìm giải thoát nhưng đến đâu cũng không định được tâm thì sao tránh được phiền não? 

Tâm cúi đầu yên lặng thật lâu ...

* * *

Tâm nghe lời sư bà quay về sống chung với mẹ nhưng lúc đầu hai mẹ con có khoảng trời riêng. Hàng ngày, Tâm sinh hoạt như một phật tử tại gia. Có lẽ do ngồi thiền mà Tâm cảm thấy nhẹ lòng, thanh thản và ngày càng nhận ra đâu là chấp mê, bất ngộ. Nhưng để có tiền giúp mẹ, Tâm nhận dạy kèm trẻ em, sau đó mở thêm lớp dạy Anh văn tại nhà. Chính nhờ một lúc khoác hai chiếc áo đạo và đời mà Tâm mới tìm được nơi an trú giống như cây cỏ sau mùa đông lạnh lẽo thê lương đã bắt gặp hơi ấm mặt trời. Tâm ngộ ra rằng đâu phải đến chùa mới trút bỏ được phiền não mà ở bất cứ nơi nào mình cũng có thể tìm được sự an lạc, đúng như Lục tổ Huệ Năng đã dạy: “Phật pháp ở ngay thế gian này, không thể lìa thế gian tìm giác”.

Sau một thời gian thâm nhập và gắn bó với cuộc sống đời thường, nhất là được tiếp xúc với các cơ quan từ thiện, các trại mồ côi, mảnh đời bất hạnh khiến Tâm phát nguyện sẽ thành lập một trại nuôi dưỡng những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Đây cũng là một cơ hội giúp Tâm trở về với suối nguồn an lạc, với niềm thôi thúc cháy bỏng trong tim. Với tấm lòng từ bi, mỗi lời nói, việc làm của Tâm đều phát xuất từ cái tâm nên không bao lâu nhà nuôi dạy trẻ mồ côi đã thực sự trở thành một mái ấm của đại gia đình trẻ không nhà, trong đó có nhiều em bị nhiễm HIV.

Tâm nghĩ, cuộc sống của chúng mong manh như chiếc lá sắp lìa cành, nếu không có những bàn tay từ ái chăm sóc, thuốc men, chúng sẽ chết dần chết mòn trong nỗi đớn đau tột cùng. Công việc tuy nặng nề, vất vả nhưng nguồn động viên cổ vũ lớn nhất đối với Tâm là được nhiều người đồng hành, nhất là những nhà hảo tâm và các nhà thiện nguyện, kể cả bà con Việt kiều cũng nhiệt tình chia sẻ và hứa sẽ trợ giúp lâu dài.

Tâm nghĩ, cuộc đời này sinh sinh hóa hóa như trò đùa, tại sao chúng ta lại làm khổ cho nhau? Nghĩ vậy, Tâm mới tìm cách rước cha cô về để tiếp tục chăm lo cho các cháu. Sau những năm tháng tự giày vò, lòng dằn vặt hối hận, người cha tội lỗi đó đã hồi tâm chuyển ý quay về mái nhà xưa cùng đốt lên ngọn lửa sưởi ấm lại gia đình. Mẹ Tâm cũng thế, hơn nửa cuộc đời trằn trọc, khốn khổ, luôn bị dòng đời lôi cuốn nay đã cởi bỏ hết ưu phiền để hòa nhập vào tình thương yêu và tâm hồn trở nên lạc quan phơi phới.

Hàng ngày, nhìn những đứa trẻ hồn nhiên xinh xắn, nhìn cha mẹ mình làm lành, lòng Tâm cảm thấy tràn ngập ánh sáng từ bi, ánh sáng của tình yêu thương và an lạc đến lạ thường. Trong giây phút đó, Tâm đã chiêm nghiệm được rằng chỉ khi nào mình không còn vấp ngã, cuộc sống mới thật sự yên bình hạnh phúc và đạt đến cõi an vui tự tại.

Tâm cũng cảm nhận được rằng những gì phù phiếm rồi sẽ trôi theo dòng nước, chỉ có tình yêu, lòng độ lượng, khoan hồng, từ bi hỷ xả và trí tuệ mới còn lại mãi mãi như âm vang của tiếng chuông chùa bình an.

Hoài Phương

Tin cùng chuyên mục