Bộ trưởng Tô Lâm: Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới hiện nay

Giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình trước Quốc hội, ảnh Viết Chung
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình trước Quốc hội, ảnh Viết Chung

Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay. “Đây là vấn đề cần được khẳng định rõ để cử tri và nhân dân cả nước yên tâm, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đặc biệt là vào năm 2020, nước ta có nhiều sự kiện quan trọng như  tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng thừa nhận: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia; nhóm các tội phạm do nguyên nhân xã hội như giết người, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, mua bán bào thai, tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép; tội phạm liên quan đến tín dụng đen; tội phạm nước ngoài gây ra tại Việt Nam; tội phạm vi phạm pháp luật trên lĩnh vực đất đai, môi trường, nhất là vấn đề làm ô nhiễm nguồn nước .

Giải trình thêm về vấn đề tội phạm ma túy - vấn đề được các ĐBQH đề cập nhiều nhất, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng bộ Công an luôn xác định ma túy là tội phạm của các loại tội phạm nên đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này. Nhiều ý kiến lo lắng về việc tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3, tuy nhiên, qua các vụ án lớn vừa qua cho thấy các đường dây ma túy đều mới hoạt động và đã bị chúng ta phát hiện, bắt giữ.

“Phần lớn là mới vận chuyển chuyến đầu tiên hoặc mới bắt đầu sản xuất ma túy. Điều đó cho thấy, thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy mang lại hiệu quả. Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng công an nhân dân còn có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy”, Bộ trưởng khẳng định.

Dù vậy, đối với tội phạm ma túy, đồng chí Tô Lâm cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt các thách thức lớn. Đó là áp lực về tội phạm ma túy từ bên ngoài vào rất lớn, trong Việt Nam có đường biên giới dài, cả đường bộ, đường biển rất khó kiểm soát. Số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng, con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều so với thống kê những người nghiện có hồ sơ kiểm sát, công tác cai nghiện chưa hiệu quả và gặp nhiều khó khăn, còn người nghiện thì còn nhu cầu sử dụng ma túy, sẽ kích thích các đối tượng bằng mọi cách mua bán, vận chuyển ma túy, đây là vấn đề siêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, lực lượng, kinh phí, phương tiện cho các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Vẫn theo giải trình của Bộ trưởng Tô Lâm, hàng năm ngành công an nhận gần 134.000 tin báo tố giác tội phạm, trên 103.000 số vụ án, trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, những tồn tại, khó khăn, sai phạm trong vụ việc này, vụ việc kia là điều không thể tránh khỏi. “Những vụ việc phức tạp, kéo dài, chủ yếu do tính chất phức tạp của vụ việc, trong đó có việc thu thập chứng cứ trong một số vụ việc hết sức khó khăn, nhất là những vụ việc đưa và nhận hối lộ hoặc các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Cũng có một số việc có vi phạm của cán bộ trong công tác điều tra. Chúng tôi không bao giờ dung túng, bao che cho các vi phạm này”, Bộ trưởng cam kết.

Một khó khăn khác cũng được Bộ trưởng đề cập, đó là vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách. Còn nhiều vấn đề hết sức khó khăn như vấn đề giám định tài sản, vấn đề định lượng trong các tội danh của Bộ luật Hình sự năm 2015, vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự với các nước... mà chưa thể khắc phục một sớm một chiều. Cùng với đó là những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục