1. Tôi và em gặp nhau tình cờ trong buổi giao lưu CLB thơ ở Nhà văn hóa Thanh niên. Em là sinh viên sư phạm mầm non. Gương mặt khả ái, đặc biệt là đôi mắt long lanh ươn ướt, đôi môi như in hình trái tim. Mà trái tim ra sao, có đẹp như hình vẽ không thì tôi đâu có biết, chỉ nghĩ một điều đơn giản rằng, em đã hiện hữu trên đời để cho tôi nghĩ tới và mơ mộng rồi hy vọng.
Tôi chỉ mỗi việc kế toán. Đó giờ quen cọc cạch với chiếc xe đạp điện cà tàng, chưa từng biết chở một người con gái nào, tự dưng bây giờ mới nghĩ tới mình, mới thấy Sài Gòn lãng mạn hơn bao giờ.
Em đến với văn chương như một làn gió tìm hương của nắng, như một thợ săn đồng bằng thử sức vào rừng sâu tìm mãnh thú một chuyến. Em biết tôi qua bài viết trên báo. Em có lần bảo: “Em biết anh trước khi gặp và quen anh”. Tôi ngớ người. Em hiểu, nói tiếp: “Thơ anh viết em cũng thích thích, nhưng chỉ hơi thích thôi. Già lắm. Mà anh thì trẻ quá… chừng như là con trai mới vào tuổi hai mươi vậy!”. Tôi cười xòa: “Em trêu anh đấy à? Già rồi, đã hơn ba mươi … ở đó mà trẻ, bộ em hổng thấy tóc anh đen một cách sần sùi à?!”. Em cười trước câu nói của tôi. Em bảo tôi sao giống trẻ nít. Tôi lại gãi đầu và rớt ra một câu thơ bất chợt làm cho em cười giòn và đột nhiên nghiêm mặt lại, nói: “Anh Minh ơi! Nghiêm chỉnh chững chạc lại một chút đi sẽ đẹp hơn đấy”.
– Thế à? - Tôi đáp.
Em lại nói:
– Em chỉ thích anh sống nghiêm túc hơn như anh từng nghiêm túc với công việc ở cơ quan vậy. Cứ thơ thẩn hoài …
Tôi ngắt lời em:
– Bốn bức tường vôi phả hơi lạnh máy điều hòa bức bối lắm Hòa ơi!
– Nhịp sống vẫn vậy mà. Có vật chất đủ đầy thì thơ mới chắp cánh nổi anh à.
– Thế là em vô tình làm úa đi trái lãng mạn đang đong đầy trong nhịp thở của anh. Nó dồn nén. Ôi, chữ tiền thật đáng sợ.
2. Bữa nọ, tôi lĩnh nhuận bút cái truyện ngắn, rủ em đi ăn kem, xem hòa nhạc thì nhận được lời từ chối, bởi vì em sống trong nếp nhà vốn dĩ rất nghiêm khắc, không dễ gì được đi chơi tối, tuy ở thành phố nhưng ở tận Cần Giờ. Thôi thì đang tìm hiểu, làm khó nhau mà. Tôi chờ và hẹn dịp khác.
Đêm Noel người ta đi chơi phố rình rang, em ở nhà cầu nguyện, tôi thì hì hục cấy chữ trong gác trọ lạnh lẽo, chỉ trơ ra bốn vách tường đã lâu chưa được quét vôi mới, vô cảm. Đó đây trên nền gạch là những mảnh giấy bị vò nát của những trang bản thảo đang viết nửa chừng, chưa được như ý… trắng lềnh khênh trông đến tội nghiệp. Tôi còng lưng ra cõng chữ. Trong túi không có một đồng. Tự thưởng cho mình ly trà nguội và xác trà đã nở hết đời trà theo lượt nước thứ năm rồi. Đêm lạnh. Tôi nghĩ về em. Tôi nghĩ về hình ảnh của cô bé bán diêm trong truyện của nhà văn Andecxen rồi lại dấy lên một nỗi niềm thương cảm.
Đêm dài trôi.
Công việc cuối năm của tôi cứ ứ tràn. Tôi cứ hững hờ gõ máy tính với những con số trần trụi để quyết toán, báo cáo. Đã có lần muốn gào to lên cho hả, muốn tìm một việc gì đó để tạo sinh khí mới nhưng ngao ngán thở dài, được gì chứ khi mà tôi chỉ có mảnh giấy trung cấp kế toán văn thư. Sức khỏe đã bằng ai đâu, bệnh chuyển theo mùa gió. Em tất tả bên đống bài thi cuối kỳ. Em đang phấn đấu để có học bổng, cũng là khẳng định mình, tôi yêu em thêm và nghe ngùi lòng. Em, một cô gái hai mươi tuổi, mỗi ngày xe buýt bốn lượt. Tôi nói nửa đùa nửa thật với em: “Chữ sẽ rớt dọc đường em ơi!”. Em nhìn tôi, chỉ cười, nói gọn: “Quen cực rồi, hổng có sao đâu mà lo”. Đôi mắt ấy như muốn nói bao điều cùng tôi nhưng lại ngập ngừng riêng nhận.
3. Tôi với em yêu nhau đằng đẵng 3 năm trời, trải qua bao cuộc cãi vã, nhiều lần toan nói lời chia tay. Nhưng lại nghĩ về nhau mà níu lòng vương vấn. Hai đứa được sống trong tình trăm năm sau khi em tốt nghiệp ra trường. Em yêu trẻ như tôi yêu thơ. Em muốn tôi cho em một thằng cu kháu khỉnh, nhưng đừng có làm cái chuyện thơ thẩn tào lao như cha nó. Tôi chần chừ. Phòng trọ ọp ẹp quá, cái lãng mạn, tình thơ trong tôi dạo này dường như đã mọc nấm xanh rêu, nó nhăn nhúm tựa như đống giẻ rách bị bỏ quên nơi xó nhà. Tan sở, hai đứa lại lật đật vào bếp cùng nhóm lửa cho no cái bụng, sôi cái tình và mằn mặn giọt mồ hôi trưa. Có khi qua quýt cơm bụi cho xong.
Dạo này tôi ít về nhà, em trông và hàng đêm thổn thức. Tôi thường say be bét, thường về nhà vào lúc một, hai giờ sáng. Tôi vừa nhận được giải ba văn học của tỉnh với cái tự truyện đậm tình nghĩa vợ chồng. Thế đấy, mà tôi… khốn nạn lắm. Khi lĩnh giải bao điều nghĩ đến vợ, đến tương lai, nhưng chỉ vèo qua một vài cuộc nhậu với bạn thơ thì tiền nhẵn túi. Lúc bấy giờ tôi mới trở về nhà với thân hình xác xơ. Em lại là người chăm sóc tôi chén cháo, miếng cơm và thầm lặng nhai cọng buồn quẩn quanh.
Hôm trước, vợ tôi có định thuê miếng đất ở gần chợ An Khánh mở quán nhậu bình dân nhằm hụ hợ thêm lương công chức, với lại nếu tôi có nhậu thì cũng lòng vòng ở nhà chứ có đi đâu xa. Quả là suy nghĩ của phụ nữ buộc chân kẻ lãng du như tôi cũng khéo thiệt. Tôi nghe em bàn nhiều lắm, tôi ưng bụng. Nói là làm. Quán nhậu bình dân Minh - Hòa hôm khai trương rộn rịp lắm, toàn bạn khách quen thân đến ủng hộ. Nhưng đâu được hơn bốn tháng bán buôn, vợ tôi nhắc khẽ:
– Anh nhắn bạn anh, nhóm ông Tuấn coi coi sớm gửi tiền nghen. Mình sắp hết vốn rồi, mà mấy ổng thì cứ khề khà ghi sổ.
– Ậy, thì có gì tới tháng lĩnh lương hoặc nhận nhuận bút xong thì họ gửi, có gì đâu mà cằn nhằn. Làm ăn buôn bán phải câu khách và lâu dài chứ em.
– Buôn bán như anh có nước mà… sập tiệm.
– Em cứ lo xa. Anh viết gần xong cuốn tiểu thuyết theo đơn đặt hàng rồi, trường ca biển vô chung khảo, lúc đó thì vốn sẽ sinh sôi nảy nở nhé! Chữ tràn về trong lồng ngực anh đêm nay thôi.
– Giờ này mà còn…
Nhịp ngày trôi. Quán nhậu bình dân Minh - Hòa vẫn lai rai khách hàng đêm.
4. Đêm nay, sau khi dọn quán thì hai đứa đã mệt đứ đừ, khi ấy chuông đồng hồ cũng vừa kịp điểm một giờ sáng. Tám giờ làm việc ở cơ quan, hơn tám giờ làm việc ở nhà, mệt nhoài, mắt đã ríu lại. Lúc hai đứa chuẩn bị cho một giấc ngủ muộn mằn thì tôi thấy hơi lạ là hôm nay sao không nghe những âm thanh cân - đong - đo - đếm, tính chuyện buôn bán lời - lỗ của cô vợ mỗi đêm trước khi ngủ. Hòa nhìn tôi và thầm thì bên tai: “Anh Minh! Em có cái này tặng cho anh nè!”. Tôi nghe lạ: “Tặng cái gì chứ, có gì thì nói, cứ úp mở”.
Em cười và đưa cho tôi xấp tiền đã được xếp gọn, thẳng thóm, em nói: “Đây là hai mươi ba triệu năm trăm ngàn, số tiền chắt mót của vợ chồng mình từ lương và bán quán hơn một năm qua. Em biết anh từ lâu có ý định muốn in riêng một tập thơ nhưng chưa có tiền. Em nghĩ, đây cũng là dịp để anh có độ nhận chín hơn về những đứa con tinh thần của anh. Hãy chọn và lọc đi. Rồi in thành tập. Em luôn ở sát bên ủng hộ anh mà”.
Tôi chỉ biết lặng nhìn em mà nghe xót xa. Em vì niềm đam mê của tôi mà có lần chính tôi muốn ruồng bỏ nó, muốn xóa sạch những trang viết dễ dãi của mình, thất vọng và tròng trành, còn em thì vẫn gan lì với nghiệt ngã số phận. Bóng em đã rủ xuống đời tôi xanh thêm trang thơ. Giờ thì em đã mệt và trôi lăn vào giấc ngủ nhanh chóng, chừng như hơn một năm qua em chưa từng được ngủ trọn vẹn. Tôi nghe gió từ cầu Thủ Thiêm chừng như dặt dìu và lãng mạn trong giấc mộng em kịp ùa về.
Con chữ lăn tròn trong mắt biếc hay là giọt nước mắt mằn mặn trên má em đêm nay gói chứa chan niềm hạnh phúc. Em vừa đạt giáo viên giỏi cấp quận. Tôi ôm em ghì sát vào lòng mặc cho những sợi tóc thơm thơm trải dài trên gối...
TRẦN HUY MINH PHƯƠNG
Hộp thư cuộc thi truyện ngắn Ban tổ chức cuộc thi nhận được truyện ngắn dự thi của các tác giả: Kim Hoa, Trà Kim Long, Trần Huy Minh Phương, Trần Văn Tám (TPHCM), Vũ Anh Thư, Nguyễn Toàn Thắng, Hà Mạnh Luân (Hà Nội), Nhật Hồng, Trương Thanh Liêm (Cần Thơ), Trần Thái Hưng, (Hải Phòng), Nguyễn Quang Chánh (Long An). Chân thành cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi. |