Cà Mau phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững

Có 3 mặt tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển lớn nhất và là một trong 4 ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm của cả nước, tỉnh Cà Mau đang phát triển mạnh kinh tế biển. 
Khi cầu bắc qua sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển thị trấn ven biển Sông Đốc
Khi cầu bắc qua sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển thị trấn ven biển Sông Đốc

Kinh tế biển khởi sắc

Cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một trong những cửa biển nhộn nhịp bậc nhất vùng cực Nam Tổ quốc, tập trung nhiều tàu thuyền vào neo đậu. Vì vậy, kinh tế biển cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá quanh cửa biển Sông Đốc rất sôi động.

Tuy vậy, kinh tế - xã hội trên địa bàn thị trấn Sông Đốc lại chưa phát triển như kỳ vọng. Một trong những điểm nghẽn là thiếu nhịp cầu kết nối giữa hai bờ Bắc và bờ Nam. Thấy được điều này, tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực triển khai xây dựng cầu bắc qua sông Ông Đốc với kinh phí gần 640 tỷ đồng. 

Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, đây là công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến công trình này, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ vướng mắc. “Thời điểm ban đầu, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Sau khi tuyên truyền vận động, cũng như giải thích rõ cho bà con về ý nghĩa, tầm quan trọng của cây cầu này, người dân đã có sự động thuận cao.

Vì vậy, 170 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đã thống nhất giao mặt bằng để xây dựng cầu”, ông Lâm thông tin. Mới đây nhất, khi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo nhà thầu tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình hoàn thành sớm, dự kiến thông xe vào ngày 30-4-2023. Cây cầu sẽ giúp kết nối hai bờ Nam và Bắc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển cho thị trấn Sông Đốc.

Với chiều dài bờ biển lớn nhất cả nước (254km), tỉnh Cà Mau còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Hiện có 12 dự án điện gió với công suất 700MW được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận chủ chương đầu tư (3 dự án đưa vào vận hành, 7 dự án đang thi công). Bên cạnh đó, còn nhiều dự án điện gió khác đưa vào quy hoạch đến năm 2030. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều công trình điện gió được triển khai dọc ven biển từ Đông sang Tây.

Là một trong những địa phương có nhiều công trình điện gió, ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết, huyện luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt thực hiện các dự án này. Các chủ trương, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cũng được người dân đồng thuận cao. Vì vậy, dự án điện gió trên địa bàn huyện được triển khai thuận lợi.

Ông Lê Minh Hiền đánh giá, các dự án điện gió hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ góp phần cung cấp điện sạch cho điện lưới quốc gia, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 

Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cũng cho rằng, điện gió cũng tạo thêm hấp lực giúp huyện thu hút đầu tư, phát triển các dự án lớn trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động các xã ven biển. Bên cạnh đó, còn tạo ra cơ hội phát triển du lịch. Người dân khu vực lân cận nhà máy điện gió cũng có điều kiện phát triển kinh doanh, dịch vụ buôn bán phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc cho các nhà máy điện gió và du khách đến tham quan.

Mở rộng không gian phát triển

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh tập trung tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Tỉnh cũng thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt.

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển. Trong đó, tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển nhằm kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển.

Qua đó, mở rộng không gian phát triển, kết nối với các trung tâm kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế và kết hợp sắp xếp lại dân cư ven biển nhằm giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu... Đồng thời, tỉnh tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng chuyên dùng vận chuyển hàng hóa, khách du lịch (Hòn Khoai, Năm Căn, Sông Đốc…) gắn với phát triển hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối các cảng với khu vực nội địa, quốc tế…

Theo Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân tăng 7%/năm.

Trong đó, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40%-45% tổng thu ngân sách của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4.500-4.700 USD. Tỉnh Cà Mau phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 đạt trên 7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục