Bitexco không sở hữu toàn bộ Công ty Cổ phần du lịch Hương Giang

Đại diện Tập đoàn Bitexco cho rằng Bitexco không sở hữu toàn bộ Hương Giang, Hương Giang chỉ là công ty liên kết và việc sở hữu là sở hữu cổ phần công ty chứ không sở hữu "đất vàng".

Mặt trước khách sạn Hương Giang
Mặt trước khách sạn Hương Giang

Chiều 1-6, trả lời thông tin liên quan đến việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bán toàn bộ cổ phần trong Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang (gọi tắt là Hương Giang) cho Tập đoàn Bitexco với mức giá khá bèo; không thực hiện theo đấu giá mà thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư, đại diện Tập đoàn Bitexco cho rằng, thực tế Bitexco không sở hữu toàn bộ Hương Giang, Hương Giang chỉ là công ty liên kết và việc sở hữu là sở hữu cổ phần công ty chứ không được sở hữu "đất vàng".

Đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết việc mua Hương Giang không qua đấu giá do Bitexco được lựa chọn là Nhà đầu tư chiến lược. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản cho phép lựa chọn nhà đầu tư bán cổ phần trọn lô do Huế cần một nhà đầu tư chiến lược. 

Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2016, Hương Giang rất thua lỗ nên giá giao dịch thực tế của các cổ đông chuyển nhượng cho nhau chỉ là 5.000 đồng/cổ phần và 8.000 đồng/cổ phần. Như vậy, việc Bitexco đã mua cổ phần với giá 12.600 đồng/cổ phần tại thời điểm đó là cao, mức giá này cũng cao hơn mức giá thẩm định ban đầu do Huế đưa ra mức giá sàn cao hơn để thoả thuận. 

Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang (tiền thân là Công ty Du lịch Hương Giang) là một doanh nghiệp nhà nước được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập năm 1996. Từ năm 2007-2013, công ty thực hiện xong cổ phần hóa, vốn nhà nước chỉ còn 62,86%.

Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang nắm giữ hầu hết các khách sạn lớn nằm ở các khu "đất vàng" đắc địa nhất tại TP Huế, biển Lăng Cô. Trong đó, khách sạn Hương Giang có 100% vốn của Nhà nước, cùng 2 công ty con là Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang và Khu du lịch tắm khoáng nóng Mỹ An (xã Phú Dương, huyện Phú Vang).

Hương Giang còn có 3 đơn vị liên doanh với phần vốn của Nhà nước tại các liên doanh này là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là khách sạn 4 sao Saigon Morin (liên doanh với Saigontourist với tỉ lệ góp vốn 50%), khách sạn 5 sao La Residence (liên doanh với Công ty Khách sạn Kinh Thành, góp vốn 49%) và Lăng Cô Beach Resort (góp vốn 40%).

Tháng 3-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi công ty cổ phần, đã bán toàn bộ cổ phần trong Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco. Tổng số chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, mức giá chuyển nhượng 12.600 đồng/cổ phần, số tiền bán được 158 tỷ đồng.

Sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang.

Tin cùng chuyên mục