Bình Định giữ đà tăng trưởng nhóm dẫn đầu miền Trung

Trong 9 tháng đầu năm 2022, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, tỉnh Bình Định cũng tận dụng tốt cơ hội bình thường mới để gặt hái được nhiều thành quả tích cực, các chỉ số phát triển kinh tế tăng cao, thu hút đầu tư dự án tiếp tục được giữ vững mức tăng trưởng tốt.

Đầu tư xã hội tăng mạnh

Theo UBND tỉnh Bình Định, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng đầu năm của tỉnh tăng 8,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 0,09% (GDP cả nước tăng 8,83%), xếp thứ 7 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

TP Quy Nhơn (Bình Định) - đô thị hội nhập và phát triển. Ảnh: DŨNG NHÂN

Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng đều đóng góp rất lớn vào nền kinh tế chung của tỉnh. Đáng chú ý, tổng diện tích gieo trồng hàng năm vụ Hè Thu đạt 60.334ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt trên 280.000 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Sản lượng khai thác thủy sản tiếp tục tăng 2,2% so với cùng kỳ đạt trên 214.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt trên 9,6 triệu tấn (tăng 4% so với cùng kỳ)…

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù vượt qua giai đoạn dài gánh chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 song tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 26,6 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt gần 10.000 tỷ đồng (tăng 15%), khu vực ngoài nhà nước đạt 15.662 tỷ đồng (tăng 8,4%), khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.032 tỷ đồng (tăng 6,3%).

Trong 9 tháng qua, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, hoạt động chỉ đạo trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tỉnh đã đôn đốc chỉ đạo tiến độ xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình trọng điểm với vốn hàng ngàn tỷ đồng, như: Tuyến đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh; đường vào Sân bay Phù Cát (giai đoạn 2); Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt...

Bình Định tập trung phát triển hạ tầng khai thác nguồn lực phát triển. Ảnh: DŨNG NHÂN
Bên cạnh đó, Bình Định tiếp tục tổ chức khởi công tuyến đường kết nối đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ, thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn; đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn).

Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Đường ven biển (đoạn Đề Gi - Mỹ Thành), đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh)...

Đẩy mạnh thu hút vốn FDI

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 854,8 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,6 triệu USD. Trong 9 tháng qua có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn lên 6,85 triệu USD.

Về thu hút đầu tư trong nước tăng trưởng rất tốt, lũy kế từ đầu năm đến nay thu hút được 58 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 14.196 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án trong khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đăng ký trên 2.407 tỷ đồng; 41 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đầu tư trên 11.788 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tăng vốn đầu tư 14 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.419 tỷ đồng.

Bình Định giữ đà tăng trưởng nhóm dẫn đầu miền Trung ảnh 3 Phân khu phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển ở Bình Định. Ảnh: DŨNG NHÂN
Từ đầu năm đến nay, có 973 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 8.515 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 35,7% về số doanh nghiệp và 7,5% về vốn đăng ký...

Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định cho biết, để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI, vừa qua sở này đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm.

Trong đó, tập trung rà soát tình hình triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, kể cả các dự án đấu thầu, đấu giá. Sở KH-ĐT sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư cho những dự án có vướng mắc, khó khăn hoặc thu hồi, chấm dứt các dự án không còn khả năng triển khai.

Tăng cường tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đã đủ điều kiện tổ chức. Đồng thời tăng cường giao cho các địa phương tổ chức lựa chọn, nhất là các dự án đấu giá. Đề xuất phương án lựa chọn chủ đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp...

Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư các thị trường quan trọng như tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Đức tại Bình Định (11-2022) và tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Đức (12-2022).

Tin cùng chuyên mục