Biến tấu

Kim Phiến
Biến tấu

Chiếc xe Phương Trang cồng kềnh lao đi trong màn đêm, bỏ lại sau lưng ánh đèn xanh đỏ của Sài Gòn đô hội. Xe đang chạy qua cầu Cần Thơ. Ánh sáng trên xe tối tù mù, chỉ trừ ánh sáng của màn hình ti vi nhưng cũng đủ thấy những khuôn mặt đang ngái ngủ. Đối với Trần Lực, đây là lần đầu tiên anh xuống miền Tây. Nếu không có người mách với anh: “Cha Diệp ở Nhà thờ Tắc Sậy linh lắm” thì chẳng bao giờ anh xuống nơi mà trước kia vợ anh cho là xứ mút cà tha.

Không gian trên xe chỉ có tiếng nhạc trầm bổng, hết bài hát này rồi tới bài khác, cứ thế chúng như đánh đố với suy nghĩ của anh. Lờn vờn! Tất cả cứ lờn vờn trong từng dòng suy nghĩ rồi bỗng vụt tắt khi hình ảnh đứa con gái cưng chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí của anh.

Xe dừng lại một trạm đổ xăng, chỉ có lòng anh trôi mãi trôi mãi trong dòng suy nghĩ miên man vào một khoảng vắng hư vô nào đó… Con anh, vợ anh, mái gia đình mà anh giống như một kẻ nô bộc cao cấp.

Mỗi người có một vị trí, việc làm khác nhau, môi trường công việc khác nhau nhưng anh thấy mình quá vô dụng. Tiền lương công chức ba đồng, ba cọc của anh không đủ mua sữa cho con. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do chị chu cấp. Anh luôn dè sẻn trong chi tiêu. Có lần, chị bảo anh nên tìm một bà giúp việc để rảnh tay mà hoàn thành tốt phần công việc của mình nhưng anh một mực không chịu. Chăm sóc con và làm công việc nhà, anh xem là niềm hạnh phúc của mình. Hơn nữa, anh không muốn con mình có tính của cậu ấm cô chiêu, chúng phải biết giá trị của lao động khi nhìn thấy sự vất vả của người thân mình ngay khi còn tấm bé. Là cha nhưng anh đảm nhiệm luôn trọng trách chăm sóc con thay mẹ chúng, thế nên con gái anh thương anh.

Nhiều lúc, anh cố dồn tình cảm của con gái dành cho mình sang mẹ nó nhưng bất lực. Thấy anh đều đặn đưa rước con mỗi ngày khi nắng cũng như mưa, nhiều cô giáo khen: “Chị nhà thiệt là có phúc phần!”. Anh chỉ biết nở nụ cười rồi lí nhí trả lời: “Mẹ bé không thuận đường về… nên… nên…”. Rồi anh quay đầu xe đèo con một mạch về nhà… Nhiều khi hai vợ chồng gặp nhau, anh chỉ nhận được một nụ cười nhạt của vợ. Đó là những lúc ăn nên làm ra, còn khi thất thu, chị lại cáu gắt. Anh chỉ biết im lặng. Im lặng để yên nhà yên cửa. Im lặng vì anh yêu chị.

Lâu lắm rồi, anh chị mới có một buổi cuối tuần ngồi cùng nhau. Anh gọi một tách cà phê đen giá bình dân. Hôm nay đi với Trần Lực, Thanh mặc một bộ đầm màu hồng - màu mà chị thích nhất, cổ áo khoét rộng, trể lộ một cặp ngực căng tròn, trắng bóc. Còn Trần Lực thì đơn giản, cách ăn mặc của anh đã làm cho cô phục vụ để ý. Anh chẳng bận tâm, cuộc sống là vậy, người ta thường hay dòm ngó bề ngoài.

Cô phục vụ xinh xắn, một tay cầm tờ giấy ghi thực đơn của khách, một tay cầm cây bút chờ Thanh lên tiếng. Cô phục vụ vừa đi khỏi, Thanh quay nhìn giàn hoa giấy phía trước sân.

- Giàn hoa giấy của quán này đẹp quá anh ha!

Trần Lực thoáng hiểu ý của vợ mình. Thanh thích hoa giấy, thích cái màu tinh khôi nhưng không kiêu sa như hoa lan, hoa huệ, hoa hồng. Hồi là sinh viên, có lần Trần Lực may mắn thoát bị chó cắn vì hái trộm hoa. Lòng Trần Lực dâng lên một hạnh phúc khó tả khi Thanh nhận một nhành hoa từ tay anh. Tình nghèo thời sinh viên của anh chị là vậy... Hạnh phúc đơn sơ chỉ vậy, thế mà bây giờ có tất cả, anh lại thấy thiếu thiếu. Nhà cửa đề huề, tiền của dư giả, con cái chăm ngoan… Anh thoáng buồn trong dạ.

Trần Lực nhẹ tay khuấy ly nước cam cho vợ mình với điệu bộ chăm sóc đặc biệt chỉ dành riêng cho người mình yêu thương nhất. Nhìn cử chỉ của anh, chị mỉm cười rồi buông miệng nói:

- Ước gì mình trẻ lại thêm vài tuổi anh ha?!

Nghe vợ mình nói, anh cụt hứng. Anh dừng tay, đặt ly nước cam trước mặt vợ một cách nặng nhọc. Nhà cửa, công việc ổn định, tiền của dư giả, con cái chăm ngoan đã đánh đổ tuổi xuân của con người? Tất cả những thứ ấy không có tội tình gì cả nhưng nó là kẻ thù đã cuốn mất tuổi thanh xuân và hạnh phúc nhỏ nhoi của con người. Giá như cuộc sống không cuốn con người ta vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, tranh quyền, đoạt lợi, lòng ích kỷ nhỏ nhen thì tốt biết mấy.

Thanh thì bận bịu với công việc, khó khăn lắm vợ chồng anh mới có một buổi ngồi cùng nhau uống ly cà phê, vậy mà cũng không trọn vẹn. Mặc dù họ đã tìm một chỗ vắng người qua lại để ngồi, thế mà chị hết lượt này rồi đến lượt khác nở nụ cười, bắt tay, gật đầu. Một người phụ nữ lướt qua với lời chào bà giám đốc, tới một anh thanh niên lễ phép chào sếp… Anh thấy vợ mình đã trở thành một người nổi tiếng thật sự với tài năng lãnh đạo và sở hữu một nhan sắc mặn mà.

Anh ngồi như một kẻ thừa khi một gã đàn ông ăn mặc bảnh bao gật đầu chào vợ chồng anh rồi xin phép ngồi cùng. Qua lời giới thiệu, anh biết là đối tác làm ăn của vợ. Gã có vẻ từng trải, hiểu biết rộng trong lĩnh vực kinh doanh… Nhìn gã đàn ông, anh ngứa cả ruột nhưng ngồi im lặng, lơ đãng nhìn ra sân. Anh ghen? Không! Đó là cảm xúc nhất thời của một thằng đàn ông, một thằng chồng tự nhận mình là kẻ vô dụng. Và chính cung cách tế nhị của anh bao lần làm cho vợ anh nể phục. Trong mắt anh, vợ anh là nhất và tự vấn lòng mình về vai trò phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp, thành đạt như vợ anh.

Nhìn vẻ mặt của anh, chị thoáng hiểu chồng mình đang nghĩ gì. Chị buông miệng:

- Anh đây là đối tác làm ăn của em. Công ty anh ta đang gặp khó khăn về vốn nên có ý muốn nhờ em giúp đỡ. Anh có thể về trước, em ở lại trao đổi với ảnh một số việc.

Anh nở nụ cười thân thiện thoáng một chút nhợt nhạt với người đàn ông đối tác làm ăn của vợ rồi từ giã ra về…

Nghe tiếng chuông reo, đoán chắc mẹ về, con gái anh ra mở cổng. Con bé nhìn cha mình tay xách lũ khũ đồ ăn, nó liền hỏi anh:

- Sáng nay, mẹ cùng cha mà, mẹ đâu không về cùng cha?

Anh vừa đặt túi đồ ăn trên bàn vui vẻ trả lời với con:

- Mẹ con bận gặp đối tác làm ăn nên về sau. Cha con mình cùng nhau nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng.

Con gái anh bây giờ mười hai tuổi, nó cũng hiểu chuyện. Thế nên anh cố khỏa lấp bằng sự bù đắp tình cảm cho con. Anh luôn biện minh cho sự vắng mặt của mẹ nó với nhiều lý do thuyết phục. Nhờ chị mà cha con anh mới nhà đẹp và to để ở, bữa ăn ngon hơn và quan trọng nữa là nhiều đồng nghiệp trong cơ quan của anh không còn chê anh là thằng nhà quê vì nghèo.

Hai cha con lúi húi nấu cơm trong bếp thì điện thoại reo. Anh bảo con gái nghe điện thoại. Khi trở xuống gương mặt nó bí xị, anh hỏi ai gọi vậy, con gái anh nói mẹ.

- Mẹ nói, hôm nay có khách, không về ăn cơm với cha con mình.

- Ừ! Mẹ con lúc này bận bịu lắm. Cha con mình ở nhà phải ngoan, không thôi mẹ buồn.

Vừa an ủi con mà lòng anh dần nặng trĩu, một làn khói trắng giăng ngang qua đôi mắt anh, cay xè. Anh hiểu và cảm thông cho chị… Chỉ tại nhìn con gái buồn buồn, anh thấy tội cho con bé mà thôi…

Chị về nhà hơn mười hai giờ đêm, hơi rượu nồng nặc bốc ra từ hơi thở. Anh bảo chị thay quần áo rồi ăn thêm chút gì. Chị tắm xong, anh đã pha xong một ly nước chanh nóng để sẵn trên bàn, bảo chị uống cho giải rượu. Chị vừa ngồi sấy tóc vừa kéo túi xách mang ra một xấp tiền, sau đó mở két bỏ vào. Chị đặt lên môi anh một nụ hôn thắm thiết rồi tựa vào vai anh khẽ khàng nói nhỏ: Như ngày xưa anh nhỉ!

Mùi hạnh phúc tan ra khắp phòng ngủ. Sâu thẳm trong lòng Trần Lực dâng lên một cảm xúc khó tả.

Tình yêu và biến tấu của tình yêu như sau hoàng hôn là đêm. Và sau đêm là ngày.

Minh họa: Kim Phiến

Minh họa: Kim Phiến

Cao Minh Tèo

Tin cùng chuyên mục