Bên hồ Đắc Lộc

Bên hồ Đắc Lộc

Tôi chưa kịp ngồi yên trên ghế thì một vòng tay mát lạnh từ sau quàng qua vai tôi. Tiếng thỏ thẻ ngọt lịm:

– Anh dùng chi?

Tôi rùng mình nghiêng đầu đáp:

– Cho tôi cà phê đá và đặc sản của miền Bắc.

Tôi chưa nói dứt câu, cô tiếp viên nhà hàng đã nhanh nhảu sà vào lòng tôi nũng nịu:

– Anh ở miền Nam ra à?

– Vâng! Tôi ở miền Nam – Tôi cố nhại tiếng “vâng” mà người Bắc thường dùng.

Mùi nước hoa và son phấn rẻ tiền từ cô gái toát ra nồng nặc. Tôi nâng mặt cô gái ngắm nghía. Có lẽ cô chừng hai mươi. Chiếc váy quá ngắn mỏng tanh, lộ đôi chân trần thon thả mịn màng. Chiếc áo rộng cổ, hở vùng ngực trắng hồng vun cao cứ cọ quậy mãi vào ngực tôi và mái tóc lòa xòa ngai ngái phủ cả mặt tôi…

Cô gái chạy vào bên trong gọi thức uống rồi chạy trở ra ngồi vào lòng tôi như cũ. Cô còn đưa mũi vào má tôi hít mấy cái ngọt lịm. Cô lại thỏ thẻ bên tai tôi:

– Anh ra Bắc công tác hay tham quan?

Tôi ỡm ờ:

– Không công tác cũng không tham quan!

Cô gái nhoẻn miệng cười:

– Vậy là đi tìm đặc sản miền Bắc à? Dám bỏ ra bạc triệu. Sang nhỉ?

Tôi đỏ mặt. Không ngờ mấy câu nói ỡm ờ của tôi đã khiến cô gái hiểu lầm (hay cố tình hiểu lầm cũng không rõ?).

Tôi cắt ngang một cách dứt khoát:

– Không phải như thế đâu! Tôi chỉ gọi trái cây đặc sản thôi. Tôi đi viết văn. Tôi đang ở trại sáng tác Đắc Lộc.

Cô gái gật gù:

– Thì ra vậy! Nhà văn à?

Tôi không trả lời cô gái, đưa mắt nhìn ra hồ Đắc Lộc buồn vẩn vơ. Bây giờ sao đi đâu cũng gặp các cô tiếp viên quá nồng nhiệt như thế này. Không riêng gì ở miền Bắc mà ở miền Nam cũng vậy, kể cả một ít vùng nông thôn. Thì ra phụ nữ luôn là món đồ để mua vui cho đàn ông. Vậy mà người ta luôn miệng nói là tôn trọng, là giải phóng phụ nữ?!

Thảo nào mấy em nam sinh lớp 11, 12 của tôi đã nói bóng nói gió về chuyện bia bọt. Vậy mà bây giờ tôi mới hay. Liệu rồi chúng tôi có đủ sức ngăn cản, giữ gìn các em không?

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Cà phê và dĩa trái cây được mang ra. Tôi chăm chú nhìn cô gái mở phin, lần lượt cho đường và nước đá vào ly quậy nhè nhẹ. Những móng tay búp măng, móng được sơn đỏ chót, loắn xoắn thật điệu nghệ.

Cô gái lại nũng nịu ngã đầu vào vai tôi. Năm ngón tay mềm mại đan chặt năm ngón tay lóng cóng cứng ngắt của tôi. Tay còn lại bưng ly cà phê kề lên môi tôi.

Tôi ngồi yên, mặc tình để cô gái chăm sóc. Một cảm giác dễ chịu lâng lâng…

Cô gái háy mắt rồi dụi mặt vào ngực tôi nói như gió thoảng:

– Anh… đi với em nhé!

Tôi khom xuống nhìn cô gái lắc đầu:

– Không!

Cô gái lại năn nỉ:

– Đi một lần cho biết gái Hà Nội mà!

Tôi dứt khoát:

– Đã bảo không.

– Anh sợ bệnh à?

– Không.

– Sợ công an chứ gì? Khách sạn có ông lớn bảo kê mà.

Tôi thầm nghĩ: “Hay là mình đi một lần cho biết. Ở đây rất xa quê nhà mà”. Óc tôi lại lởn vởn mấy câu thơ của Tố Hữu: “Ăn đi vài con cá. Dăm bảy cái chột nưa. Đâu ai biết ai ngờ…”. Không hiểu sao tôi lại gắt:

– Cũng không!

Cô gái cười, thọt lét vào bụng tôi:

– Thôi! Cho xin đi ông tướng. Nhà văn nào chả lăng nhăng với rượu và gái. Đừng giả nai. Em ở gần nhà sáng tác Đắc Lộc mấy năm nay, em biết quá rõ mà.

Tôi lại im lặng, không tranh luận với cô gái làm gì và thầm nghĩ: “Không phải chỉ có nhà văn mới thích lăng nhăng với rượu và gái mà phải nói là đàn ông nào chả thích lăng nhăng với rượu và gái mới đúng hơn”. Như tôi bây giờ chẳng hạn. Thích gái đẹp lắm chứ, nhưng còn đang giằng co quyết liệt giữa “đi” và “không”. Và như có cái gì đó níu tôi lại. Tôi chợt thấy hình ảnh những cán bộ cách mạng tuyệt thực trong tù, đói khát rã rời đưa mắt nhìn những con cá, những chột nưa mời mọc nhưng với lòng cương quyết tuyệt thực nên họ vẫn không ăn mà Tố Hữu đã viết trong bài thơ trên.

Tôi lại nhớ những ánh mắt đăm đắm của đám học trò say sưa, xúc động nghe tôi giảng về thân phận người phụ nữ trong truyện Kiều; nhớ chúng rừng rực ghê tởm, căm ghét khi tôi giảng về những tệ nạn xã hội. Nếu đêm nay tôi dấn thân vào tệ nạn mại dâm, liệu rồi mai này tôi còn hùng hồn trên bục giảng về những tệ nạn này nữa không? Và đám học trò thân yêu của tôi sẽ nghĩ gì về tôi khi biết chuyện này? Hơn nữa tôi đang dự trại sáng tác viết về những phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo do Công đoàn Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ngay cả mỗi lần đi ăn cơm ở nhà bếp, những thầy giáo chúng tôi đều bỏ áo vào quần cho nghiêm túc mà tôi lại đi sinh hoạt buông thả, lại sa vào tệ nạn xã hội hay sao?

Tôi nhè nhẹ đẩy cô gái ra và bảo:

– Em tính tiền.

Cô gái níu cánh tay tôi khẩn khoản:

– Anh không thích mua vui thì anh “đi” để giúp em. Đêm nay không có khách, ngày mai gia đình em khốn đốn lắm. Mẹ em đang bệnh nặng.

Tôi lắc đầu cười mỉa:

– Các cô thì cô nào mở miệng ra mà chả mẹ bệnh cha đau.

Cô gái nhìn tôi không chớp mắt, giọng run run:

– Tin hay không tùy anh nhưng đó là sự thật.

Tôi không biết sự thật hay giả nhưng ánh mắt buồn buồn và giọng nói thiết tha của cô gái làm tôi xúc động. Tôi vốn cả tin và dễ mềm lòng.

Tôi thọc tay vào túi quần, lấy tiền trả nhà hàng và cho cô gái một ít.

Cô gái hơi do dự:

– Anh không… đi mà cho em nhiều tiền thế kia à?

Tôi nhét tiền vào tay cô gái và nói nhỏ:

– Ừ. Tặng em. Xem như đêm nay em giúp tôi có ý tưởng để viết.

Cô gái vẫn ngồi yên có vẻ nghĩ ngợi. Tôi bóp bàn tay cô gái lại để giữ mấy tờ giấy bạc khỏi rơi ra. Cô trầm giọng hẳn, nghe buồn xa vắng. Hay là cô đóng nốt vở kịch?

– Cám ơn anh. Vâng. Cho em xin. Ước chi xã hội cho em một cái nghề nào đó thu nhập khấm khá một chút để khỏi làm cái nghề nhơ nhớp này, khỏi phải giả vờ yêu thương để bòn rút tiền bạc của đàn ông! Em cũng tốt nghiệp tú tài đấy chứ. Thi mãi không vào được cao đẳng, đại học. Xin mãi không được một cái nghề, trong lúc mẹ bệnh nặng, một lần sa ngã rồi trượt dài!...

Tôi tin lời cô gái là thật. Thảo nào cô cũng khá lịch sự, mở miệng ra là cám ơn, xin lỗi, cho xin…Tôi khe khẽ bóp nhẹ bàn tay cô gái để biểu lộ sự thông cảm. Cả hai yên lặng nhìn ra hồ Đắc Lộc. Hồ Đắc Lộc ngay cả ban ngày tuy trông bao la nhưng vẫn lặng lẽ buồn. Những dãy núi trập trùng xa xa mờ mờ làm cảnh vật càng buồn hơn. Bây giờ về đêm, cả một vùng trời nước đen kịt, buồn não nuột. Tôi chợt thấy cô gái đáng thương hơn là đáng trách. Không hiểu những cô gái như em có bao nhiêu là học sinh lỡ vận và bao nhiêu sẽ thoát được khỏi vũng tối đen ngòm như vũng tối quanh hồ mà em đang sinh sống?

Không hiểu cô gái nghĩ gì mà chợt hỏi, hay là để nịnh khéo tôi cũng nên:

– Người miền Nam các anh xử sự cao đẹp vậy à?

Tôi cười:

– Không hẳn đâu. Cũng tùy người, tùy trường hợp chứ. Mà sao em lại phân biệt người miền Nam, người miền Bắc? Dù Nam hay Bắc cũng thế thôi, cũng cùng hấp thụ truyền thống và văn hóa Tiên Rồng. Tính tình con người phụ thuộc vào kinh tế. Lúc nghèo khó thì thắt lưng buộc bụng. Lúc khá giả ắt sẽ phóng khoáng, rộng rãi hơn thế thôi.

Tôi chợt vui. Tôi đã chiến thắng được mình, không để sa ngã vào mại dâm. Và chỉ một việc làm nhỏ nhưng tôi đã để lại một ấn tượng đẹp đẽ trong cô gái về tôi, về người miền Nam. Tuy nhiên tôi lại ước ao: “Giá mà em biết tôi là thầy giáo, để em đổi lại câu hỏi trên thành “Nhà giáo các anh xử sự cao đẹp vậy à?”; và khi ấy tôi sẽ mạnh miệng trả lời rằng: “Đúng như vậy! Nhà giáo cũng là con người, cũng hỉ nộ ái ố như mọi người nhưng nhà giáo không thể làm trái lại những gì đã giảng dạy học sinh”.

NGUYỄN AN CƯ

Tin cùng chuyên mục