Tại thời điểm này, công an tỉnh Đồng Nai đang đấu tranh mở rộng Chuyên án 920G liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ 2,7 triệu lít xăng giả. Đây là đường dây tổ chức làm xăng giả với quy mô lớn, tinh vi diễn ra tại nhiều tỉnh thành vừa được triệt phá.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của đất nước. Xăng dầu cũng là một trong những nguồn năng lượng chính được Nhà nước cân đối trong chính sách cân bằng năng lượng, là một trong những mặt hàng quan trọng được Nhà nước dự trữ quốc gia. Sản phẩm xăng dầu là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…) cũng như sự quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 9-3-2014 của Chính phủ quy định, Bộ Công Thương có chức năng chính là chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối; Bộ Khoa học và công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế và các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn mình.
Thời gian qua, tình trạng sản xuất, buôn bán xăng giả và vi phạm pháp luật về kinh doanh, mua bán xăng dầu diễn ra khá phổ biến, với các lỗi: Vi phạm tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo (điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép); không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu; bán xăng dầu ngoài hệ thống; bán xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Cùng đó, lợi dụng sự chênh lệch giá cả xăng dầu trong nước và nước ngoài, nhiều cá nhân, tổ chức đã không ngần ngại vi phạm pháp luật, buôn lậu xăng dầu vào nước ta.
Chỉ tính riêng lực lượng cảnh sát biển, trong năm 2020, lực lượng này đã bắt, xử lý 58 vụ với 76 phương tiện, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và ước tính giá trị tang vật tịch thu hơn 300 tỷ đồng, thu gần 7 triệu lít dầu DO, gần 1,9 triệu lít xăng. Không chỉ có thế, hiện nay, trên thị trường, các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu được mua bán khá dễ dàng.
Nếu các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu thì rất dễ thực hiện, điển hình như vụ án “trùm” xăng giả Trịnh Sướng đang xét xử. Điều đáng lưu ý là các chất dung môi này khi pha vào xăng sẽ làm các gioăng bằng cao su nhân tạo trong ô tô, xe máy bị mềm rồi chảy nhão ra, dẫn đến việc rò rỉ xăng, xe dễ bị nổ hoặc bốc cháy trong lúc lưu thông…
Theo các chuyên gia, để bịt lỗ hổng khiến xăng lậu, xăng giả “tung hoành”, ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu, cần sửa đổi các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu để phù hợp với tình hình mới, điển hình như xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu xăng dầu quy mô lớn; tăng mức xử phạt đối với hành vi buôn bán gian lận; đưa dung môi và các chất pha chế xăng dầu vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh kiểm tra, xử lý chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận.