Tôi rất giận tôi. Chuyện bé bằng cái móng tay mà to tát gay gắt. Thật chẳng có gì đáng chuyện. Chồng tôi về một ngày một đêm đã bảo đi: “Anh phải vào đồn có việc gấp. Em thông cảm nhé. Cuối năm anh sẽ nghỉ phép”. Tôi đứng như trời trồng. Nước mắt trào ra từ lúc nào không biết. Anh vuốt tóc, lau nước mắt cho tôi. Tôi vùng vằng chạy xuống bếp. Có tiếng còi xe ngoài cổng. Anh chạy ra rồi chạy vào. Dường như vội quá, tôi chỉ nhìn thấy anh xuống rồi đi ngay.
Còn lại tôi. Tôi khóc to thành tiếng. Đau khổ, tủi thân bấy lâu dồn hết cả về. Sao tôi lại khổ thế này? Sao anh lại lý trí đến thế? Nếu như có bé Dịu ở nhà chắc chắn tôi sẽ bảo: “Bố chả yêu thương gì mẹ con mình đâu. Yêu gì mà hàng năm mới về. Về con chưa hết lạ lại đi”. “Con yêu ai nhất nào?”, tôi chỉ vào ảnh cả nhà. Tôi vừa mong vừa sợ bé Dịu sẽ trả lời đúng theo định hướng. Nhưng con chẳng giống mẹ, Thu Dịu của tôi chắc chắn sẽ con yêu bố nhất. Tôi ngắm anh, thơm chụt một cái. Nước mắt lại trào ra. Thôi tôi chẳng muốn nghĩ nữa. Tôi đi đón bé Dịu đây. Chết thật! Còn hơn tiếng nữa mới đến giờ. Thì đi chợ trước vậy. Hôm qua thịt gà hãy còn. Biết làm gì với ngần này thời gian nhỉ? Tôi cầm tờ báo Biên phòng anh mang về. Đọc và chập chờn, day dứt. Chữ nghĩa không vào, trang báo ngập tràn bóng anh. Tôi chạy đi lấy bút. Viết trong sụt sùi, thương nhớ anh:
“Anh! Có lẽ anh vào đồn hôm trước thì hôm sau lá thư này đến nơi. Lâu lắm rồi chỉ mình anh viết thư. Em nhớ nhưng ngại bởi quen nhấc máy a lô rồi. Anh ngạc nhiên về em lắm phải không? Viết thư chắc phải có gì hệ trọng? Vâng em viết cho anh về chuyện chẳng đâu vào đâu của chúng mình (đúng ra là của em). Lúc anh bảo đi, em đã khóc và em ghét anh. Đàn ông gì mới 27 tuổi mà vô tình thế. Bé Dịu đi mẫu giáo cả ngày, em lên lớp một buổi. Một buổi soạn bài mãi vẫn không hết được. Anh cứ ở bên em, quẩn quanh lúc đang cười đùa dưới bếp, lúc giơ tay chào báo cáo vợ... Sao mà ghét thế. Em mong anh về từng ngày, từng đêm. Hôm cậu Thoan cùng đồn ra công tác có nói cuối tháng anh sẽ về ít ngày. Hôm ấy em không ăn được cơm anh biết không. Có cái gì cứ nghèn nghẹn, đung đưa, chèn trong cổ, trong ngực, trong đầu.
Từ đấy đến cuối tháng cũng gần 20 ngày thế mà em thấy anh về trước. Em đang trong nhà, như có tiếng chị hàng xóm: “A! Chú bộ đội về rồi!”. Em không dám reo nhưng bỏ nồi thịt trên bếp chạy ra. Chạy ra và không có. Không có rồi ỉu sìu, bực mình. Cứ mấy lần như thế, như thế. Khi em đã đuối sức mong chờ thì anh về thật. Em ào ra khóc trên vai anh. Anh xấu hổ vì mấy chị hàng xóm thấy tiếng anh chạy sang. Họ cứ đứng nhìn, ngùi ngùi chứng kiến phút giây hạnh phúc của người lính biên phòng. Em mãi sau mới biết. Ngại quá! Thôi chắc họ thông cảm với mình. Ngày nào em chả nhắc anh với các chị ấy. Chị Hoa tốt lắm, bé Dịu sốt sang ngủ cùng, nửa đêm dậy mò mẫm tìm lá nhọ nồi. Chị Tình đi đâu về cũng phần quà cho bé Dịu. Chị bảo: “Lắm lúc nghĩ thương con bé này. Chắc hôm nào bố về chẳng nhận ra”. Chị nói cũng đúng. Cưới nhau xong 4 ngày thì anh đi A Pa Chải. Em báo tin mừng cho anh. Anh cũng chỉ thư về được, sung sướng, động viên. Ngày con biết đạp bụng mẹ, em cứ gọi thầm anh. Rồi con chào đời, chỉ nhìn thấy mẹ mà không thấy bố. Em nuôi con, nuôi mình bằng anh.
Mãi, mãi con hai tuổi thì hôm nay anh về. Con lại đi nhà trẻ chưa về. Mấy chị hàng xóm biết ý, hỏi thăm chúc mừng, uống chưa xong chén nước vội về. Còn lại anh và em, cứ là lạ như ngày mới quen. Anh nhìn em, em ngắm anh đắm say như lúc tỏ tình. Chúng mình tan vào nhau, bù lại những ngày xa cách. Em bảo: “Hòa bình mà như chiến tranh. Hạnh phúc tính bằng ngày giờ chính xác. Tuần trăng mật kế hoạch đành lỡ dở. Thôi thì hoàn cảnh nào theo hoàn cảnh ấy”. Anh im lặng trong tiếng em thở dài. Mãi anh mới nhè nhẹ lắc vai em: “Người lính hòa bình cũng như chiến tranh. Lính biên phòng luôn luôn trực chiến. Cả một vùng biên 40 cây số, đồn anh đảm nhiệm, một phút lơi là lúc ấy ra sao? Anh và em lúc ấy đều có tội”. Em không nói, chỉ: “Vâng, em đã là vợ biên phòng thì... biên cương ở ngay nhà mình cũng chông gai, gian khó. Em bền lòng chắc chí bên anh. Nuôi con khỏe ngoan cũng là nhiệm vụ lớn”. Anh hôn em một cái thật sâu và bảo: “Thật xứng đáng vợ lính. Về đồn anh sẽ kể chuyện em. Chắc chắn em sẽ phải lên biên giới báo cáo điển hình”. Em cù nách anh bảo: “Mình anh mắc bệnh thành tích là đủ rồi. Chúng mình bên nhau thật là hạnh phúc. Em chỉ mong mãi được như thế”.
Đến giờ đi đón con. Cổng trường mầm non đông nghịt bố mẹ đến đón con. Anh nhìn như là lạ. Em chợt nảy ra một ý và bảo anh: “Con ở trong lớp A1 kia. Anh vào đón con, xem anh có nhận ra con không?”. Sao anh lâu ra thế nhỉ? Người ta sắp về hết cả rồi. Hay là anh không thấy con...? Em nhìn rồi không chịu nổi, chạy vào. Anh đang cho con ngồi lên vai, quay vòng, đi máy bay trong lớp. Bé Dịu cười như nắc nẻ. Gì vui bằng được ngắm chồng đùa nô với con như hai đứa trẻ. Nếu con không bảo “Mẹ! Mẹ!” thì không biết bao giờ anh mới đưa con về. Về nhà, anh cứ loanh quanh dưới bếp bên em. Con cũng thế, đòi nấu cơm cùng bố mẹ. Thế là tất cả nhà làm bếp - hai bếp trưởng, một bếp phó. Anh được giao phần luộc gà, anh bảo: “Hồi xưa anh đi thi món luộc trứng được giải khuyến khích. Chắc luộc gà lần này sẽ lên giải ba”. Anh nói vậy nhưng anh làm giỏi thật. Luộc chín đúng độ, chặt y như dân làm cỗ chuyên nghiệp ở quê. Em nhìn anh chặt nhát nào ra nhát đấy. Em bảo: “Anh y như thằng Mới trong Việc làng của Ngô Tất Tố”. Anh thật thà: “Thì ở đồn, cán bộ cũng như chiến sĩ, ai việc gì cũng phải giỏi. Nấu ăn giỏi, khâu vá như mẹ hiền luôn”. Em chợt nhìn anh, thương anh quá. Ở đồn chắc thiếu thốn, vất vả nhiều.
Đêm ấy chúng mình không ngủ. Đêm không ngủ mà thật ngắn. Chúng mình chả ai đau đầu, phờ phạc. Em pha cà phê cho anh. Anh bảo lâu rồi không quen nhưng em dứt khoát. Bởi hộp cà phê này em để dành suốt hai tháng nay. Chị cùng trường đi Tây Nguyên về, cho riêng em và nói trước hội đồng “Xin tặng chú rể biên phòng”. Chúng mình ăn sáng xong, em chưa kịp nói gì thì có tiếng còi xe. Chiếc U-oát sịch trước cửa. Một người quân phục biên phòng bước xuống, giơ tay chào và nói với anh gì đó. Anh quay vào nhìn em rất lâu. Em linh tính có điều gì sắp xảy ra... Thế là anh phải vào đồn - Ba con trâu của nước bạn lạc sang ta, tình hình tiếp theo không đơn giản. Thuộc phần việc của anh, anh phải về đồn gấp.
Anh đi thật rồi, chỉ còn mùi xăng xe vương lại. Thế là bao kế hoạch tối qua chưa nói cũng đi theo. Em định sáng nay chúng mình sẽ ra ông bà ngoại, trưa ăn cơm ở đó động viên ông bà. Chiều hai đứa mình sẽ đưa con đi chơi công viên. Tối sẽ đến thăm nhà mấy chị em cùng trường. Chị hiệu trưởng bảo: “Bao giờ chồng về cho nghỉ một tuần. Vợ chồng lính phải có chế độ đặc biệt”. Chúng mình đến cảm ơn chị ấy.
Bây giờ còn một mình em. Anh ơi, sao những điều giản đơn bình dị của bất kỳ một đôi vợ chồng nào mà mình không có được. Sao tình yêu anh dành cho em chỉ là những con chữ bay bay. Sao Thu Dịu cứ phải hỏi bố đâu? Bao giờ bố về? Anh ơi có lẽ đêm nay lại mưa... Thôi lúc tuần tra anh đừng nghĩ về em nhé. Em rất yếu đuối nên biết rằng nếu để tình cảm đè nặng thì công việc chẳng thể nói trước được điều gì.
Gặp, nói với anh được rồi thế là em thanh thản. Không phải em cản chân anh nhưng con gái nó thế. Thư này anh đừng cho anh em trong đồn biết nhé. Ngại lắm. Họ bình luận anh lại bênh vợ. Chỉ mình em ở nhà bênh chồng là được rồi. Em mềm yếu nhưng có một bí mật này bao giờ thì chưa rõ... Nhất định em sẽ lên đồn thăm các anh. Ở với chồng một đêm biên giới.
Chào anh. Hôn anh mười cái”.
Vậy là đã 4 ngày, thư giờ chắc đến nơi rồi. Có lẽ anh đang đọc lại lần thứ năm, thứ sáu. Hoặc anh đang trên lưng ngựa hay đi giúp dân gì đó. Sao tôi lại viết thế nhỉ? Anh còn bao nhiêu việc phải lo lắng. Biên giới bình yên, vợ chồng cũng phải bình yên chứ. Tôi tự trách tôi. Tôi làm sao thế nhỉ...!
Du An
| |