Bắt đầu từ tủ sách gia đình

Giờ đây nói tới sách, không ít người chắc hẳn sẽ thở dài nghĩ về một cái kết không mấy tốt đẹp trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số. Nếu 30 năm trước, nhà văn với lượng sách in khoảng chục ngàn bản được coi là “chuyện thường ngày ở huyện”, thì nay chuyện in và bán hết được 1.000 - 2.000 cuốn thật sự không mấy dễ dàng. 

Như tâm sự của một nhà văn, vào một ngày đẹp trời, tự dưng đi vào một hiệu sách, anh đã mừng phát khóc khi cô bán hàng nói tập truyện của anh bán được 7 cuốn… Để rồi về sau mới vỡ lẽ ra người mua đều là người thân trong gia đình, mua để động viên!

Không có gì ngạc nhiên khi nhà văn Lê Văn Nghĩa, tác giả của một số đầu sách như Mùa hè năm Petrus, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian…, từng được tái bản đến lần thứ 8, trong buổi ra mắt Công ty Văn hóa Huyền Đức vào sáng 16-11, đã thẫn thờ nói rằng làm sách phải sang trọng, lớp trẻ bây giờ có cách tiếp cận khác hẳn dù vẫn dựa trên nền tảng cổ điển “khi tất cả qua đi, cái duy nhất còn lại là văn hóa”. Nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng hiểu nỗi khổ “cơm áo không đùa với khách thơ” khi khoản thu từ các sản phẩm văn hóa, mà cụ thể từ sách, không thể bù lại được số tiền cùng công sức, trí tuệ bỏ ra đầu tư. 

Một công ty sách để tạo thương hiệu cần ít nhất 5 năm, cần bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để “tạo vốn” ban đầu là 100 đầu sách. Cứ cho mỗi cuốn có chi phí giấy má, in ấn, trả lương biên tập viên, nhuận bút… khoảng 50 triệu đồng, và với chiết khấu phát hành 30%-40%, thì phải bán được ít nhất trên 1.000 cuốn mới có lãi khoảng 5%. Nghĩa là làm sách là làm công quả, làm để lại chút gì cho đời.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa không nhớ nổi tủ sách gia đình của mình có bao nhiêu cuốn sách, khoảng 10.000 hoặc hơn, nhưng chắc chắn ông không thể đọc hết số sách này. Vì nếu cứ trung bình mỗi ngày đọc một cuốn sách thì để đọc hết, nhớ hết tên gọi của lượng sách sở hữu cũng cần tuổi thọ ít nhất 90 năm. Nhưng nói gì thì nói, những cuốn sách chưa đọc cũng quan trọng không kém sách đã đọc, vì một lẽ, cuộc sống trong gia đình có tủ sách phong phú khác hẳn cuộc sống của người có tủ sách nghèo nàn.

Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra mối liên hệ giữa số lượng sách và thành tích học tập của trẻ nhỏ: trẻ sống trong gia đình có 2 tủ sách thường học giỏi hơn trẻ có ít sách hoặc không có tủ sách, và nữa: trẻ dưới 16 tuổi thường xuyên đọc sách nắm bắt và sử dụng vi tính nhanh và giỏi hơn trẻ không đọc sách. Trên bình diện quốc gia ta cũng có thể thấy tỷ lệ thuận giữa ấn phẩm xuất bản và sự thịnh vượng của đất nước: trong tủ sách gia đình ở Estonia trung bình có 218 cuốn sách, ở Na Uy 212 cuốn sách, ở Séc 204 cuốn sách, Nga 154 cuốn sách, tiếp đến là Đức, Anh và Mỹ với tủ sách có số lượng 115 cuốn.

Ở nước ta chưa có thống kê, song có thể thấy lượng sách trong mỗi gia đình chỉ là con muỗi so với con voi nếu tính theo con số kể trên. Theo Cục Xuất bản, với hơn 390 triệu bản in năm 2018, bình quân mỗi người Việt có thể mua và đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, còn lại 1,2 cuốn là sách khác. Một con số khác từ Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, 26% dân số Việt Nam không đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và 30% đọc thường xuyên.

Đã xa rồi cái thời mỗi người có vài cuốn sách “gối đầu giường”. Thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ văn hóa nghe - nhìn đã lấn áp thói quen đọc sách. Cũng cần nói đến lý do khách quan là sự bất cập trong xuất bản, kinh doanh sách khi sách xuất bản vội vàng, nội dung dung tục, chưa sâu sắc và còn sách lậu, sách kém chất lượng nhan nhản gần như không kiểm soát được đã góp phần làm thui chột văn hóa đọc. Tất nhiên phải “gạn đục khơi trong”, biết nhược điểm thì phải sửa, nhưng quan trọng hơn cả là dám mơ ước, dám dấn thân vào lĩnh vực văn hóa “lành ít, dữ nhiều” như các bạn trẻ Công ty Văn hóa Huyền Đức đang làm. Và thật ra tạo dựng GDP văn hóa cũng quan trọng không kém GDP kinh tế, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hơn một lần nhấn mạnh rằng phát triển văn hóa phải đi cùng nhịp hoặc đi trước phát triển kinh tế. Như thế, phía trước chặng đường còn dài, còn đầy chông gai khi phát triển sản phẩm văn hóa mang hồn dân tộc và hãy thử bắt đầu bằng xây dựng tủ sách gia đình…

Tin cùng chuyên mục