Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo virus siêu cấp của Trung Quốc có thể gây đại dịch toàn cầu

Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo virus siêu cấp của Trung Quốc có thể gây đại dịch toàn cầu

Các nhà khoa học quốc tế đang bày tỏ lo ngại đối với một công trình nghiên cứu ở Trung Quốc nhằm tạo ra giống virus mới lai giữa virus cúm gia cầm H5N1 và virus cúm A H1N1 và cảnh báo nếu loại virus siêu cấp này lọt ra ngoài phòng thí nghiệm, có thể gây ra một đại dịch toàn cầu, giết chết hàng trăm triệu người.

Có thể lây lan trong không khí

Công trình nghiên cứu này do Giáo sư Trần Hoa Lan, giám đốc phòng thí nghiệm cúm gia cầm quốc gia của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân cùng một số nhà khoa học khác thực hiện. Nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm với mức độ bảo mật cao nhất để ngăn chặn virus thoát ra ngoài – nhóm nhà khoa học này cho biết.


Theo kết quả công bố định kỳ ngày 2-5, họ đã tạo ra 127 giống virus khác nhau lai giữa H5N1 và H1N1, 5 loại trong số đó đã chứng minh có thể truyền trong không khí giữa chuột lang thử nghiệm. Theo bà Trần Hoa Lan, nghiên cứu mới này sẽ giúp sáng tỏ cách mà các loại virus kết hợp với nhau để gây nguy hiểm cho con người, từ đó giúp con người có biện pháp đề phòng.


Hồi tháng 3 vừa qua, nhà virus học Ron Fouchier của Trung tâm Y tế Erasmus ở Hà Lan cũng công bố một thí nghiệm tương tự về virus H5N1 và bị các nhà khoa học quốc tế áp đặt lệnh cấm kéo dài 1 năm đối với các thí nghiệm lai virus do không an toàn.

Các nhân viên phòng dịch Trung Quốc tiến hành lấy mẫu H7N9 trên bồ câu.

Các nhân viên phòng dịch Trung Quốc tiến hành lấy mẫu H7N9 trên bồ câu.

Công trình gây tranh cãi

Báo The Independent (Anh) ngày 3-5 dẫn lời Cựu Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia Anh Robert May cho biết các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc đã tiến hành nhiều thử nghiệm nhằm tạo ra các chủng virus mới bằng cách kết hợp virus cúm gia cầm H5N1 (có thể gây chết người nhưng không lây từ người sang người) với một biến thể của loại virus H1N1 xuất hiện năm 2009 (có thể lây từ người sang người). Ông R.May nói với The Independent rằng các thử nghiệm trên của các nhà khoa học Trung Quốc là một hành vi vi phạm các quy định an toàn về nghiên cứu dịch bệnh. “Họ tuyên bố làm điều đó để giúp phát triển vaccine phòng chống cúm hoặc đại loại như vậy. Nhưng trên thực tế họ đã bị thúc đẩy bởi tham vọng mù quáng bất chấp tất cả. Họ đang tìm cách tạo ra những virus nguy hiểm có thể lây nhiễm giữa người với người. Đây là một việc làm vô trách nhiệm”.


Giáo sư Simon Wain-Hobson, một nhà virus học nổi tiếng tại Viện Pasteur ở Paris, Pháp cho biết toàn bộ các dòng virus lai nói trên có khả năng lây giữa người với người dễ dàng, đồng thời chúng có chứa một số đặc tính chết người của H5N1. “Dù đó là một nghiên cứu rất ấn tượng về virus học của Trung Quốc, nhưng họ đã không nhận thức rõ ràng về những gì họ đang làm. Điều đó rất đáng lo ngại. Các cơ sở nghiên cứu virus không thực tế. Nó không hữu ích trong việc phát triển vaccine và các lợi ích về giám sát virus cúm mới” – ông nói với tờ The Independent.


Phản bác những ý kiến trên, bà Trần Hoa Lan cho biết những nguy cơ các chuyên gia đưa ra không thực tế vì nghiên cứu của họ nhằm phục vụ việc quan sát cách thức loại virus này lây truyền sang người để ngăn chặn một đại dịch tiềm năng.
 

Trung Quốc công bố tài liệu về nguồn gốc virus H7N9


Theo phát hiện của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc và các trường đại học, virus H7N9 đã được tái cấu trúc từ các virus cúm gia cầm thuộc ít nhất 4 nguồn gốc khác nhau. Một trong những gien của virus H7N9 có thể bắt nguồn từ các virus cúm gia cầm ở vịt tại vùng châu thổ sông Dương Tử, nơi khởi phát bệnh dịch. Một loại gien khác có thể đã tiến hóa trong cơ thể chim di cư bay qua Trung Quốc và vịt có khả năng là vật thể trung gian hàng đầu lây lan virus từ chim hoang dã sang gia cầm trong nước. Ngoài ra, 6 gien của virus H7N9 có thể bắt nguồn từ hai nhóm virus cúm gia cầm H9N2 khác nhau từ Thượng Hải cũng như hai tỉnh miền Đông là Giang Tô và Chiết Giang. Các nhà khoa học cũng cho rằng virus H7N9 đã tiến hóa từ ít nhất hai dòng khác nhau vì chúng có những dấu hiệu khác nhau kháng thuốc chống cảm cúm Tamiflu.

VIỆT ANH (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Trung Quốc công bố tài liệu về nguồn gốc của H7N9

Tin cùng chuyên mục