Truyện ngắn dự thi “Con người và cuộc sống hôm nay”

Danh họa

Danh họa

Cửa hiệu trang trí, kẻ vẽ khẩu hiệu của tôi và nhà lão đối diện nhau trên một con phố. Lão là nhà điêu khắc nổi danh nên có thể coi đó là một vinh hạnh lớn cho tôi. Nhiều người chỉ được biết lão qua những bức tượng gỗ, những bức phù điêu tuyệt tác qua các cuộc triển lãm hoặc trong các bảo tàng, còn tôi thì có thể hàng ngày hàng giờ được ngắm nghía nhà điêu khắc bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Có người khuyên, đối với văn nghệ sĩ chỉ nên đứng xa chiêm ngưỡng mới cảm thấy ánh hào quang tỏa ra chứ ở quá gần sẽ thấy thất vọng và hoài nghi ngay cả sự ái mộ của chính mình.

Với tôi, điều đó có vẻ hoàn toàn ứng nghiệm. Từng được đọc khá nhiều bài báo ca tụng tài đức của lão như một ngôi sao sáng rực nhưng là người được tiếp xúc với lão khá thường xuyên như tôi thì đúng là ánh hào quang ấy đã hoàn toàn mất tăm. Trước mắt tôi, lão chỉ là một ông già gầy gò, khắc khổ, có phần hơi lẩn thẩn, khó chịu. Khó chịu nhất là tính cách kiêu ngạo, nhìn người bằng nửa con mắt của lão. Nhà lão quanh năm suốt tháng cửa đóng then cài, chẳng thèm qua lại chơi bời với ai. Nhiều khi có khách đến chơi bấm chuông inh ỏi, lão cũng chỉ đứng lấp ló trên hiên cái xưởng điêu khắc tận tầng ba ghé mắt nhìn xuống. Nếu dưới đó chỉ là một vị khách ất ơ thì không bao giờ lão chịu xuống mở cửa.

Từ bên này đường quan sát, chính tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến lão hành xử như vậy. Tuy nhiên, nói thái độ kiêu ngạo, nhìn người bằng nửa con mắt của lão là nói theo cách của những quý bà nhàn hạ chuyên “buôn dưa lê” ở cái phố nhỏ này của tôi, chứ thực ra tôi hiểu chỉ vì lão quá say mê và bận rộn với công việc sáng tạo nên bị người đời hiểu oan mà thôi. Cũng ở trong giới văn nghệ sĩ, cho dù chỉ là văn nghệ sĩ nửa mùa nhưng tôi thấu hiểu điều này hơn ai hết. Dân sáng tác chúng tôi, những lúc cao hứng làm việc thì ông trời cũng bé.

Minh họa: KIM PHIẾN

Minh họa: KIM PHIẾN

Nói vậy có nghĩa là tôi không hề ghét lão, nếu không muốn nói là còn cảm thông với cá tính của lão đôi phần. Có được điều này trước hết là bởi tôi rất khâm phục tài năng của lão. Có điều, bên cạnh sự khâm phục ấy, tôi cũng không giấu là đối với lão tôi không tránh khỏi đố kị. Từ nhỏ, tôi đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Tôi từng say mê ngắm nghía hàng giờ những bức họa của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái và ngầm ôm mộng trở thành một họa sĩ tài năng. Nhưng rồi cuối cùng, mặc dù đã tốn bao công sức và tiền của, trời chỉ phú cho tôi trở thành một anh họa sĩ kẻ vẽ như bây giờ.

Cho đến tận hôm nay dù đã bước vào tuổi ngũ tuần nhưng năm nào tôi cũng vẫn gắng công sáng tác vài bức tranh gửi đến các cuộc triển lãm với những đề tài không hề bé nhỏ nếu không muốn nói là những đề tài rất lớn, vậy mà buồn thay, lần nào cũng bị ban tổ chức trả về một cách không thương tiếc. Còn lão, thì trong làng hội họa cứ như một vị chúa tể sơn lâm, ai ai cũng nể sợ. Mỗi tác phẩm của lão ra đời là y như được nhận giải cao. Điều làm tôi thấy lạ nhất là những bức tượng của lão hầu hết chỉ khắc họa những dáng người mò cua bắt ốc, câu cá, đánh dậm hoặc những người lam lũ kiếm sống trên đường đời.

Nói chung là những đề tài rất vặt vãnh. Hỏi như thế, sao tôi có thể không chạnh lòng. Giá như lão ở xa tít tận nơi nào thì có khi còn trở thành một thần tượng của tôi cũng nên. Đằng này, lão lại ở ngay sát nách. Hơn nữa, lại thường hiện diện trong mắt tôi như một kẻ hết sức xoàng xĩnh. Hình ảnh của lão thì người dân cả cái phố này đều biết rõ chứ đâu phải tôi cố tình thêu dệt. Thì đấy? Các bà chuyên gia “buôn dưa lê” ở phố tôi đã nhiều lần nói bô bô trước bàn dân thiên hạ, rằng “Cái lão... thợ mộc lẩm cẩm ấy có mà là đại họa chứ danh họa danh hiếc gì. Họa sĩ như cái anh Trường kẻ vẽ ở phố mình thì hàng xóm còn được nhờ”.

Họa sĩ Trường tức là tôi đấy. Nói thế, nghĩa là ở đâu không biết chứ ở cái con phố nhỏ này tôi là người có tiếng vang hơn lão. Thành ra những khi có dịp đứng bên lão, tôi thường ưỡn bộ ngực vồng cánh cung của mình lên cùng với ý nghĩ đầy tự tôn: “Ta đây cũng đường đường là một người sáng giá chứ kém chi ai. Sợ đếch gì bố con thằng nào?”. Sống gần lão, có một điều làm tôi luôn nghĩ suy, trăn trở là không hiểu vì sao và làm cách nào mà lão lại luôn có tác phẩm sáng giá đến như vậy.

Nhiều bậc tiền bối đã dạy rằng muốn làm nên tác phẩm có giá trị cần phải đi sâu vào các đề tài lớn, phải thâm nhập vào đời sống thực tế và luôn say mê trong sáng tạo. Cả mấy khoản này, nghĩ cho cùng tôi đâu có thua kém lão, nếu không muốn nói là có phần hơn. Thật quá trớ trêu và kì cục. Trời vẫn cứ phú cho lão những tác phẩm để đời. Chả lẽ ông Xanh lại bất công với tôi đến thế sao?

* * *

Một ngày rỗi rãi, từ cửa hiệu kẻ vẽ, tôi tò mò nhìn sang cái cánh cửa luôn im ỉm đóng kín của nhà lão. Vào giờ này hẳn lão đang sáng tác. Tôi cố ngẩng cổ cũng chỉ nhìn thấy cái chỏm tóc phất phơ của lão lấp ló sau ô cửa sổ tầng ba. Tôi nhún vai tỏ ra khó hiểu. Chả lẽ những tuyệt tác lại được ra đời từ sự tầm thường và đơn điệu như vậy hay sao?

Tôi chợt giật mình vì thấy mụ hành khất dừng chân trước cánh cửa nhà lão. Tôi nhận ra mụ hành khất này là người từng gây ra cho dân phố tôi khá nhiều phiền phức. Không hiểu mụ là một kẻ quá ngu tối hay quá trơ trẽn mà đã vác rá đi xin ăn lại còn dám cho mình cái quyền bấm chuông nhà người ta. Vì vậy, đã không ít lần mụ bị các chủ nhà chửi mắng thậm tệ. Những lúc ấy mụ luôn phân trần thảm thiết rằng mụ sắp chết đói nên buộc phải làm liều như vậy. Chính tôi cũng đã từng bị mụ bấm chuông xin ăn và tất nhiên tôi đã không ngần ngại đuổi thẳng cổ để dạy cho mụ một bài học làm người.

Mụ hành khất ngần ngừ bên cánh cửa nhà lão một lúc rồi kiễng chân bấm chuông. Chà chà? Phen này thì đúng là “kẻ cắp, bà già gặp nhau”. Hãy đợi đấy? Mụ cứ chờ đến mồng thất nhé. Mụ có biết rằng mới mười lăm phút trước đó ông giám đốc sở văn hóa đã phải ngán ngẩm bỏ ra xe sau khi chờ đến mỏi chân chùn gối mà chủ nhân căn nhà ấy vẫn không thèm ra nghênh tiếp.

Tôi thấy nhà điêu khắc ló ra từ trên tầng ba. Tôi thích thú hình dung bộ mặt cau lại vì khó chịu của lão khi nhìn thấy một mụ già ăn xin bẩn thỉu mà dám quấy nhiễu thời gian quý báu của một danh họa. “Sướng thật! Y như một trường đoạn trong một bộ phim bi hài” - tôi khoái chí thốt thành lời.

Một lúc sau, tôi sững người khi thấy cánh cửa nhà lão bật mở. Nhà danh họa xù xù trong chiếc áo bông bước ra. Lão nhìn mụ hành khất hồi lâu, chậm rãi rút ví. Đầu lão gật gật nhẹ mấy cái rồi đặt tiền vào bàn tay run rẩy của mụ. Mụ hành khất nhìn tờ tiền, chợt cúi gập người như lạy sống lão. Nhà danh họa tỏ ra lúng túng đưa cả hai tay đỡ lấy vai mụ nâng lên. Mụ cúi đầu, lùi lại vài bước rồi lầm lủi bước đi. Nhà danh họa nhìn theo, chợt như nhớ ra điều gì, cất tiếng gọi. Mụ hành khất lòng khòng quay trở lại với vẻ nghi ngại. Lão ghé tai nói với mụ vài câu gì đó rồi vào trong nhà. Lạ thật? Không hiểu lão còn định giở trò gì nữa.

Lát sau, tôi thấy lão trở ra, trên tay cầm chiếc áo dạ, hình như là chiếc áo mà vợ lão vẫn mặc. Tôi mở trừng mắt. Chả lẽ lão còn định biếu không cái mụ hành khất trơ trẽn ấy cái áo hay sao. Mà ô kìa? Đúng là như vậy. Lão khoác cái áo vào người mụ hành khất, đầu lại gật gật. Tôi thấy mụ hành khất lấy tay quệt mấy lần lên cặp mắt nhăn nheo.

Đúng là lẩn thẩn? Tôi bật cười. Trưa nay vợ lão về chắc sẽ cho “ăn đủ” vì cái việc trái với lẽ thường của lão.

Tôi trở lại với công việc, cầm cọ quệt từng vệt màu lên tấm biển quảng cáo. Ồ! Mà lúc nãy tôi đang tư duy về chuyện gì thì bị cái mụ hành khất ấy phá vỡ nhỉ? À, phải rồi, tôi đang luận về việc làm thế nào để có những tuyệt tác. Tôi tin rằng nhất định sẽ có một ngày tôi sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Nhất định thế? Vì so với cái lão lẩm cẩm ấy, tôi có kém cạnh điều gì đâu. Lão làm được tại sao tôi không làm được. 

HỒ THỦY GIANG
(Tưởng nhớ nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài)

Hộp thư cuộc thi truyện ngắn

Ban tổ chức cuộc thi nhận được truyện ngắn dự thi của các tác giả: Hữu Tiến (Hội VHNT Cao Bằng), Chu Văn Minh, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Huy Lộc (TPHCM), Nguyễn Anh Sơn, Chử Mạnh Tuấn, Lê Văn Bảo, Nguyễn Thị Thanh Vân (Hà Nội), Lưu Thị Cẩm Vân (Nha Trang), Trần Thu Hằng (Hải Dương), Lê Bá Hạnh, Trần Thái Hưng (Hải Phòng), Thân Thiện Tâm (Lâm Đồng), Trần Hậu Thịnh (Hà Tĩnh), Trần Thị Linh, Nguyễn Văn Hoàn (Thanh Hóa), Phạm Minh Giang (Thái Bình), Kiều Thành Dàng (Ninh Thuận), Phạm Thị Ngọc (Quảng Ninh), Nguyễn Văn Kỷ (Vũng Tàu), Nguyễn Thành Nam (Cần Thơ), Nguyễn Hữu Thành (Tiền Giang), Trần Lưu Hậu (tranluuhau@gmail.com), Nguyễn Ngọc Hà (ngochatvd2@gmail.com).

Chân thành cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi.

Tin cùng chuyên mục