Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế

Ngày 3-10, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (Khóa X) nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khai mạc. Hội nghị thảo luận và thông qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Biến điểm nóng đất đai thành điểm “vàng” sử dụng đất. Đó là vấn đề mà đồng chí Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP phát biểu trong phiên thảo luận buổi chiều.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn được cử tri phản ánh nhiều nhất. Đây được coi là "điểm nóng", là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép, rồi khiếu kiện đất đai kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đất dành cho công nghiệp và dịch vụ theo quy hoạch quá ít, thì đất nông nghiệp bỏ hoang hóa, hoặc sử dụng không hiệu quả lại quá nhiều, cũng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của TP và làm giảm tộc độ tăng trưởng chung.

Từ thực tế trên, đồng chí Trần Hoàng Ngân đề nghị TP nên mạnh dạn và quyết liệt kiến nghị với trung ương cho chuyển đổi mục đích sử dụng của hơn 100.000ha đất nông nghiệp hiện nay sang đất công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị.

Cần có chính sách đột phá trong sử dụng đất đai của TPHCM cho mục tiêu phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng đất có hiệu quả hơn và Nhà nước cũng thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

“Chúng ta vẫn nói đất là “vàng”, là nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp và chính sách để biến đất thành “vàng”. Ngược lại đất lại đang gây ra điểm “nóng”, phức tạp trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại TPHCM”, đồng chí Trần Hoàng Ngân nói.

Cũng liên quan đến công tác quản lý đất đai, đồng chí Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn nêu lại vấn đề “nóng” về đất đai trên địa bàn thời gian qua.

Tại nhiều khu vực, đầu nậu đất và người dân tự ý mở đường, phân lô chia nền, chuyển nhượng trái phép trên các khu đất nông nghiệp. Huyện vừa phát hiện 160ha đất nông nghiệp được chuyển thành đất ở, phá vỡ quy hoạch của huyện Hóc Môn. Đây là vấn đề nghiêm trọng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, phá vỡ quy hoạch đất đai, có dấu hiệu lợi ích nhóm với sự tiếp tay của đầu nậu đất đai.

Đồng chí Nguyễn Cư kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND TP cần thanh tra cho chuyển mục đích sử dụng đất của 160ha đất nông nghiệp, chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm này.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Cư nêu lại vấn đề “nóng” về đất đai trên địa bàn
     Thảo luận góp ý cho 2 báo cáo về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình hành động 26 và Chương trình hành động 25 của Thành ủy TPHCM, nhiều ý kiến đề cập đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần đi vào trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề nóng, bức xúc mà người dân phản ánh. Theo đồng chí Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận, trong thực tế hiện nay nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng trong xã hội nhưng cán bộ, đảng viên không mạnh dạn nêu lên vì sợ cho rằng tư tưởng lệch lạc, thiế niềm tin, có biểu hiện của dấu hiệu “tự diễn biến”. Công tác kiểm tra, giám sát chưa bám với thực tế, ở cấp cơ sở là nơi phát sinh nhiều vấn đề nhất nhưng lại thiếu được giám sát, kiểm tra, để sự việc nhỏ thành lớn khó xử lý.

    Trong công tác kiểm tra, giám sát của thanh tra, đồng chí Nguyễn Long Tuyền, Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP cho rằng có sự trùng lặp về nội dung và phương thức thanh, kiểm tra. Đội ngũ làm công tác kiểm tra, giám sát có nơi cũng chưa đủ sức để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ giám sát chuyên đề.

    Về công tác báo chí tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Long Tuyền lo lắng về đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí chưa được đào tạo, nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, chỉ biết viết bài mà không hiểu được quan điểm lập trường, quy định pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thanh tra.

    Phát biểu thảo luận, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, công tác tư tưởng hiện nay có nhiều vấn đề khó khăn, khi mà mạng xã hội tràn ngập với nhiều nội dung không được kiểm chứng. Có những vụ tiêu cực, tham nhũng dù nhỏ nhưng đã bị mạng xã hội đẩy lên, tạo làn sóng dư luận đã gây hoang mang, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 2 Đồng chí Thân Thị Thư phát biểu tại hội nghị
     Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM phát biểu đề cập đến công tác kiểm tra, giám sát về nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực. Trong đó, trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu năm 2017, UBKT Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy định về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, đã góp phần rất lớn hạn chế sai phạm của cán bộ, đảng viên. 
Trong một ngày làm việc, hội nghị thảo luận, cho ý kiến và thông qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 26-CtrHĐ/TU ngày 26-10-2017 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 26-9-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận báo chí trước yêu cầu mới và báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 26-10-2007 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị Thành ủy. Ảnh: Việt Dũng
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội nghị. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị hội nghị rà soát lại kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đặc biệt là 7 chương trình trọng điểm của TPHCM thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X; phân tích các giải pháp để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đặt ra, trong đó tập trung kiểm điểm “đầu ra” để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt những vấn đề chưa đạt.

Về tổng thể, 9 tháng đầu năm 2017 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) đạt 7,97%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,76%). Dù vậy, theo Bí thư Thành ủy, để đạt được mục tiêu năm 2017 tăng từ 8,4% đến 8,7% đặt ra thì 3 tháng cuối năm phải đạt 9,5%, điều này rất khó thực hiện. Do vậy, TPHCM cần dồn sức quyết liệt cho quý 4 năm 2017, nhưng cũng phải rút ra kinh nghiệm để năm sau thực hiện tốt hơn.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo TP tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: Việt Dũng
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn hạn chế, vì thế cần rút kinh nghiệm để từ nay đến cuối năm, hướng đến Tết Nguyên đán 2018, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phải khắc phục những hạn chế, tạo sự an tâm cho người dân và du khách.

Số liệu các trường hợp xây dựng không phép tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái là điều rất đáng lo ngại. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu hội nghị thảo luận kỹ về vấn đề quản lý trật tự xây dựng ở quận huyện.

Đối với chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 26-CtrHĐ/TU ngày 26-10-2017 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 26-9-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận báo chí trước yêu cầu mới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét TPHCM đã thực hiện nghiêm túc. Đồng chí đề nghị hội nghị dựa vào nội dung tờ trình, các báo cáo để khẳng định các giải pháp dài hạn tiến hành trong 10 năm qua về vấn đề quản lý báo chí, nghiên cứu lý luận, phát triển văn học nghệ thuật, xử lý các thông tin tiếp nhận…

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 5 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: Việt Dũng
Về chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 26-10-2007 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng rất có ý nghĩa. Dù rằng trong 10 năm, Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 2.400 tổ chức đảng cấp dưới có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật 1.053 đảng viên; tuy nhiên hoạt động kiểm tra chưa đủ sức răn đe, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng chí đề nghị hội nghị thảo luận thời gian tới có giải pháp như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Tại hội nghị, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu ngân sách của TP 9 tháng đầu năm 2017.
Báo cáo nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khá với 7,97%, tuy cao hơn so với cùng kỳ (7,76%), nhưng so với mục tiêu tăng từ 8,4% đến 8,7% của cả năm thì chưa đạt. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,1%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.
Tình hình đầu tư đạt kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 30,6% tổng giá trị sản phẩm (GRDP), trong đó ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án trọng điểm, giải quyết các điểm nóng, nhu cầu bức xúc của TP và 7 chương trình đột phá với khối lượng thực hiện đạt 71,3% kế hoạch.
Có 29.921 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 396.493 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 13% về số lượng doanh nghiệp và tăng 84,5% về vốn đăng ký). Tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, đã có 1.372 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Hiện tổng số doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống (đã trừ giải thể) là 322.821 doanh nghiệp.
Có 593 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 925,1 triệu USD (trong đó hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất là 51%, tăng gấp 6,1 lần so với cùng kỳ; hoạt động bất động sản chiếm 13,4%, giảm 61,3% so với cùng kỳ); thu ngân sách thực hiện có hiệu quả, ước 9 tháng đạt 243.584 tỷ đồng (đạt 70,02% dự toán, tăng 10,71% so với cùng kỳ)…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, theo UBND TP, thành phố cũng còn nhiều mặt hạn chế, khó khăn cần tập trung nhiều giải pháp để khắc phục như: Khả năng hoàn thành 2 chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa và thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm từ 23% xuống còn 18%, nguồn vốn các dự án ODA được duyệt theo kế hoạch chậm được phân bổ, một số cơ chế chính sách, thủ tục chưa được xem xét giải quyết kịp thời; tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng còn phức tạp, trong đó xây dựng không phép tăng 35,6%, công trình sai phép tăng 15,1% so với cùng kỳ; việc quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các chung cư được đầu tư xây dựng theo Luật Nhà ở chưa tốt, để xảy ra tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, Ban quản trị và cư dân; tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của TP, các trục ra vào giờ các cảng hàng không, cảng biển; tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị còn phức tạp; việc lấn chếm bờ sông, kênh rạch còn xảy ra…

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra theo kế hoạch năm 2017, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề ra nhóm 6 giải pháp tập trung vào các nội dung về phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; quản lý đô thị; văn hóa - xã hội; cải cách hành chính và hoạt động bổ trợ tư pháp và đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Trong phần thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đã đi vào phân tích tình hình kinh tế, xã hội TP 9 tháng đầu năm 2017.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 6 Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Sử Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh:Việt Dũng
Giám đốc Sở KH-ĐT thành phố Sử Ngọc Anh nêu 3 ý kiến về phát triển bền vững, trong đó ông nhấn mạnh đến về phát triển kinh tế. 9 tháng TP đạt được 7,97% là một cố gắng rất lớn trong thực hiện các nhóm giải pháp về xuất khẩu, nhập khẩu, thể hiện đầu ra của xuất khẩu có tín hiệu tích cực.

Về dịch vụ, 9 tháng tăng 16%, cao hơn mức tăng chung và vận tải tăng 13%. Như vậy, những ngành có cầu đã kích thích yếu tố tăng toàn xã hội, làm tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng hơn 10%. Con số này phản ánh tăng trưởng cao hơn so với tăng GDP, nói lên tín hiệu tích cực của cả nền kinh tế.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 7 Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên phát biểu thảo luận tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: Việt Dũng
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Công thương thành phố Phạm Thành Kiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng từ 8,4% đến 8,7%, cần tập trung về sản xuất công nghiệp, trong đó có 4 ngành công nghiệp trọng yếu phải đẩy mạnh tăng trưởng hơn nữa. Về giải pháp, từ nay đến cuối năm tập trung vào nhóm 3 giải pháp gồm: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kết nối giữa các doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng liên kết giữa các địa phương trong vùng; hình thành khu công nghiệp hỗ trợ và đẩy mạnh bình ổn giá.

Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM Nguyễn Hoàng Năng cho biết: 3 ngành công nghiệp trọng yếu tăng khá, góp phần định hướng phát triển công nghiệp của TP. Để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp cần có các giải pháp đầu tư mạnh mẽ cho thu hút vốn, nhất là các chính sách ưu đãi, không làm theo phong trào như từ trước đến nay.

Nhà đầu tư nước ngoài đến vì chính sách chưa nhiều, chủ yếu đến vì “địa lợi”, “thiên thời” thì chưa. Cần chú trọng đến đầu tư vào giá trị tăng thêm cho tương lai và mang tính bền vững, kết nối với sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho hạ tầng giao thông, dịch vụ các khu công nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Năng, giá đất, hạ tầng giao thông là hai yếu tố mà TPHCM đang mất ưu thế so với các địa phương trong vùng, nên không thu hút được đầu tư. Mặt khác, chi phí để xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất của các khu công nghiệp tại TP còn quá cao. Tỷ lệ sử dụng đất cho công nghiệp còn quá thấp, quy hoạch được Chính phủ cho phép là 8.000ha, nhưng hiện mới chỉ lấp đầy sử dụng được hơn 4.000ha, phần còn lại chưa giải tỏa xong để giao đất cho nhà đầu tư. Trong số 17 khu công nghiệp được phê duyệt còn 4 khu chưa giải tỏa được do giá đất cao, nhà đầu tư không thực hiện được.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 8 Giám đốc Sở Tài chính thành phố Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Theo Giám đốc Sở Tài chính thành phố Phan Thị Thắng, thu tiền sử dụng đất từ đầu năm đến nay đạt khá, thu từ xuất nhập khẩu đạt hơn 70%. Tuy nhiên, đánh giá tình hình thu mà trung ương giao là khá cao thì kết quả thu những tháng qua chưa đạt yêu cầu. Thuế, hải quan và ngành tài chính đã nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng thu, nhưng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tập trung vào thu nội địa là chủ yếu.
Về tình trạng xây dựng không phép, sai phép từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn, nhiều khu vực tăng mạnh so với năm 2016, trong đó có huyện Củ Chi, quận 1, Gò Vấp…, theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, 9 tháng đầu năm có trên 22.830 công trình đang thi công, đã phát hiện xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm, có 16/24 quận huyện tăng xây dựng không phép. Số giấy phép xây dựng được cấp tăng, đi kèm với nó là số công trình xây dựng không phép cũng tăng theo. Xây dựng không phép nhiều năm trước huyện Bình Chánh dẫn đầu thì đầu năm đến nay giảm. Ngược lại huyện Củ Chi và Cần Giờ mọi năm không tăng thì nay tăng mạnh. Điều này có yếu tố về các dự án đầu tư trên địa bàn khởi động, người dân vi phạm để được đến bù.
Sắp tới, UBND TP sẽ ban hành chỉ thị tăng cường quản lý đô thị trên địa bàn với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh xây dựng không phép, sai phép. Đồng thời với giải pháp này là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trong đó có lực lượng thanh tra xây dựng và trật tự đô thị tại các quận huyện, phường-xã-thị trấn.
Để đáp ứng yêu cầu về quản lý trật tự đô thị, Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Nội vụ để giảm lực lượng thanh tra xây dựng sở, giảm từ 1.044 người như hiện nay và giao về cho các quận huyện quản lý.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 9 Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng
Về công tác quản lý chung cư (hơn 1.000 chung cư) thì có từ 8% đến 10% chung cư có “vấn đề” giữa chủ đầu tư với cư dân sinh sống trong khu chung cư. Nguyên nhân do nhiều phía, trong đó có công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Sở Xây dựng đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát lại những vụ việc phát sinh để có giải pháp hữu hiệu.

Về chương trình di dời nhà trên kên rạch tại các quận 4, 8 và Bình Thạnh thực hiện khá tốt, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu dì dời hơn 7.000 hộ dân tại quận 4 và 8.

Được mời lên báo cáo vụ việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần, lãnh đạo Ban quản lý an toàn thực phẩm phát biểu cho biết: Sau khi thanh tra của Bộ NN và PTNT và cảnh sát môi trường phát hiện gần 4.000 con heo bị chích thuốc an thần, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiến nghị UBND TP tiêu hủy số heo này, đồng thời tập trung rà soát lại toàn bộ quy trình giết mổ tại một số cơ sở giết mổ.

Hiện nay, thẩm quyền của Ban Quản lý an toàn thực phẩm chưa có tham gia cùng Sở NN và PTNT kiểm soát trong quá trình giết mổ tại các lò giết mổ. 

Về việc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: “Tại cơ sở chăn nuôi này bố trí 17 cán bộ kiểm dịch tại đây mà vẫn để xảy ra tình trạng này?”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp thành phố Nguyễn Phước Trung, trả lời: Tính đến nay, cơ quan thú y và đoàn liên ngành đã xử lý 1.995/ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần. Hiện còn tồn 1.735 con chưa tiêu hủy, 3 nhóm đối tượng không chấp hành tiêu hủy, lôi kéo 40 người là cơ sở vệ tinh chăn nuôi heo cung cấp cho lò giết mổ chống đối lại lực lượng, không chấp hành tiêu hủy. Sở phối hợp chặt với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, không để con heo nào ra thị trường. Trong số heo bị tiêm thuốc an thần, phát hiện một số con bệnh lở mồm long móng.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn hạn chế ảnh 10 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Nguyễn Phước Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh:Việt Dũng
Về xử lý cán bộ, nhân viên thú y có liên quan, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y TP đình chỉ công tác tổ trưởng và 2 tổ phó tổ kiểm dịch tại đây, để phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng. 17 cá nhân của tổ thú y tại lò mổ này cũng đã làm kiểm điểm xác định trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên. Đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, là tội ác và lãnh đạo Sở NN và PTNT không chấp nhận với trường hợp nào tiếp tay cho tội ác này. Nếu phát hiện bất cứ cá nhân nào sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, có thể ở mức cao nhất là buộc thôi việc, để cảnh tỉnh, làm bài học cho công tác quản lý an toàn thực phẩm không được lơ là, làm mất đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục