Hệ quả của việc tăng chỉ tiêu, nâng cấp, mở trường đại học (ĐH), mở ngành ồ ạt... trong nhiều năm liền đang khiến giáo dục ĐH hiện nay vướng vào cái bẫy chất lượng (cả nước chỉ còn tỉnh Đắc Nông chưa có trường ĐH-CĐ). Kết quả điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 đã làm vỡ ra nhiều điều khi hàng loạt trường từ ĐH tốp giữa đến những trường ĐH địa phương đứng trước nguy cơ đóng cửa nhiều ngành học.
- Những ngành học chết yểu
Nhìn vào kết quả tuyển sinh những năm gần đây của những trường có tên tuổi, có thế mạnh về đào tạo nhóm ngành cơ khí, kỹ thuật như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Cần Thơ… nhiều chuyên gia bỗng chạnh lòng khi nhóm ngành cơ khí, kỹ thuật càng ngày càng ủ rũ.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đặt kỳ vọng những ngành có thế mạnh của trường là các ngành kỹ thuật, cơ khí sẽ lấy lại khí thế vì trường xác lập kỷ lục vô tiền khoán hậu khi số thí sinh đăng ký dự thi tăng gần 200% và có đến hơn 60.000 thí sinh dự thi (đứng thứ nhì của cả nước). Tuy nhiên, con số này cũng chẳng giúp được gì khi kết quả điểm thi của những ngành trên hết sức ảm đạm. Ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt gồm 2 chuyên ngành nhưng chỉ vỏn vẹn 24 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Ngành Công nghệ may có 2 chuyên ngành và có 44 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên… Và để đủ người học, hội đồng tuyển sinh nhà trường phải tiếp tục đua theo cuộc chơi “xổ số” NV2, nhưng kết quả cũng không khả quan.
Quay lại với kết quả tuyển sinh của trường ĐH luôn có thí sinh dự thi đông nhất nước là Trường ĐH Cần Thơ, tình cảnh teo tóp càng trầm trọng hơn bao giờ hết. Những ngành có ý nghĩa quan trọng giúp kinh tế khu vực ĐBSCL cất cánh ngày càng thưa thớt dần người học. Ngành Cơ khí chế biến chỉ có 4 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên, ngành Kỹ thuật điều khiển tự động có 10 thí sinh đạt 13 điểm trở lên, ngành Cơ khí giao thông có 9 thí sinh đạt 13 điểm trở lên...
Trường ĐH Nông Lâm năm nay tăng trên 5.000 thí sinh nhưng nhiều ngành đang trong cảnh báo động thiếu sinh viên. Dù lấy điểm trúng tuyển NV1 chạm đáy điểm sàn khối A (13 điểm) thì số thí sinh trúng tuyển ở nhiều ngành chỉ bằng 1/4 so với tổng chỉ tiêu (mỗi ngành 60 chỉ tiêu) và thậm chí có ngành không có lấy 1 thí sinh trúng tuyển. Ngành Cơ khí chế biến bảo quản nông sản chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển, ngành Cơ khí nông lâm: 3, ngành Chế biến lâm sản: 5. Nghiêm trọng nhất là 2 ngành Công nghệ giấy - bột giấy và ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa không có thí sinh nào trúng tuyển. Tiếp đến, các ngành kỹ thuật như Công nghệ kỹ thuật nhiệt chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển; ngành Kỹ thuật cơ - Điện tử có 2.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có nhiều ngành ảm đạm. Dù được đầu tư trang thiết bị thực hành, phòng thí nghiệm vào loại hiếm nhưng những ngành Kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật điện tử truyền thông, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật cơ điện tử chưa tới 40% trúng tuyển NV1.
Trong khi đó, đối với các trường ĐH khác có nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương và khu vực như ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên, ĐH Trà Vinh, ĐH An Giang, nhóm ngành kỹ thuật, nông Lâm đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
- Nghịch lý nhu cầu và nhân lực thực tế
Trái ngược với cảnh tuyển sinh đìu hiu, nhu cầu tuyển dụng thực tế ngoài xã hội đối với những ngành chết yểu này hết sức sôi động với nhu cầu cao, lương cao. Xét từ góc độ tuyển dụng lao động, ngay tại TPHCM, thông tin từ các trung tâm giới thiệu việc làm cho thấy hiện nay các ngành cơ khí, kỹ thuật điện - điện tử - điện lạnh nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng lại không có người.
Giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm tại TPHCM chia sẻ: Các ứng viên thuộc lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật ứng dụng tốt nghiệp đại học luôn được các nhà tuyển dụng săn đón và trả lương với mức 8 – 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây nguồn để cung cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng ở nhóm ngành nghề này luôn thiếu.
Trong lúc doanh nghiệp phải hụt hơi tìm người thì cơ sở đào tạo lại phập phồng vì người thiếu người học. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý và mất cân đối giữa cung và cầu là từ phía nhà trường hay do xã hội?
- Định hướng tuyển sinh - bỏ ngỏ
Kinh nghiệm của một người quản lý ở một trường có truyền thống về nhóm ngành cơ khí, kỹ thuật, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, chia sẻ: Những ngành như cơ khí nông lâm, điều khiển tự động, công nghệ nhiệt lạnh ít thí sinh đăng ký học là một phần do các em ngại cực khổ, nghĩ rằng điều kiện, môi trường làm việc không tốt, nặng nhọc và… nghe không sang. Thế nhưng, theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, hiện nay sinh viên của trường đang học năm thứ 3 ở những ngành kể trên đã có đơn vị đặt hàng trước và nhiều em tốt nghiệp ra trường thu nhập rất cao.
Phân tích dưới góc độ của một nhà quản lý công tác đào tạo và tuyển sinh, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, từng cho rằng việc chọn ngành nghề của học sinh là xuất phát từ nhu cầu xã hội. Thế nhưng, việc thí sinh thiếu cân nhắc hay thiếu định hướng trong lựa chọn ngành nghề không phải lỗi ở thí sinh mà chính là lỗ hổng ngành giáo dục trong công tác hướng nghiệp ở các bậc học dưới.
Thực tế, khối ngành kỹ thuật như công nghệ vật liệu, cơ kỹ thuật hay khối ngành cơ khí nông lâm những mùa tuyển sinh gần đây điểm chuẩn đã chạm đáy khi rơi từ mức trên điểm sàn từ 1 – 2 điểm xuống bằng điểm sàn nhưng cũng không có người học. Và mùa tuyển sinh năm nay, những ngành này đành tiếp tục hy vọng vào cuộc đua vớt ở NV2 và NV3 nhưng chắc chắn sẽ heo hút người học.
Sự mất cân đối trong tuyển sinh đã dẫn đến chênh lệch trong cán cân ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực trong tương lai. Không chỉ những mùa tuyển sinh gần đây mà ngay kết quả tuyển sinh trong năm 2010 cho thấy nhóm ngành kinh tế đã chiếm trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Kết quả này đã vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020, nhóm ngành kinh tế - luật chiếm 20% sinh viên theo học. Nghiêm trọng hơn, cũng theo mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 nhóm ngành khoa học cơ bản phải đạt 9% lượng sinh viên đăng ký theo học nhưng hiện nay số sinh viên theo học chưa đạt tới 3%. |
Thanh Hùng