Khắc phục hậu quả bão số 9 ở Bến Tre

Cả dân và cán bộ đều… kiệt sức!

Cả dân và cán bộ đều… kiệt sức!

Ba ngày sau khi bão số 9 trôi qua, cảnh tan hoang vẫn nằm đầy bên đường. Người dân thiếu tiền, vật liệu cạn kiệt, nguồn nhân lực sở tại hỗ trợ dân gần như đã kiệt sức. Đó là nỗi niềm ưu tư tràn khắp xóm, ấp ở Bến Tre.

  • Tiền hỗ trợ chưa về

15 giờ chiều ngày 8-12, anh Nguyễn Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND xã Phước Long, huyện Giồng Trôm vừa từ nhà dân về tới trụ sở UBND xã cho hay: “Nhân lực của xã chưa tới 30 người cộng với khoảng 36 cán bộ ở các ấp chạy “xơ cờ” vì số lượng nhà dân thiệt hại quá nhiều. Cán bộ xã, ấp nhiều người mấy ngày qua không về nhà, ngủ tại ấp để giúp dân”. Đối với số nhà bị sập gần 400 căn, người dân đang rất khó khăn vì không có tiền, không có lá, cây để sửa chữa. Người có tiền cũng không mua được vì hiện tại các chủ vựa không còn hàng để bán! Hiện tại chính quyền xã phối hợp với các đoàn thể giúp dân sửa chữa dựng tạm lại nhà cửa để dân có chỗ ở. Ít nhất 1 tháng nữa cuộc sống của người dân mới tạm ổn. Tiền hỗ trợ cho dân có nhà bị sập, hư hỏng đến nay vẫn chưa về tới xã.

  • Nhiều xã chưa có điện
Cả dân và cán bộ đều… kiệt sức! ảnh 1

Dựng lại mái nhà sau bão.
Ảnh: T.M.T.

Chúng tôi ghé thăm gia đình một người thiệt mạng trong cơn bão là bà cụ Nguyễn Thị Tháng, 78 tuổi chết ngay khi nhà sập lúc bão. Bà Nguyễn Thị Quí, con gái bà Tháng kể: “Khi bão xảy ra, mẹ tôi ở nhà một mình, biết nguy hiểm nhưng chúng tôi ở xa không thể chạy về kịp. Khi trời hết gió, ngưng mưa, về đến nhà thì căn nhà đã sập, mẹ tôi…”. Đáng thương hơn là trường hợp cháu bé tên Mai Thị Tường Vy, 4 tuổi ở xã Thới Lai. Khi gió bão giật mạnh, cha mẹ Vy lo chống đỡ cho căn nhà khỏi sập, Vy vì quá sợ gió bão, chạy qua nhà bà nội, bị cây ngã đè chết.

Tại xã Thạnh Phước, sau khi cơn bão đi qua, toàn xã có 1.751/2303 căn nhà bị sập, tốc mái. Trước tình hình trên, UBND xã vận động các gia đình có nhà bị tốc mái tự khắc phục sửa chữa. Còn 520 căn nhà bị sập hoàn toàn, đến nay các lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ đã dựng lại tạm thời chỉ được 20% số nhà sập. Trao đổi với chúng tôi lúc 16 giờ 30 phút ngày 8-12, ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đến nay cả xã mới nhận được 300kg gạo. Nhu cầu vật tư xây dựng rất lớn nhưng không đáp ứng kịp. Đến nay cả xã vẫn chưa có điện.

  • Nhận tin bão lúc nửa đêm! 

Nằm dọc theo sông Hàm Luông, xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày (chiếc nôi của quê hương Đồng Khởi) lâu nay vốn yên bình như bao vùng quê miệt vườn khác. Nhưng chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ hứng chịu cơn bão sáng ngày 5-12, hình ảnh ấy đã không còn nữa.

Xã Bình Khánh Đông có đến 4 trường tiểu học bị tốc hoặc sập mái. Trường THCS của xã vừa mới xây dựng, gió làm tốc gần như toàn bộ mái tôn. Trụ sở trạm y tế, BCH quân sự và Hội trường UBND xã cũng bị bão cuốn tốc mái. Do vậy, việc khắc phục hậu quả tại chỗ còn hết sức khó khăn. Do nhà nào cũng dính bão nên mạnh ai nấy lo là chính, thanh niên trong xã chủ yếu giúp được một số công việc nặng nhọc như dọn dừa gãy, dọn trụ điện để thông thoáng đường đi. Riêng đường dây hạ thế, chưa biết đến bao giờ mới khắc phục xong.

Trước thiệt hại nặng nề về người và của do cơn bão số 9 gây ra, ngày 7-12, Tổng thống Liên bang Nga V.Putin đã gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao ở một xã vùng sâu, xa biển mà thiệt hại nhiều đến vậy? Phải chăng công tác phòng chống bão triển khai quá chậm? Nhà dân miệt vườn ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng đa phần là nhà lá tạm bợ, hoặc nhà gỗ bán kiên cố. Một trận gió mạnh đi qua cũng có thể gây sập, huống hồ gì một cơn bão lớn.

Thêm vào đó, do thiếu kinh nghiệm nên người dân cũng không biết làm gì ngoài cất giữ một số đồ đạc đáng giá mà thôi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho biết, họ không có thông tin gì về bão. Một số hộ khác thì cho rằng bản tin dự báo thời tiết quá khó hiểu. Một cán bộ địa phương cho biết: “Bão sắp tới nơi rồi nhưng cứ kêu họp hoài. Khi công điện phòng chống bão về tới cơ sở đã gần 12 giờ đêm ngày 4-12. Hơn 7 giờ sáng ngày 5-12, bão đã ập vào, làm sao chống nổi, dù chính quyền cơ sở đã đi đôn đốc, kiểm tra, nhưng bão quả thật quá sức tưởng tượng.

Chiều hôm qua 8-12, Công an huyện Mỏ Cày đã cử một nhóm 10 người xuống Bình Khánh Đông giúp các gia đình neo đơn dựng lại mái nhà.

BÌNH - NAM - PHONG - TRƯỜNG

Thông tin liên quan

- Bão Utor có thể vào Biển Đông

- Cả nước chung tay khắc phục bão số 9

- 230 triệu đồng giúp đồng bào các tỉnh bị bão số 9

- Thăm và tặng quà người dân bị thiệt hại trong cơn bão số 9

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm nhân dân vùng bão

Tin cùng chuyên mục