Bộ GD-ĐT: Không nhập khẩu chương trình, SGK nước ngoài vì quá đắt

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc sử dụng chương trình và SGK của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền. Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và SGK của Việt Nam.  
Bộ GD-ĐT khẳng định tự soạn chương trình, SGK tiếng Anh sẽ "rẻ" và phù hợp hơn
Bộ GD-ĐT khẳng định tự soạn chương trình, SGK tiếng Anh sẽ "rẻ" và phù hợp hơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc sử dụng chương trình và SGK của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền. Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và SGK của Việt Nam. Nếu nhập thì giá thành SGK cũng vì thế mà tăng lên nhiều, đa số người dân Việt Nam không thể mua SGK của nước ngoài xuất bản.

Tại phiên thảo luận ở tổ cũng như hội trường vừa qua, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nêu câu hỏi: Tại sao Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) không nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa (SGK) ngoại ngữ của nước ngoài thay cho việc biên soạn chương trình và SGK của Việt Nam?

Giải trình lại điều này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc sử dụng chương trình và SGK của nước ngoài liên quan đến vấn đề bản quyền. Kinh phí để mua bản quyền đắt hơn rất nhiều so với việc huy động các chuyên gia trong nước tự xây dựng chương trình và SGK của Việt Nam. Nếu nhập thì giá thành SGK cũng vì thế mà tăng lên nhiều, đa số người dân Việt Nam không thể mua SGK của nước ngoài xuất bản.
Mặt khác, chương trình của nước ngoài có nhiều nội dung không phù hợp Việt Nam.
“Chương trình và SGK ngoại ngữ của Việt Nam được xây dựng theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (trên cơ sở đối chiếu với Khung tham chiếu chung châu Âu), chính vì vậy, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông vẫn đạt được năng lực ngoại ngữ tương đương chuẩn của nước ngoài”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cam kết.

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được phê duyệt theo Quyết định số  1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án Ngoại ngữ 2020).

Đề án có mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam.

Đến ngày 22-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.

Theo đó, mục tiêu của Đề án xác định đến năm 2020 hoàn thành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non. Đến năm 2025: phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm; 100% các ngành đào tạo chuyên ngữ triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo.


120.000 giáo viên mầm non nghỉ hưu không có chế độ, 6.000 người lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng 

Trong khi đó, trong báo cáo giải trình thêm với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thống kê ban đầu cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 120.000 giáo viên mầm non (GVMN) nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, tập trung ở 31 tỉnh/thành phố chủ yếu ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình trở ra phía Bắc. Đời sống hiện nay của hầu hết của các GVMN này gặp rất nhiều khó khăn: không có lương hưu, không có chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), thu nhập để duy trì cuộc sống chủ yếu nhờ vào ngày công lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ.

Bộ GD-ĐT: Không nhập khẩu chương trình, SGK nước ngoài vì quá đắt ảnh 1 Nhiều giáo viên mầm non không được hưởng lương hưu hoặc lương hưu rất thấp
 Nguyên nhân khiến số GVMN không được hưởng lương hưu theo Bộ trưởng là do các giáo viên này có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu dài trong những năm gian khó của đất nước. Nhiều giáo viên vào ngành từ những năm 1970, có thời gian công tác từ 20 đến 30 năm. Đa số GVMN thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được nhân dân phát hiện, tiến cử làm GVMN, không được đào tạo bài bản, không được biên chế, dạy ở các nhà kho hoặc nhờ nhà dân, được trả công bằng thóc hoặc thù lao do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp, trong đó các cô giáo phải tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. 
“Các giáo viên này không được tuyển dụng vào biên chế nhà nước theo các văn bản đã ban hành và hiện nay đã nghỉ công tác nhưng không được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước”, Bộ trưởng Phùng Quang Nhạ cho hay.

Về giải pháp để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì nghiên cứu tổng thể, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chế độ cho GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Hội Cựu Giáo chức Việt Nam tổ chức nghiên cứu và đang hoàn thiện văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất chế độ, chính sách cho đối tượng này. Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến các bộ, ngành đối với dự thảo báo cáo trước khi trình Thủ tướng.

Ngoài ra, bên cạnh 120.000 GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, còn số GVMN đã nghỉ công tác nhưng hưởng lương hưu thấp. Đây là những giáo viên dạy ở các trường mầm non nông thôn hưởng trợ cấp từ nguồn học phí hoặc ngân sách địa phương có thời gian dạy học nhưng không được tham gia BHXH.

Sau đó có tham gia đóng BHXH theo quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 18-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ước tính, có khoảng hơn 6.000 GVMN khi nghỉ hưu có mức lương hưu thấp (chỉ bằng mức lương cơ sở, tức hơn 1 triệu đồng/tháng).

Nguyên nhân của tình trạng này là do căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Giai đoạn trước khi có Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ban hành một số  chính sách phát triển giáo dục mầm non 2011 -2015, GVMN cơ bản không được tuyển dụng vào biên chế nên không được hưởng lương theo thang bảng lương, không được tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH không đủ thời gian nên không có lương hưu.

Ngoài ra, do nguyên nhân mmột số địa phương hợp đồng GVMN nhưng lại không trả lương theo thang bảng lương hiện hành mà chỉ trả trọn gói (1-2 triệu/tháng) và không đóng BHXH cho GVMN. Do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp (do thang bảng lương của GVMN thấp), thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.

“Bộ GD-ĐT đề xuất giải pháp cho vấn đề này là thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với viên chức nghỉ hưu, trong đó có GVMN đã nghỉ hưu”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

Tính đến thời điểm ngày 15-8-2018, toàn quốc có tổng số giáo viên mầm non là 309.770 (công lập là 262.155, ngoài công lập là 47.615). Tỷ lệ giáo viên/lớp toàn quốc cụ thể là: nhóm trẻ: 1,77 giáo viên (GV)/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,73 GV/lớp); mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,52 GV/lớp). Số lượng biên chế giáo viên mầm non được các địa phương giao thêm để tuyển mới cho năm học 2018-2019  là 13.939 biên chế.

So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định thì số GMMN còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 43.732 người.

Tin cùng chuyên mục