Sau khi ông chủ Julian Assange của trang web Wikileaks bị bắt hôm 7-12, một cuộc chiến trên mạng đã thực sự bùng nổ với các cuộc tấn công qua lại giữa những người ủng hộ với những người chống Wikileaks. Cuộc chiến đang đến hồi căng thẳng khi Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều nước vào cuộc truy lùng những tin tặc (hacker) ủng hộ Wikileaks.
- Phản pháo
Một nhóm tự xưng “Anonymous” (ẩn danh) đã tấn công hàng loạt các website đã cắt nguồn tài trợ cho Wikileaks như trang web của hãng MasterCard, Visa, trang web mua sắm Amazon, PayPal, EveryDNS, Ngân hàng PostFinance (Thụy Sĩ - nơi phong tỏa tài khoản của Assange). Ở cấp độ chính trị, Anonymous tấn công trang web của các chính khách Mỹ như Sarah Palin, nghị sĩ Joe Liberman, trang web của văn phòng Công tố viên Thụy Điển (nơi ra trát bắt giữ Assange), trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ và Chính phủ Thụy Điển.
Theo báo Independent, vào đêm 9-12, hơn 30.000 người đã tải phần mềm đặt biệt cho phép họ nhắm vào các trang web. Phần mềm này sẽ làm chậm hoặc đóng cửa tạm thời một trang web bằng cách ồ ạt gửi tới các yêu cầu cung cấp thông tin. Phầm mềm cho phép nhiều máy tính cùng truy cập vào trang web mục tiêu với hàng triệu lượt truy cập làm cho trang web quá tải. Kiểu tấn công như vậy được gọi là tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).
Những trang web có độ an ninh cao và đường truyền băng thông rộng vẫn có thể đứng vững trước các đợt tấn công này nhưng chưa chắc trong tương lai có đứng vững hay không nếu số lượng truy cập quá lớn từ các hacker.
Trang web mua sắm lớn nhất thế giới Amazon.com công bố bị tấn công nhưng cho rằng do công suất máy chủ lớn nên không ảnh hưởng đến họ. Amazon có sức mạnh như vậy do họ đã chuẩn bị khả năng mua sắm ồ ạt trong những ngày lễ. Còn trang PayPal trực thuộc Amazon bị tấn công nhưng chỉ bị chậm trong thời gian ngắn chứ không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán. Amazon từng có đường link tới Wikileaks nhưng đã tháo bỏ từ tuần trước vì bị cho rằng vi phạm các điều khoản dịch vụ xuất bản tài liệu.
Riêng 2 trang mạng của MasterCard và Visa bị tê liệt trong nhiều giờ. Trong số các địa chỉ bị tấn công, còn có trang web của luật sư Thụy Điển Claes Borgstrom - người đại diện cho 2 phụ nữ có đơn kiện khiến Julian Assange bị bắt giữ. Trang web của bà Sarah Palin, cựu ứng viên Phó Tổng thống Mỹ bị tấn công sau khi bà kêu gọi cấp tốc truy bắt Assange, tương tự như đối với Al Qaeda và các lãnh đạo Taliban. Nhiều tài khoản cá nhân của bà Palin và chồng bà cũng bị hacker tấn công. Trang web của Thượng Nghị sĩ Lieberman bị đánh sập vì ông là người đã kêu gọi các doanh nghiệp đình chỉ cộng tác với Wikileaks.
Theo ông Paul Mutton, chuyên gia Công ty Netcraft có trụ sở tại London, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi các cuộc tấn công, chỉ dùng phần mềm tải về, một người nghiệp dư cũng có thể tham gia tấn công các trang web mà Anonymous mong muốn. Chỉ trong ngày 8-12, số máy tính theo nhóm Anonymous tấn công các trang web nhảy vọt từ 400 lên 2.000 máy. Con số này khá nhỏ nhưng cũng đủ làm quá tải 2 trang của MasterCard và Visa.
Thông thường, kiểu DDos sẽ dùng virus hay mã độc nhưng trường hợp của Anynomous dùng phầm mềm mang tên LOIC (low orbit ion-cannon). Tại Anh, tấn công bằng DDos được xem là phạm pháp, có thể nhận án 2 năm tù giam. Trước các cuộc tấn công như vậy, người phát ngôn của Wikileaks Kristinn Hrafnsson, tuyên bố: “Chúng tôi không lên án và cũng không ủng hộ những cuộc tấn công này. Chúng tôi tin rằng đó là phản ứng của công chúng”.
Hrafnsson khẳng định Wikileaks không có mối liên hệ nào với Anynomous. Danh sách các địa chỉ web bị tin tặc “viếng thăm” vì liên quan tới vụ Wikileaks có lẽ còn rất nhiều, vì ngoài các cơ sở công khai thừa nhận bị tin tặc tấn công, còn có những nạn nhân khác, đặc biệt các công ty thương mại, chủ trương ém nhẹm thông tin vì không muốn thú nhận mình không bảo đảm an toàn được cho website của mình.
Trong một phát biểu đăng trên mạng, nhóm Anonymous nói: “Chúng tôi không có liên hệ nhiều với Wikileaks nhưng chúng tôi chiến đấu vì cùng một mục tiêu. Chúng tôi ủng hộ sự minh bạch và chống lại kiểm duyệt”.
- Ủng hộ viên của Wikileaks bị vạ lây
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 9-12 cho biết, Mỹ đang điều tra các hành động tấn công vào những trang web chống lại Wikileaks. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Peter King, người sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa tại Hạ viện mới của Mỹ trong năm 2011, cho biết sẽ đưa ra một dự luật để xóa sổ Wikileaks. Ông này cho biết điều luật SHIELD (HR 6506) cấm nêu tên của các nguồn tin tình báo Mỹ, những người cung cấp thông tin cho quân đội hay cộng đồng tình báo Mỹ. “Julian Assange và những trợ lý của ông không những hủy hoại an ninh quốc gia của Mỹ với những tài liệu họ đưa ra mà còn đặt ra mối nguy cho sinh mạng của những người cung cấp nguồn tin tình báo cho Mỹ trên khắp thế giới. Julian Assange là kẻ thù của Mỹ và sẽ bị truy tố theo luật”, ông King tuyên bố.
|
Tại Hà Lan, cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên 16 tuổi sau khi anh này thừa nhận tham gia các cuộc tấn công nhắm vào hai trang web MasterCard và Visa. Hiện chưa có thông tin chi tiết về nhân vật này nhưng các công tố viên Hà Lan tin rằng đây là phần nổi của tảng băng, theo đó sẽ có một nhóm lớn hơn đằng sau nghi can 16 tuổi này. Cảnh sát đã thu giữ tài liệu và máy vi tính của đương sự. Ananymous thực ra chỉ là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn mang tên “Operation Payback” (Chiến dịch trả thù) chống lại những trang mạng “gây thù chuốc oán với Wikileak”. Tại Pháp, các quan chức tư pháp đang gây áp lực với chính phủ để chấm dứt việc đặt một phần máy chủ của Wikileaks tại nước này.
Tin tặc đã đánh sập trang web của báo Lebanon “Al-Akhbar”, trang tin đã đăng tải những bức điện tín ngoại giao của Mỹ được Wikileaks công bố. Trang web của tờ báo tiếng Arab duy nhất nhận những bức điện trực tiếp từ Wikileaks này đã bị tin tặc kiểm soát và chuyển người đọc tới một diễn đàn tán gẫu của Saudi Arabia.
Khẳng định đây là hành động bất hợp pháp, Omar Nashabi, thành viên hội đồng biên tập báo “Al-Akhbar”, nói: “Chúng tôi đang chờ kết quả điều tra để biết ai là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công này. Chúng tôi đã thiết lập một trang blog mới để độc giả tiếp tục đọc báo”. Báo “Al-Akhbar” đã đăng tải nhiều tài liệu của Wikileaks, trong đó có một số thông tin được xem gây lúng túng cho các nước vùng Vịnh như việc Quốc Vương Saudi Arabia Abdullah được dẫn lời trong một bức điện ngoại giao khuyến khích các quan chức Mỹ tấn công Iran.
- Những người ủng hộ
Người đứng đầu Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR), Navi Pillay, ngày 10-12 khẳng định việc gây áp lực cho các trang web cắt đứt quan hệ với Wikileaks có thể vi phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến. “Tôi lo ngại trước áp lực lên các công ty tư nhân, gồm ngân hàng, các công ty thẻ tín dụng cắt đứt quan hệ và chặn tiền tài trợ cho Wikileaks cũng như ngừng nối kết với trang web này. Đây có thể được diễn giải là nỗ lực kiểm duyệt thông tin xuất bản”, bà nói. Bà Pillay thêm rằng nếu Wikileaks vi phạm pháp luật thì nên dùng hệ thống pháp luật để xử lý chứ không nên gây áp lực đến bên thứ ba.
Theo tờ The Moscow Times, Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Pháp Francois Fillon ngày 9-12 cũng phê phán Mỹ liên quan đến vụ Wikileaks. Ông Putin lên án việc bắt giữ Julian Assange. “Nếu thật sự dân chủ thì tại sao ông Assange vào tù? Đó là dân chủ ư?”, ông Putin nói.
Đồng quan điểm với Thủ tướng Nga còn có Tổng thống sắp mãn nhiệm của Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khi cho rằng ông đoàn kết với Assange, gọi Assange là “nhà vô địch của tự do ngôn luận”. Tổng thống Brazil cho rằng bắt Assange chính là “ tấn công vào tự do bày tỏ”. Ông cũng tỏ ra ngạc nhiên với nhiều nước vì không nghe được nhiều tuyên bố lên án hành động bắt giữ này.
Tại Australia, quê hương của Assange, hàng trăm người đã xuống đường tại Sydney kêu gọi chính phủ nước này có hành động để giúp ông chủ 39 tuổi của Wikileaks. Nhiều nơi khác trên cả nước Australia cũng đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ Assange. Một tổ chức mang tên Getup! Cho biết đã có hơn 50.000 người tại Australia ký tên ủng hộ Assange và quyên góp được 250.000 USD để cung cấp cho các tờ báo Mỹ xuất bản những thông tin của Wikileaks. Hàng chục người ở thành phố Multan, Pakistan cũng đã xuống đường đốt cờ Mỹ và cờ Anh phản đối việc bắt giữ Assange.
Những người ủng hộ Wikileaks ở Thụy Sĩ và Đức cũng đang kiện các công ty Mỹ. Tổ chức Wau Holland tại Đức, tự xưng là người ủng hộ chính của Wikileaks dọa kiện PayPal do trang web này phong tỏa 10.000 EUR mà họ đã tài trợ cho Wikileaks. Họ đòi PayPal thực hiện trở lại giao dịch này. DataCell ehf, đơn vị xử lý chi trả cho Wikileaks cho biết sẽ kiện MasterCard và Visa vì từ chối chuyển tiền tài trợ cho Wikileaks. “Thật ngớ ngẩn khi cứ nghĩ rằng mọi việc làm của Wikileaks là phạm pháp”, DataCell ehf tuyên bố
THỤY VŨ tổng hợp