Bao giờ mới hết nạn tranh mua mía cây?

ĐBSCL mùa này trồng 57.700 ha mía, ước lượng thu hoạch 3.650.000 tấn. Vùng này có 9 nhà máy đường, kế hoạch ép niên vụ 2004-2005 khoảng 3.090.000 tấn. Như vậy, nguyên liệu mía đủ sức cung ứng đầu vào cho các nhà máy đường hoạt động. Vậy tại sao cứ diễn ra tình trạng tranh chấp thu mua mía cây, đẩy giá mía lên tới “mây xanh” làm cho nhiều doanh nghiệp khốn đốn?
Bao giờ mới hết nạn tranh mua mía cây?

ĐBSCL mùa này trồng 57.700 ha mía, ước lượng thu hoạch 3.650.000 tấn. Vùng này có 9 nhà máy đường, kế hoạch ép niên vụ 2004-2005 khoảng 3.090.000 tấn. Như vậy, nguyên liệu mía đủ sức cung ứng đầu vào cho các nhà máy đường hoạt động. Vậy tại sao cứ diễn ra tình trạng tranh chấp thu mua mía cây, đẩy giá mía lên tới “mây xanh” làm cho nhiều doanh nghiệp khốn đốn?

Đẩy giá mua mía lên cao, lỗ nhà máy chịu

Nhà máy đường Nagarjuna (Ấn Độ) 100% vốn nước ngoài, lớn nhất ĐBSCL và các nhà máy đường Hiệp Hòa, Long An, Vị Thanh, Phụng Hiệp hiện đang tập trung một lực lượng lớn đến các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng để mua nguyên liệu mía. Ở Hậu Giang (Phụng Hiệp, Vị Thanh) mía cây hầu như đã hết.

Bao giờ mới hết nạn tranh mua mía cây? ảnh 1

Sóc Trăng đang vào thời điểm thu hoạch mía. Ảnh: Đưa mía đến điểm thu mua.

Tại Long An, nguyên liệu mía tuy còn nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của hai nhà máy đường lớn nhất ĐBSCL Nagarjuna và Hiệp Hòa có công suất 1.250.000 tấn/năm. Các nhà máy đường ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các nhà máy trên. Giá mía cây thu mua tại ruộng ở Long Phú (Sóc Trăng), Trà Vinh, Bến Tre từ 350 đến 360 đồng/kg, về tới nhà máy là 400 đồng/kg.

Ở thời điểm này năm ngoái, mía cây chỉ có 200 đồng/kg. Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng than thở: Giá mía hiện thời quá cao! Nếu nhà máy không mua thì không có nguyên liệu hoạt động. Còn mua thì sản xuất không lời, thậm chí lỗ. Hầu hết nhà máy đường ở ĐBSCL (trừ Nagarjuna) là của quốc doanh; sản xuất lỗ, không cá nhân nào chịu mà nhà máy phải hứng hết.

Nhà máy đường Thới Bình (Cà Mau) thuộc loại nhỏ nhất ĐBSCL. Diện tích mía ở đây (1.600 ha) không đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động. Hiện nay, vùng nguyên liệu đã hết. Nhà máy không dám lên Sóc Trăng thu mua mía vì giá thành đội lên quá cao, sản xuất  chắc chắn sẽ lỗ.

  • Sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch, bao tiêu

Diện tích mía cây ở ĐBSCL thăng trầm theo từng năm. Năm nào diện tích lớn, các nhà máy tiêu thụ không hết, mía đứng đồng không bán được, người sản xuất chết đứng. Hai năm nay, diện tích mía cây ổn định, người trồng mía sống được  nhờ giá cao, sức tiêu thụ mạnh.

Tuy nhiên, nhìn toàn cục, người trồng mía tự phát, thiếu quy hoạch của địa phương. Vùng nguyên liệu mía phát triển không đều. Nơi có nhà máy đường  lớn như Long An thì vùng mía nguyên liệu không đủ cung cấp. Mặt khác, các nhà máy đường ở ĐBSCL do mới thành lập, thiếu vốn, nên không đủ sức đầu tư cho nông dân. Niên vụ 2004-2005, nhà máy đường Sóc Trăng chỉ hợp đồng bao tiêu 250 ha/ 9.000 ha. Các nhà máy đường của Bến Tre, Trà Vinh… cũng chỉ bao tiêu ở mức độ tương đương như vậy. So với diện tích mía hiện có, việc bao tiêu này quá “hẻo”.

Phân bổ vùng nguyên liệu không đều cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp thu mua mía cây. Hậu Giang có vùng nguyên liệu mía cây sớm nhất ĐBSCL. Tháng 9 hàng năm, các nhà máy đường hoạt động sớm đều dồn về vùng Phụng Hiệp, Vị Thanh (Hậu Giang), Mỹ Tú (Sóc Trăng) thu mua mía. Vì vậy, tại đây cũng diễn ra sự cạnh tranh. Mía ở đây vãn, họ chuyển qua vùng Long Phú (Sóc Trăng) hay Trà Vinh, Bến Tre đang là thời điểm thu hoạch rộ. Vùng cù lao Dung (khoảng 4.500 ha) - Sóc Trăng ngoài Tết Nguyên đán mới vào vụ đốn mía. Nơi đây năm nào cũng diễn ra việc tranh mua tranh bán vì đã là cuối vụ sản xuất đường.

  • Kiểm soát tranh chấp bằng cách nào?

Trước tình thế “nóng” như nước sôi, ngày 8-1-2005 lãnh đạo các nhà máy đường ĐBSCL đã họp tại Long An thống nhất mua giảm 15 đồng/kg mía cây, chia làm 3 đợt, mỗi đợt giảm 5 đồng trong 10 ngày (từ 15 đến 25-1-2005). Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tình thế. Về lâu dài, các nhà máy đường quốc doanh cần phải được cổ phần hóa. Có như vậy, việc “lỗ nhà máy chịu” mới được giải quyết. Cổ phần hóa buộc các cổ đông phải có trách nhiệm về đồng vốn của mình, nỗ lực trong kinh doanh mới “có ăn”.

Về quản lý, nhà nước cần có chính sách “mở” trong tiêu thụ đường. Các nhà máy đường ở ĐBSCL hiện chỉ hoạt động khoảng 7 tháng/năm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau). Các tháng còn lại, nhà máy phải nghỉ do không có nguyên liệu hoạt động. Nhà nước cần có chính sách điều tiết tiêu thụ đường, tránh tình trạng vào vụ sản xuất mua rẻ, hết vụ bán đắt vì hầu hết các nhà máy đường ở ĐBSCL đều nợ vốn vay ngân hàng.

Phải ngăn chặn triệt để tư thương có tiền mua đường dự trữ. Một số chính sách hỗ trợ như: đầu tư giống mới, xây dựng cơ sở hạ tầng… mà các địa phương lo chưa nổi cũng cần được nhà nước hỗ trợ.

LÊ BÌNH

Tin cùng chuyên mục