Các nước Tiểu vùng sông Mê Công hợp tác quản lý lao động di cư

Việc giao thương kinh tế và hòa nhập xã hội giữa các nước ngày càng được mở rộng khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành và lao động di cư giữa các nước đang trở thành hiện tượng kinh tế - xã hội tự nhiên.
Sáng 2-8, tại Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư” trong các nước Tiểu vùng sông Mê Công, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam chính thức khai mạc.
Các nước Tiểu vùng sông Mê Công hợp tác quản lý lao động di cư ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc, cho biết, với quy mô dân số vào khoảng 230 triệu người, 5 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Công có sự gần gũi về địa lý và có nhiều nét tương đồng về văn hóa.
Việc giao thương kinh tế và hòa nhập xã hội giữa các nước ngày càng được mở rộng khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành và lao động di cư giữa các nước đang trở thành hiện tượng kinh tế - xã hội tự nhiên.
Hội nghị lần này là dịp để các đại biểu trao đổi về các chính sách, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động di cư; vấn đề việc làm bền vững và an sinh xã hội đối với người lao động di cư; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn người lao động di cư qua biên giới.
Các nước Tiểu vùng sông Mê Công hợp tác quản lý lao động di cư ảnh 2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, di cư đang là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Thực tế này là động lực quan trọng cho phát triển, giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, góp phần tăng cường, hợp tác phát triển kinh tế toàn diện. Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì tình trạng di cư sẽ là một trong những nguyên nhân gây ra nạn bóc lột, buôn bán người và các tệ nạn khác.
“Để làm tốt vấn đề này, 5 nước Tiểu vùng sông Mê Công cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, phát triển kinh tế nói chung, giao lưu thương mại, không ngừng chia sẻ thông tin về lao động, những thay đổi về chính sách lao động, đồng thời đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả các kênh tiếp nhận thông tin để giải quyết kịp thời những vướng mắc về tình hình lao động. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tốt hơn tình hình an sinh xã hội cho những lao động di cư, từng bước tiến tới những tiếng nói chung giữa các nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục