TPHCM là nơi sôi động nhất nước của các thị trường: thị trường hàng hóa, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường lao động… Riêng thị trường bất động sản (đất đai, nhà cửa…), sau mấy đợt lên cơn sốt, vài năm nay lại im ắng lạ thường. Các sàn giao dịch ế ẩm. Các kênh thông tin quảng cáo vắng người ghé xem. Gần đây, nhiều dự án khổng lồ với cả chục ngàn căn hộ đang chưa có người mua, trái ngược hẳn với không khí sôi sục “sáng lên chiều xuống mai lại lên” như thị trường vàng, với lượng giao dịch vàng vật chất mỗi ngày tính ra bằng hàng trăm căn hộ. Vậy mà một số “đại gia” vẫn chuẩn bị tung vào thị trường tưởng chừng như đã bão hòa ấy khoảng chục ngàn căn hộ nữa trong năm con mèo sắp tới. Với đà này, nhiều người đã nghĩ đến một tình trạng “bội thực” căn hộ đối với người dân TPHCM.
Nhưng có thật là nhà ở đã trở nên thừa mứa, cung vượt quá cầu, đến nỗi người dân không cần mua nhà nữa?
Sự thật không phải như vậy. TPHCM vốn là TP đông dân nhất nước, với số người thường xuyên sinh sống và làm việc khoảng gần 7 triệu người. Sức hấp dẫn của một TP năng động và phát triển, cùng với sự nới lỏng về quản lý hộ tịch hộ khẩu theo luật cư trú hiện hành, người tứ phương vẫn tấp nập đổ về. Ước tính mỗi năm, TPHCM lại “nở” thêm dân số bằng một quận mới. Đến đâu phải ở đấy. Nhu cầu nhà ở, trong đó đặc biệt là nhu cầu về căn hộ, ngày càng tăng lên.
Chưa hết, TPHCM đang trong giai đoạn quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Chỉ tính một vài dự án như xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), cải tạo rạch Ụ Cây (quận 8)… TP đã phải di dời, giải tỏa hàng chục ngàn hộ dân, nghĩa là cũng bằng ấy hộ dân cần có nhà mới. Chính quyền TP đã bố trí nhà tái định cư cho dân. Song phần đông muốn tự lo chỗ ở mới. Nhu cầu này cũng đã ném lên đĩa cân của thị trường căn hộ một trọng lượng không nhỏ. Đó là chưa kể đến mỗi ngày, mấy trăm nhà hàng trong TP kín đặc tiệc cưới - một nhu cầu tách hộ và tăng dân số tự nhiên - cũng sẽ tham gia vào thị trường nhà ở, góp phần làm cho TP ngày một chật chội thêm.
Trên thực tế, người dân TPHCM vẫn rất thiếu nhà ở. Chỉ tiêu phấn đấu về xây dựng nhà ở cho năm 2011 của TPHCM là 14,5m²/người chỉ có tính khái ước, bởi ngoài số có hộ khẩu thường trú (để làm căn cứ tính cho chỉ tiêu trên) còn tới vài triệu người vẫn hiện diện hoạt động tại TP cần nhà ở. Vả lại, việc mua nhà hiện nay lại được mở rộng cho nhiều đối tượng, người của các tỉnh thành, thậm chí là ở nước ngoài (Việt kiều)… Nhu cầu này cũng không nhỏ.
Tại sao những người đang “đói” nhà lại không thể mua được những căn hộ đang thừa mứa, ế ẩm kia? Tất cả là do chủng loại và giá cả. Những căn hộ đang làm “bội thực” thị trường đều là những dự án căn hộ cao cấp. Giá rẻ nhất (thường ở quận ven và ngoại ô) cũng một vài tỷ đồng, đắt (ở các quận trung tâm) thì cả chục tỷ đồng, vượt khỏi khả năng của số đông những người đang “đói” nhà. Trong khi đó, những chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp - vì nhiều lý do khác nhau - không muốn hạ giá bán căn hộ. Do đó, nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn “đói”.
Tình trạng trên kéo dài sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Trước hết là sự lãng phí vốn đầu tư - mỗi dự án đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Vốn đọng, nợ tăng, lãi suất lũy tiến… có thể làm một số chủ đầu tư phá sản, khiến thị trường diễn biến khó lường. Trong khi đó, hàng chục ngàn hộ vẫn không có nhà ở, chưa thể “an cư lạc nghiệp”.
Chỉ khi các doanh nghiệp, chủ đầu tư điều chỉnh giá cả, thay đổi chủng loại cho phù hợp với nhu cầu đa dạng của xã hội thì mâu thuẫn trên mới có thể được giải quyết, thị trường mới không quá nóng hoặc đóng băng.
PHAN LỘC